Giống như người lớn, trẻ cần uống đủ nước để giữ cho cơ thể hoạt động ở mức tối ưu và lượng nước ở trẻ sẽ khác nhau tùy độ tuổi.
Cơ thể sử dụng nước để điều chỉnh nhiệt độ, loại bỏ chất thải và hỗ trợ lớp đệm cho tủy sống, khớp. Nước là một đồ uống lý tưởng bất kể tuổi tác vì giúp hydrat hóa mà không cần thêm calo, đường hoặc chất béo không cần thiết. Hầu như mọi cơ quan trong cơ thể đều cần được cung cấp đủ nước và điều này càng trở nên quan trọng hơn khi trẻ tập thể dục hoặc bị ốm.
Lượng chất lỏng mà trẻ cần uống phụ thuộc vào độ tuổi, giới tính, cân nặng và mức độ hoạt động thể chất của bé. Theo Viện Nhi khoa Mỹ (AAP), trẻ em trong độ tuổi biết đi, từ một đến 3 tuổi, nên cố gắng uống khoảng 2 đến 4 cốc nước (khoảng 470-950 ml). Trẻ trong độ tuổi từ 4 đến 8 cần khoảng 5 cốc và những trẻ trên 8 tuổi cần 7-8 cốc nước mỗi ngày để duy trì lượng nước trong cơ thể khỏe mạnh. Độ tuổi này bé trai sẽ cần uống nhiều nước hơn bé gái. Đơn vị đo một cốc nước ở đây được tính tương đương khoảng 240 ml.
Một số lưu ý
Tổng lượng nước ở trẻ cần bao gồm cả lượng sữa, cả ăn trái cây, rau củ và chất lỏng trong thức ăn của chúng. Sữa và nước trái cây là nguồn cung cấp các chất dinh dưỡng thiết yếu như canxi và vitamin C nhưng lại chứa đường và chất béo nên cần tiêu thụ với số lượng hạn chế.
Nước rất cần thiết cho các hoạt động của cơ thể và mọi người cần uống đủ nước bao gồm cả trẻ nhỏ. Ảnh: Freepik
Trẻ em dưới 8 tuổi cần ít chất lỏng hơn một chút so với người lớn và trẻ lớn hơn nên cho con uống đồ lành mạnh trong bữa ăn hoặc vài ngụm nước lọc bất cứ khi nào chúng khát.
Những bé đang chơi hoặc vận động mạnh ngoài trời rất nóng sẽ cần nhiều chất lỏng hơn để bù đắp lượng chất lỏng mà cơ thể đã mất khi đổ mồ hôi. Hầu hết lượng chất lỏng mà bé uống phải là nước và lượng nước này sẽ tăng lên trong những tháng ấm hơn. Khi trời nóng hoặc nếu bé rất năng động và đổ mồ hôi, tùy thuộc vào cân nặng, con bạn có thể cần từ 120-470ml nước cứ sau 15 đến 20 phút trong lúc tập thể dục.
Nếu không chắc liệu con mình có uống đủ nước hay không, hãy để ý xem trẻ đi tiểu bao nhiêu và màu nước tiểu của trẻ ra sao. Trẻ uống đủ nước sẽ đi tiểu thường xuyên và nước tiểu sẽ trong. Trong trường hợp ngược lại, hãy coi đó là một dấu hiệu để tăng lượng chất lỏng của chúng.
Dấu hiệu trẻ bị mất nước
Cơ thể của trẻ nhỏ hơn với lượng nước dự trữ ít hơn nên có nguy cơ mất nước cao hơn trẻ lớn hơn và người lớn. Mất nước có thể gây hậu quả nghiêm trọng ở trẻ. Nếu con bạn mới biết đi chưa chủ động đòi uống khi thấy khát hay đang mắc các vấn đề về đường tiêu hóa như tiêu chảy và nôn mửa thì việc trẻ bị mất nước có thể nhận biết thông qua một số triệu chứng.
Các dấu hiệu cảnh báo mất nước ở trẻ từ một đến 3 tuổi bao gồm: năng lượng thấp, tần suất đi tiểu ít hoặc nước tiểu có màu rất sẫm, khô môi hoặc da, dễ kích động và quấy khóc, da lạnh, không có nước mắt khi khóc, tăng nhịp tim...
Tình trạng mất nước diễn ra quá lâu có thể dẫn đến các biến chứng sức khỏe hoặc thậm chí tử vong, vì vậy hãy thường xuyên cung cấp đủ lượng chất lỏng khi con bạn hoạt động và cho con đi khám nếu nhận thấy những dấu hiệu này ở bé.
Trẻ có bị thừa nước?
Tình trạng thừa nước thực sự rất hiếm. Tuy không phổ biến nhưng nếu bé quá lạm dụng nước có thể dẫn đến tình trạng nhiễm độc nước. Trạng thái này có thể dẫn đến hạ natri máu, mất cân bằng natri nghiêm trọng ở trẻ nhỏ. Hạ natri máu ban đầu có thể trông giống như mệt mỏi và buồn nôn, sau đó tiến triển thành các triệu chứng như nôn mửa, sưng não, co giật, hôn mê hoặc tử vong.
Lợi ích của việc giữ nước là rất quan trọng nhưng một số bé không dễ dàng có thói quen này. Do đó, phụ huynh nên tập khuyến khích, tạo thói quen cho con cũng như giáo dục cho con biết tầm quan trọng của việc uống nước (với các bé lớn).
Bảo Bảo (Vnexpress.net)
(Theo Healthline, Very Well Family)