Bệnh khác
   Bệnh vàng da ở trẻ
 
 
 Một trường hợp bé vàng da do teo đường mật bẩm sinh
Vàng da (da màu nghệ) là biểu hiện rất thường gặp ở trẻ sau sanh. Vàng da có thể là hiện tượng bình thường, nhưng cũng có thể là tiềm ẩn một trong những căn bệnh nguy hiểm bên trong cơ thể trẻ, có thể dẫn đến tử vong!

Nhiều thể loại vàng da

Người dân thường nghe nói về vàng da sinh lý và vàng da bệnh lý ở trẻ em. Nôm na, vàng da sinh lý là tình trạng bình thường, trẻ xuất hiện vàng da sau sanh rồi sẽ chóng hết; còn vàng da bệnh lý là do một số bệnh lý nào đó gây nên. Ở góc độ chuyên môn, có rất nhiều thể loại vàng da ở trẻ, mà người ta thường chia ra vàng da do tăng bilirubine gián tiếp và vàng da do tăng bilirubine trực tiếp. Trong mỗi loại có rất nhiều căn nguyên của nó.

Theo bác sĩ Phạm Thị Ngọc Tuyết - Trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi đồng II (TP.HCM): "Vàng da do tăng bilirubine gián tiếp bao gồm: vàng da sinh lý (là tình trạng trẻ xuất hiện vàng da khoảng ngày thứ 3 đến ngày thứ 5 sau sanh. Vàng da sinh lý kéo dài 1 - 2 tuần sẽ hết); vàng da ở những trẻ bú sữa mẹ; vàng da do tán huyết - đây là bệnh lý do bất đồng nhóm máu giữa mẹ và con, hoặc do nhiễm trùng...; do một số bệnh lý khác như suy giáp, bệnh Gilbert ... Còn vàng da do tăng bilirubine trực tiếp là tình trạng vàng da do tắc mật. Trong vàng da tăng bilirubine trực tiếp bao gồm: vàng da do teo đường mật ngoài gan bẩm sinh, đây là bệnh lý rất thường gặp, và cũng là bệnh lý có chỉ định nhiều nhất trong ghép gan.

Triệu chứng của teo đường mật bẩm sinh, thường tuần lễ đầu sau sanh, bé xuất hiện vàng da, và ngày càng tăng, vàng da khắp cơ thể và cả mắt, vàng như màu củ nghệ. Đặc biệt bệnh hay gặp ở những trẻ có thể trạng bụ bẫm, sanh đủ tháng, và gặp ở bé gái nhiều hơn bé trai, đặc điểm nữa là trẻ đi tiêu phân màu trắng, dân gian thường gọi là "cứt cò". Trong tháng đầu rất dễ nhầm lẫn với vàng da sinh lý, vì trông trẻ bụ bẫm, khỏe mạnh! Kế nữa là vàng da do một trong những bệnh viêm gan sơ sinh (viêm gan A, B, C, CMV, EBV...).

 
 Phân bạc màu và nước tiểu sẫm màu ở trẻ vàng da do teo đường mật bẩm sinh









Trong trường hợp này, thể trạng trẻ trông gầy gò, xanh xao, chứ không bụ bẫm như vàng da do teo đường mật bẩm sinh. Trẻ có biểu hiện vàng da, vàng mắt, nước tiểu vàng, phân vàng trong khoảng thời gian từ 1, 2, 3 tuần (hay trễ hơn) sau sanh. Nếu nhiễm siêu vi nặng thì làm tắc mật trong gan, phân bạc màu (nhưng hiếm). Kế nữa là vàng da tăng bilirubine trực tiếp do tắc mật trong gan do bệnh Byler - là tình trạng những đường mật nhỏ trong gan của trẻ bị teo và tắc nghẽn. Hoặc do bệnh Alagille - là tình trạng trẻ bị thiếu hụt những đường mật nhỏ trong gan... Tiếp nữa là vàng da tăng bilirubine trực tiếp do trẻ mắc bệnh về chuyển hóa (chiếm tỷ lệ thấp), biểu hiện vàng da, vàng mắt (vàng không nhiều), mắt thường cũng có thể nhìn thấy được...

Cần can thiệp sớm để tránh nguy hiểm cho trẻ

Mới đây (hôm 4.12.2006), Bệnh viện Nhi đồng II (TP.HCM) đã tiến hành ghép gan cho bé T.H.P (16 tháng tuổi, ngụ ở TP.HCM). P. bị xơ gan do teo đường mật bẩm sinh. P. cũng biểu hiện vàng da màu nghệ sau sanh và bệnh ngày càng diễn tiến nặng. Trước đó, bé H.T.G (12 tháng tuổi, ngụ ở TP.HCM) cũng bị vàng da sau sanh, và được chẩn đoán bị teo đường mật bẩm sinh... Theo các bác sĩ, một khi trẻ bị vàng da sau sanh, cần sớm xác định trẻ vàng da sinh lý, vàng da do bú sữa mẹ hay vàng da do một số bệnh lý, để chữa trị kịp thời, tránh nguy hiểm cho trẻ.

Nhiều trường hợp trẻ bị tử vong trong tình trạng suy gan ở tháng thứ 9, thứ 10 sau sanh, do bố mẹ không đưa đi chữa trị sớm. Theo bác sĩ Phạm Thị Ngọc Tuyết, nếu trẻ bị teo đường mật bẩm sinh, thì buộc phải ghép gan, trong số trẻ có chỉ định ghép gan, thì teo đường mật bẩm sinh chiếm khoảng 60%. Nếu trẻ được phát hiện sớm bị teo đường mật bẩm sinh, thì việc can thiệp đem lại hiệu quả cao hơn. Trong một số trường hợp, trẻ được làm phẫu thuật Kasai (dùng một đoạn ruột nối với cửa gan để dẫn lưu mật xuống ruột) trước khi được ghép gan.

Ở trường hợp vàng da do tăng bilirubine gián tiếp do một số bệnh lý, nếu tình trạng vàng da không hết, mà ngày càng tăng, trẻ cần được chữa trị kịp thời, nhằm tránh dẫn đến "vàng da nhân" là rất đáng lo ngại, vì khi ấy bilirubine đã thấm vào não, gây tổn thương não để lại di chứng. Biểu hiện lúc này thường là trẻ bị sốt cao, co giật, da vàng đậm...

Ở trẻ vàng da sinh lý, vàng da do sữa mẹ, trẻ vẫn bú, ngủ và lên cân bình thường, không sốt... Cần phơi nắng trẻ mỗi sáng sớm từ 10 - 15 phút, màu da vàng sẽ hết dần và da bé trở lại hồng hào sau đó. Còn vàng da do bệnh về chuyển hóa thì hiện tại việc chẩn đoán, chữa trị trong nước còn khó khăn, nhưng rất may là thể bệnh này không gặp nhiều!
 
Theo Thanhnien.
 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Bệnh viêm não - màng não (3/1)
 U máu lành tính nhưng cũng gây biến chứng (27/12)
 Phòng ngừa nhiễm Rotavirus bằng vaccine (26/12)
 Bé kín thóp sớm hay muộn đều đáng lo (21/12)
 Tắc lệ đạo bẩm sinh (15/12)
 Trẻ em cũng loét dạ dày. (6/12)
 Cảnh giác với bệnh viêm phổi do phế cầu trùng (4/12)
 Dị dạng đường niệu - sinh dục: Những quan điểm sai lệch (18/11)
 Những chú ý khi cho bé ra ngoài chơi (16/11)
 Một bệnh lý ở trẻ và biện pháp chữa trị (13/11)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i