Sức khoẻ
   Nhiều ca tay chân miệng nặng, TP HCM lo thiếu thuốc
 

Số bệnh nhi tay chân miệng ở TP HCM tăng gấp đôi trong vòng một tuần, nhiều ca nặng, các bác sĩ lo quá tải bệnh viện và thiếu thuốc, thiếu máy lọc thận.

Ông Nguyễn Hồng Tâm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (CDC) cho biết tuần đầu tháng 6 thành phố ghi nhận 283 ca tay chân miệng, tăng hơn 133% so với trung bình 4 tuần trước đó. Số ca tăng ở cả trường hợp nhập viện và khám ngoại trú. Tính từ đầu năm, tổng số ca tay chân miệng là gần 2.000.

Mỗi bệnh viện nhi đang điều trị 10-30 ca tay chân miệng nội trú một ngày, trong đó nhiều ca nặng. Các tháng trước đó chỉ trung bình 5-6 bệnh nhi nằm viện hoặc không có ca nào.

Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, mỗi ngày 10-20 bệnh nhi điều trị nội trú, số ca nặng độ 2b-4 chiếm khoảng 20-30%. Còn Bệnh viện Nhi Đồng 2 có khoảng 30 bệnh nhi nhập viện mỗi ngày, 30-50% số ca nặng có biến chứng lên hệ thần kinh với các biểu hiện như giật mình, yếu chân tay (độ 2b).

Tập trung nhiều bệnh nhi nặng nhất là Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố. Nơi đây đang điều trị 30 bệnh nhi thì đến 11 ca nặng độ 3-4, 19 ca còn lại độ 2a. Hầu hết các cháu từ tỉnh chuyển đến, rất ít bé ngụ TP HCM.

Thiếu thuốc, thiếu máy lọc thận

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố, bệnh nhi tay chân miệng nặng được dùng thuốc truyền Phenobarbital có tác dụng chống co giật, an thần và gây ngủ. Tuy nhiên tình hình chung cả nước đều không có dạng thuốc truyền, bệnh viện phải sử dụng dạng uống thay thế. Hoặc, thuốc Gamma Globulin tác dụng tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể để chống lại bệnh tật, hiện bệnh viện còn đủ dùng cho khoảng 30-50 ca nặng.

Sở Y tế nhìn nhận nguồn cung ứng một số thuốc đặc trị bệnh tay chân miệng nặng (Immunoglobulin, Phenobarbital tiêm truyền) đang gặp khó khăn. Thuốc dự trữ hiện tại của các bệnh viện đủ sử dụng trong giai đoạn hiện nay, nhưng sẽ gặp khó khăn nếu dịch bệnh gia tăng sắp tới.

"Nếu thiếu thuốc, các bệnh nhi nặng phải lọc máu, tuy nhiên Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố chỉ có 3-5 máy lọc máu nên sẽ không thể đáp ứng đủ", bác sĩ Tiến nói, thêm rằng thiếu máy lọc máu là tình hình chung của các bệnh viện khác. Ông không loại trừ khả năng xảy ra quá tải cục bộ ở bệnh viện và thiếu thuốc điều trị.

Đồng quan điểm, bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia dịch tễ học, nguyên Trưởng khoa Nhiễm Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1, cũng cho rằng thiếu thuốc điều trị thì nhiều bệnh nhi phải thở máy, lọc máu, tốn kém cả về chi phí lẫn nhân lực, số máy thở hay máy lọc máu đều không đáp ứng đủ. Ngoài ra, khi bệnh viện quá tải, khó tránh khỏi vấn đề nhiễm trùng hay lây nhiễm chéo.

"Chưa thể dự báo sắp tới sẽ như thế nào", bác sĩ Khanh nói, thêm rằng điều quan trọng nhất hiện tại là phòng tránh để hạn chế số ca nhiễm, số ca nặng tăng cao. Trong khi đó, Sở Y tế TP HCM dự báo dịch tay chân miệng diễn biến phức tạp trong thời gian tới, do sự xuất hiện của chủng virus EV71 lây lan nhanh, độc lực cao.

Đầu tháng 6, Sở Y tế đề nghị Cục Quản lý Dược hỗ trợ tìm nguồn cung ứng thuốc điều trị tay chân miệng. Ngày 5/6, Cục thông báo đầu tháng 7 sẽ có nhiều nguồn cung thuốc, đề nghị Sở Y tế triển khai kế hoạch dự trữ, mua sắm, dự trữ thuốc.

 

Một bệnh nhi tay chân miệng nặng độ 3 đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Chiều 6/6, UBND TP HCM ra văn bản khẩn yêu cầu tăng cường phòng chống bệnh tay chân miệng ở khu vực nguy cơ cao như điểm trông giữ trẻ, trường mầm non, tiểu học, khu dân cư, nhà trọ có nhiều trẻ em. Người dân được khuyến cáo vệ sinh môi trường sống, theo dõi các triệu chứng bệnh và vào viện kịp thời, tránh chủ quan. Sở Y tế đã xây dựng các kịch bản thu dung, điều trị nếu số ca mắc tăng; đảm bảo thuốc và nhân lực.

Bộ Y tế ghi nhận 5 tháng đầu năm cả nước có gần 9.000 ca tay chân miệng, phần lớn ở miền Nam, giảm 28% so cùng kỳ năm trước. Ba trường hợp tử vong, tại Đăk Lăk, Kiên Giang, Long An, tăng hai trường hợp.

Tay chân miệng là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và có khả năng gây thành dịch lớn. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Hầu hết ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Một số trường hợp, bệnh diễn biến nặng và biến chứng nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong. Bệnh cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.

Rửa tay là biện pháp phòng chống quan trọng nhất. Vệ sinh đồ chơi cho trẻ, vệ sinh nhà cửa bằng xà phòng, dung dịch Javel hoặc các dung dịch sát khuẩn thông thường. Trẻ mắc bệnh cần được cách ly, tránh lây nhiễm cho trẻ khác. Trẻ bệnh cần theo dõi sát, phát hiện sớm các dấu hiệu nặng như sốt cao liên tục khó hạ, nôn ói nhiều, giật mình chới với, run tay chân, đưa đến viện kịp thời.

Mỹ Ý

Nguồn: https://vnexpress.net/nhieu-ca-tay-chan-mieng-nang-tp-hcm-lo-thieu-thuoc-4615388.html

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 5 lỗi sai thường gặp khi vệ sinh răng miệng (9/6)
 Biến chứng nguy hiểm của thuỷ đậu (9/6)
 7 mẹo giúp bạn uống nhiều nước hơn trong mùa hè (9/6)
 Phân biệt mụn nước do tay chân miệng và thủy đậu thế nào? (8/6)
 Trẻ mấy tuổi có thể học bơi? (8/6)
 Lưu ý khi đưa trẻ đi tiêm vaccine vào mùa nắng nóng (6/6)
 Tìm ra chủng virus gây bệnh tay chân miệng nặng ở TPHCM (6/6)
 Phòng ngộ độc botulinum từ thực phẩm đóng hộp (5/6)
 Tránh đuối nước ở trẻ, cha mẹ cần lưu ý những gì? (3/6)
 Nguy cơ mất mạng khi bật điều hòa ngủ trong ôtô (3/6)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i