Tỷ lệ sinh giảm là bài toán khó của quốc gia châu Á nhưng đang dần xuất hiện ở nhiều nước châu Âu, kéo theo đó là tình trạng đóng cửa trường học.
Trường nữ sinh Chung-Il, Hàn Quốc, bị bỏ hoang sau khi dừng hoạt động.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia coi đây là cơ hội để nâng cao chất lượng giáo dục cơ bản.
Những ngôi trường bỏ hoang
Khi Eita Sato và Aoi Hoshi tiến vào hội trường tổ chức lễ tốt nghiệp THCS, bước chân của các em vang vọng trong căn phòng rộng lớn từng rộn ràng tiếng nói cười của học sinh.
Không chỉ là những người duy nhất tốt nghiệp tại Trường THCS Yumoto, làng Ten-ei, phía Bắc Nhật Bản, hai em cũng là những học sinh cuối cùng. Sau buổi lễ tốt nghiệp diễn ra vào 31/3, ngôi trường 76 tuổi chính thức đóng cửa.
“Khi nghe mọi người nói trường học sẽ đóng cửa từ năm học mới, cháu rất bất ngờ. Cháu không thể hình dung ra cuộc sống sau khi ngôi trường dừng hoạt động”, Eita, 15 tuổi, bày tỏ.
Quyết định đóng cửa trường học sau khi tham khảo ý kiến dân làng, Hiệu trưởng Mikio Watanabe cho biết: “Mọi người thất vọng vì nguồn văn hóa bị mai một. Nơi đây sẽ yên tĩnh hơn nếu không có tiếng trẻ con”.
Ten-ei là ngôi làng nhỏ có chưa đến 5.000 cư dân, trong đó, chỉ khoảng 10% dưới 18 tuổi. Trong thời kỳ phát triển, ngôi làng có hơn 10.000 người. Thời điểm đó, Trường THCS Yumoto có khoảng 50 học sinh tốt nghiệp hàng năm. Sự sụt giảm rõ rệt từ sau năm 2000.
Eita và Aoi học cùng nhau từ năm 3 tuổi. Đôi khi, các em gặp khó khăn và cảm thấy cô đơn khi là hai học sinh còn lại trong trường. Các hoạt động thể thao, trải nghiệm cũng bị hạn chế. Tuy nhiên, nhờ sự giúp đỡ của thầy cô, hai em đã cố gắng vượt qua và hoàn thành chương trình học.
Trái ngược với tỷ lệ sinh giảm nhanh hơn dự kiến, việc đóng cửa các trường học trên cả nước tăng vọt, đặc biệt ở vùng nông thôn. Theo ước tính của Chính phủ Nhật Bản, tỷ lệ sinh đã giảm xuống dưới 800.000 người vào năm 2022, đánh dấu mức thấp kỷ lục mới và sớm hơn 8 năm so với dự kiến. Các trường công lập nhỏ, thường nằm ở thị trấn và các vùng nông thôn, là những nơi đầu tiên chịu tác động của “làn sóng” này.
Trước tình trạng trên, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã tăng cường biện pháp để tăng tỷ lệ sinh như tăng gấp đôi ngân sách cho các chính sách liên quan đến trẻ em, duy trì môi trường giáo dục...
Tại Hàn Quốc, quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất trong nhóm Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, hàng loạt trường học phải đóng cửa và bỏ hoang trong nhiều năm. Theo dự đoán của Hàn Quốc, dân số trong độ tuổi đi học sẽ giảm xuống còn 4,95 triệu người vào năm 2035 và 4,81 triệu người vào năm 2050.
Từ năm 1982 - 2016, khoảng 3.725 trường học trên cả nước phải đóng cửa do thiếu học sinh. Trung bình 113 trường đóng cửa mỗi năm. Một số trường bị bỏ hoang hoàn toàn trong khi số khác được chính quyền địa phương sử dụng làm nhà thi đấu, bảo tàng...
