Số ca mắc bệnh tay chân miệng tăng đột biến nhưng một số bệnh viện ở miền Tây thiếu thuốc điều trị, khiến nhiều bệnh nhân phải chuyển tuyến.
Trong hai tuần đầu tháng 6, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ (nơi tiếp nhận bệnh nhi khu vực Đồng bằng sông Cửu Long) điều trị gần 400 ca mắc tay chân miệng. Trong tháng 5, số ca là 490, tăng 140% so với tháng 4. Tính từ đầu năm, số ca điều trị là hơn 2.400 đến từ địa phương và các tỉnh lân cận.
Bác sĩ Ông Huy Thanh, Phó giám đốc bệnh viện, cho biết nơi này còn 11 trường hợp mắc bệnh mức độ 3, 4 rất nặng đang được điều trị tại khoa Hồi sức Tích cực; 5 trẻ khác tại khoa Nhiễm được theo dõi sát. Lý giải nguyên nhân số ca tăng đột biến, ông Thanh nói đây là thời điểm bệnh vào mùa, đồng thời nhiều em nhiễm virus tay chân miệng nhóm E71, khiến bệnh trở nặng nhanh.
Tuy nhiên, đơn vị này gặp khó do Immunoglobulin - thuốc có tác dụng tăng miễn dịch để điều trị tay chân miệng đang cạn dần. Đây là thuốc mua qua đấu thầu, nhưng do số lượng bệnh nhi nặng tăng đột biến, nên các nhà cung cấp xoay xở chưa kịp. "Vì thế, trong 1-2 tuần tới, ca mắc tiếp tục tăng mà chưa có nguồn thuốc thì rất khó khăn cho việc tiếp nhận, chữa trị", bác sĩ Thanh nói.
Bác sĩ khám một trường hợp nghi mắc tay chân miệng được đưa đến Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, ngày 16/6. Ảnh: Huy Thanh
Tương tự, tại Cà Mau, dịch tay chân miệng cũng tăng mạnh. Bác sĩ Phạm Minh Pha, Phó giám đốc Bệnh viện Sản Nhi tỉnh, cho biết từ đầu năm đến nay nơi này tiếp nhận hơn 150 ca (tăng hơn 400% so cùng kỳ năm trước). Lượng bệnh nhi tăng mạnh vào tháng 1, sau đó giảm dần, hiện có xu hướng tăng trở lại vào tháng 5, 6.
Cũng theo ông Pha, hiện nhân lực và cơ sở vật chất đủ điều kiện đáp ứng điều trị bệnh tay chân miệng. Tuy nhiên, trang thiết bị, vật tư y tế hiện chỉ tạm đủ, chưa có hệ thống ECMO (tim phổi nhân tạo) cũng như một số vật tư lọc máu. Đặc biệt, thuốc điều trị đặc hiệu như Phenobarbital, Immunoglobulin truyền tĩnh mạch (cho mức độ 2b trở lên) cũng "cạn" do đang làm thủ tục đấu thầu.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau, cho biết trước tình hình bệnh tay chân miệng diễn biến phức tạp, đơn vị đã chỉ đạo kiểm tra các cơ sở y tế về mức độ sẵn sàng để cấp cứu, điều trị bệnh cũng như công tác hậu cần, chuẩn bị thuốc, dịch truyền.
Một ca bệnh tay chân miệng đang được điều trị tại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Cà Mau. Ảnh: An Minh
Hiện số ca tay chân miệng tại TP HCM cũng tăng mạnh, vấn đề đáng lo ngại nhất là bệnh nhân nặng từ các tỉnh thành chuyển đến, trong khi nguồn thuốc tại thành phố đang hạn chế. Đầu tháng 6, Sở Y tế đề nghị Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, hỗ trợ tìm nguồn cung ứng thuốc điều trị tay chân miệng. Bộ Y tế sau đó trả lời tháng 7 sẽ có thuốc.
Cụ thể, hiện có 13 loại thuốc chứa Immunoglobulin được cấp giấy đăng ký lưu hành còn hiệu lực tại Việt Nam. Trong đó, thuốc Human normal immunoglobulin 100 mg còn 2.344 hộp loại 250 ml và 215 hộp loại 50 ml. Dự kiến giữa tháng 8, nhà sản xuất thuốc này sẽ cung ứng cho Việt Nam 2.000 hộp loại 250 ml.
Thuốc Immunoglobulin 5% hiện còn tồn 300 lọ tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Dự kiến cuối tháng 7, nhà sản xuất thuốc sẽ cung ứng khoảng 5.000 đến 6.000 lọ.
Ngoài ra, Cục Quản lý Dược đã cấp phép nhập khẩu thuốc Barbit - thuốc chưa có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam - để đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt. Nhà sản xuất thuốc này cho biết sẽ cung ứng 21.000 ống thuốc (Phenobarbital 200 mg/ml) vào đầu tháng 7.
Như vậy, vào đầu tháng 7, nguồn cung các loại thuốc điều trị tay chân miệng sẽ nhiều hơn, cung cấp cho TP HCM cũng như các bệnh viện ở miền Tây.
Tay chân miệng là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và có khả năng gây thành dịch lớn. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Hầu hết ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Một số trường hợp, bệnh diễn biến nặng và biến chứng nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong. Bệnh cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.
Bệnh này chưa có vaccine phòng ngừa. Bộ Y tế khuyến cáo phụ huynh phòng bệnh cho trẻ bằng ba sạch: ăn uống sạch - ở sạch, bàn tay sạch và chơi đồ chơi sạch. Đồng thời, khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh (nổi bóng nước ở bàn tay, bàn chân, miệng) cần đưa đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất. Cha mẹ cho trẻ nghỉ học khi mắc bệnh để hạn chế lây lan cho trẻ khác.
An Bình - An Minh
Nguồn: https://vnexpress.net/benh-vien-o-mien-tay-can-thuoc-dieu-tri-tay-chan-mieng-4618482.html