Chế độ dinh dưỡng khi mang thai là vô cùng quan trọng, bởi nó là cơ sở cho sự phát triển của thai nhi.
Hình minh họa.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Quốc tế City, mẹ khỏe mạnh sẽ giúp cho thai nhi dung nạp đủ dưỡng chất cần thiết để phát triển trong suốt thai kỳ. Chính vì thế, các mẹ bầu cần duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh, giàu dưỡng chất để tăng cân đạt chuẩn và thai nhi phát triển một cách tốt nhất. Dưới đây là những dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển thai nhi:
Chất đạm (Protein) không chỉ giúp thai nhi phát triển khỏe mạnh hơn mà còn đẩy mạnh quá trình sản xuất sữa mẹ nên các mẹ không thể bỏ qua protein trong chế độ ăn uống. Ở giai đoạn này, cả đạm động vật và đạm thực vật đều cần thiết cho cơ thể. Đạm động vật có thể được bổ sung thông qua thịt, cá, trứng, sữa; đạm thực vật thì có nhiều trong các loại hạt bí, hướng dương, hạt đậu...
Chất béo giúp cho sự phát triển não bộ của thai nhi và giúp cơ thể mẹ hấp thu vitamin tốt hơn. Mẹ nên chú ý sử dụng những loại thực phẩm cung cấp chất béo lành mạnh như dầu ô liu, bơ, đậu phộng, các loại hạt tự nhiên thay vì những chất béo bão hòa từ các loại thức ăn nhanh.
Tinh bột là chất không thể thiếu, nhưng các mẹ không nên nạp quá nhiều vào cơ thể trong những tháng cuối thai kỳ. Mỗi ngày chỉ nên đưa vào cơ thể lượng tinh bột vừa đủ từ gạo, ngũ cốc, khoai, sắn... để tránh nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ.
Chất xơ cũng không nên để thiếu. Vào tháng thứ 8 của thai kỳ, thai phụ có thể gặp phải một số triệu chứng như táo bón, ợ nóng, khó tiêu, vậy nên việc bổ sung chất xơ từ rau củ là vô cùng cần thiết cho cơ thể người mẹ.
Các loại vitamin, khoáng chất như Vitamin C, sắt, canxi là những chất thiết yếu giúp thai nhi phát triển xương mạnh khỏe. Vì khi sinh con, canxi từ cơ thể mẹ sẽ chuyển qua con nên việc bổ sung canxi còn giúp người mẹ giảm được nguy cơ loãng xương sau này. Các chất này có thể được bổ sung qua hoa quả, rau xanh, đậu phụ.
Những thức ăn nên hạn chế khi mang thai trong những tháng cuối thai kỳ, mẹ bầu nên tránh sử dụng trong những như đồ chiên rán nhiều dầu mỡ (đồ ăn chứa nhiều chất béo bão hòa), đồ đóng hộp nghèo dinh dưỡng, đồ hàng quán không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đồ ăn quá mặn, sống hoặc chưa chín kỹ, cay nóng, các loại cá có hàm lượng thủy ngân cao (cá mập, cá ngừ, cá kiếm, cá thu vua), đồ uống chứa caffeine và cồn.
Ngoài ra, ở giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ, bữa ăn của các mẹ nên chia thành nhiều bữa nhỏ để tránh tạo áp lực lên cơ quan tiêu hóa của cơ thể. Vào 3 tháng cuối thai kỳ, lượng nước các mẹ cần uống một ngày là khoảng từ 2 - 2,5 lít. Uống nhiều nước sẽ làm giảm các triệu chứng táo bón và giúp cơ thể trao đổi chất thuận lợi hơn. Khi uống nước không nên uống quá nhiều một lúc mà nên uống từng ngụm nhỏ và uống thuốc bổ vừa phải không nên phụ thuộc quá nhiều vì sẽ tạo áp lực nên hệ tiêu hóa và khiến triệu chứng táo bón trầm trọng hơn.
Ba tháng cuối cùng là thời điểm quan trọng và nhạy cảm nhất trong thai kỳ, vậy nên lối sống lành mạnh và một chế độ dinh dưỡng hợp lý cho các bà bầu là điều cần thiết để giúp các mẹ sinh nở thuận lợi.
Theo Afamily.vn
Theo VTV