Nhận định đóng cửa trường học là không thể tránh khỏi trong bối cảnh dân số giảm, các chuyên gia Hàn Quốc khuyến nghị chính phủ nên điều chỉnh chính sách, sửa đổi chương trình dạy để nâng cao chất lượng giáo dục cơ bản.
Cơ hội nâng cao chất lượng giáo dục
Giáo viên Trường THCS Yumoto tổ chức lễ tốt nghiệp cho 2 học sinh của trường.
Trong những năm gần đây, tỷ lệ sinh giảm không chỉ là vấn đề của châu Á mà cũng xuất hiện tại châu Âu. Đơn cử, tại Vương quốc Anh, các trường tiểu học được cảnh báo có thể phải “hợp nhất hoặc đóng cửa” trong bối cảnh số lượng tuyển sinh giảm dần.
Báo cáo vào đầu tháng 1/2023 của Hội đồng London chỉ ra các trường tiểu học đang đối mặt với tình trạng sụt giảm học sinh đáng kể và kéo dài, từ đó ảnh hưởng đến ngân sách và chất lượng giáo dục.
Dự đoán, số trẻ em 4 và 5 tuổi tại London sẽ giảm từ 96 nghìn vào tháng 9/2022 xuống 89 nghìn em vào năm 2026. Tỷ lệ sinh giảm được cho là nguyên nhân chính của tình trạng trên. Bên cạnh đó là các vấn đề như Brexit, dịch Covid-19, lạm phát...
Nhiều địa phương khác tại Anh cũng ghi nhận tình trạng tương tự. Đơn cử, năm 2019, Trường Tiểu học Bleasdale Church of England, hạt Lancashire, phải đóng cửa sau 180 năm hoạt động vì chỉ còn một học sinh. Nhà trường không đủ khả năng tài chính để duy trì hoạt động.
Số lượng trường học quy mô nhỏ ở Anh đã giảm một nửa trong 10 năm gần đây. Một nghiên cứu của Tổ chức Onward cũng cho thấy gần 150 trường tiểu học ở khu vực nông thôn Anh đã đóng cửa từ năm 2000.
Trường học đóng cửa khi tỷ lệ sinh giảm là tình trạng đáng báo động ở nhiều quốc gia trên thế giới nhưng tại Trung Quốc, nước này còn coi đây là một cơ hội cho sự “chuyển mình” của giáo dục. Tỷ lệ sinh giảm đồng nghĩa giảm sĩ số học sinh mỗi lớp và giúp các trường theo đuổi mục tiêu phát triển cao hơn.
Theo số liệu của Bộ Giáo dục Trung Quốc, từ năm 2004 - 2020, số trẻ mẫu giáo tăng liên tục nhưng vào năm 2022, con số này giảm 1,8 triệu xuống còn 46,3 triệu em. Số lượng học sinh tiểu học giảm lần đầu tiên kể từ năm 2013, đến nay còn khoảng 107 triệu em.
Bất chấp tình trạng trên, đầu tư của Trung Quốc cho giáo dục cơ bản tiếp tục tăng nhằm cải thiện chất lượng học tập của học sinh. Chính phủ đã phân bổ 4,36 tỷ USD vào năm 2022 để cải thiện cơ sở vật chất cho các trường phổ thông, nhất là ở khu vực miền Trung và miền Tây. Kéo theo đó, số lượng sinh viên vào đại học và thời gian học trung bình của người dân Trung Quốc đều tăng.
Cùng với đó, tỷ lệ nhập học đại học sẽ tăng lên và số sinh viên đủ điều kiện nhập học giảm xuống nên các trường đại học sẽ phải nâng cao sự khác biệt và chất lượng giáo dục.
Về phía học sinh, các em sẽ được giảm áp lực vào trường tốt nên trọng tâm giáo dục sẽ chuyển từ thi lấy điểm cao sang bồi dưỡng kiến thức cho học sinh. Điều này góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên cả nước.
Tú Anh (tổng hợp)
Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/truong-hoc-dong-cua-khi-ty-le-sinh-giam-post638270.html