Bà bầu nào nằm trong nhóm có nguy cơ cao bị tiểu đường thai kỳ nên đi khám thai và xét nghiệm đường huyết ngay lần đầu tiên trong 3 tháng đầu?
Tiểu đường thai kỳ nguy hiểm thế nào với mẹ và con?
Tiểu đường thai kỳ là một hội chứng liên quan đến rối loạn chuyển hóa chất đường trong cơ thể. Trong thời kỳ mang thai, nếu bạn bị tiểu đường thì sẽ gây ra rất nhiều nguy hiểm cho cả mẹ và con.
- Đối với mẹ, tiểu đường thai kỳ có thể gây nguy cơ tiền sản giật, nguy cơ băng huyết sau sinh, sinh non, thai chết lưu, đa ối, vỡ ối...
- Đối với thai nhi, tiểu đường thai kỳ có thể khiến thai nhi có nguy cơ bị các dị tật bẩm sinh ở hệ tiết niệu hệ thần kinh, hệ tim mạch; thai nhi có thể bị dị dạng, khả năng suy hô hấp cấp do insulin tăng làm phổi bị ảnh hưởng, trẻ sinh ra dễ bị hạ đường huyết và tụt canxi...
Đối tượng nào có nguy cơ cao bị tiểu đường thai kỳ?
TS. BS Trịnh Hùng Dũng, khoa Phụ Sản, Bệnh viện 103 lưu ý, để phòng tránh tiểu đường thai kỳ, bạn cần đến cơ sở y tế để khám và quản lý thai nghén.
- Những bà bầu có nguy cơ cao bị tiểu đường thai kỳ gồm tiền sử tiểu đường, gia đình có người tiểu đường, tiền sử sinh con to, tiền sử xảy thai liên tiếp, tiền sử thai chết lưu... nên đi khám thai và xét nghiệm đường huyết ngay lần đầu tiên trong 3 tháng đầu.
- Những đối tượng khác không có yếu tố nguy cơ cao thì tầm soát đường huyết vào 24 - 28 tuần.
- Chế độ dinh dưỡng của thai phụ rất quan trọng. Nguyên tắc khẩu phần ăn (1/4 đạm, 1/4 tinh bột, 2/4 hoa quả và ngũ cốc) phù hợp với phụ nữ có thai.
- Nghỉ ngơi và tập thể dục nhẹ nhàng.
Theo Afamily.vn
Theo VTV