Vitamin A hỗ trợ sức khỏe mắt, giúp da khỏe mạnh, ngăn ngừa nhiễm trùng, trong khi bổ sung sắt giúp bé tăng cường miễn dịch, chữa lành vết thương.
Một chế độ ăn uống cân bằng cho trẻ bao gồm nhiều trái cây, rau quả, cùng ngũ cốc nguyên hạt và protein. Trẻ không nên dung nạp nhiều đường, natri và chất béo bão hòa. Dưới đây là 11 chất dinh dưỡng trẻ nên ăn để tăng trưởng, phát triển.
Chất đạm
Protein giúp cơ thể trẻ xây dựng tế bào, phân hủy thức ăn thành năng lượng, chống nhiễm trùng và vận chuyển oxy. Trẻ em từ 4-9 tuổi cần khoảng 19 gam protein mỗi ngày. Bé từ 9-13 tuổi cần 34 gam mỗi ngày.
Thực phẩm là nguồn protein tốt bao gồm: thịt, gia cầm, cá, trứng, quả hạch, đậu, sản phẩm từ sữa...
Carbohydrate
Các chuyên gia y tế khuyến cáo rằng trẻ em trên một tuổi nên tiêu thụ khoảng 130 g carbohydrate mỗi ngày. Carbohydrate có nhiều dạng khác nhau như đường, tinh bột và chất xơ. Trẻ em nên ăn nhiều tinh bột, chất xơ, hạn chế soda, kẹo và thực phẩm chế biến sẵn để giảm nguy cơ béo phì, tiểu đường...
Chất béo
Hiệp hội Tim mạch Mỹ cho biết, trẻ 2-3 tuổi nên giữ tổng lượng chất béo 30-35% lượng calo, con số này ở trẻ 4-18 tuổi là 25-35%. Thực phẩm chứa nhiều chất béo lành mạnh bao gồm: dầu ăn, thịt cá, quả hạch...
Canxi
Canxi cần thiết để xây dựng xương, răng khỏe mạnh. Dưỡng chất này cũng quan trọng đối với quá trình đông máu và chức năng thần kinh, cơ và tim. Trẻ em từ 1-3 tuổi nên bổ sung 700 miligam (mg) canxi mỗi ngày, trong khi những trẻ trên 4 tuổi nên cố gắng đạt 1.300 mg mỗi ngày.
Thực phẩm có chứa canxi bao gồm: sữa, lòng đỏ trứng, đậu hũ, rau chân vịt, ngũ cốc...
Sắt
Sắt giúp vận chuyển oxy cho các mô và cơ quan trong cơ thể. Dưỡng chất cũng giúp tăng cường chức năng miễn dịch, sinh sản và chữa lành vết thương. Trẻ em từ 1-3 tuổi nên bổ sung khoảng 7 mg sắt mỗi ngày, trẻ lớn nên bổ sung nhiều hơn.
Thực phẩm chứa hàm lượng sắt cao bao gồm: thịt đỏ, gia cầm, động vật có vỏ, ngũ cốc...
Trẻ thiếu hụt dưỡng chất sẽ chậm lớn, không phát triển trí não. Ảnh: Freepik
Folate
Folate (một trong những loại vitamin B) cũng quan trọng cho sự tăng trưởng và phát triển của trẻ. Thiếu vitamin này có thể gây thiếu máu. Lượng folate trẻ em cần thay đổi theo độ tuổi. Ví dụ, những trẻ dưới 6 tháng tuổi cần 65 microgam (mcg) mỗi ngày, trẻ em từ 4-8 tuổi cần 200 mcg mỗi ngày và thanh thiếu niên từ 14-18 tuổi cần 400 mcg mỗi ngày.
Chất xơ
Chất xơ thúc đẩy nhu động ruột ở trẻ, làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và ung thư. Dưỡng chất cũng làm giảm cholesterol "xấu" và kiểm soát lượng đường trong máu. Trẻ em dưới 3 tuổi nên bổ sung 14 g chất xơ mỗi ngày; những người từ 4 tuổi trở lên cần khoảng 28 g.
Thực phẩm có chứa hàm lượng chất xơ cao bao gồm: ngũ cốc nguyên hạt, bánh mì nguyên hạt, đậu xanh, hạt giống, quả hạch...
Vitamin A
Vitamin A thúc đẩy sự phát triển, hỗ trợ sức khỏe mắt, giữ cho làn da khỏe mạnh, có tác dụng ngăn ngừa nhiễm trùng. Thực phẩm có chứa hàm lượng vitamin này cao bao gồm: cà rốt, khoai lang, bí đao, rau chân vịt, dầu cá...
Vitamin C
Loại vitamin này giúp củng cố thành mạch máu, chữa lành vết thương, thúc đẩy xương và răng chắc khỏe. Trẻ từ 4-8 tuổi cần khoảng 25 mg vitamin C mỗi ngày (đó là lượng xấp xỉ bằng một nửa quả cam). Bé từ 9-13 tuổi, lượng khuyến nghị hàng ngày tăng lên 45 mg và đến tuổi thiếu niên, bé cần 65-75 mg vitamin C mỗi ngày.
Thực phẩm có chứa hàm lượng vitamin C cao bao gồm: trái cây có múi (chẳng hạn như cam và bưởi), nước cam, dâu tây, cà chua...
Vitamin D
Vitamin D hỗ trợ hấp thu canxi mà còn giúp xương và răng chắc khỏe. Hơn nữa, dưỡng chất này còn cần thiết cho quá trình điều hòa huyết áp, sản xuất hormone, chức năng hệ thống miễn dịch và thần kinh. Bé từ 1-3 tuổi nên nhận khoảng 15 mcg (600 IU) vitamin D mỗi ngày.
Kali
Kali điều chỉnh một số chức năng của cơ thể bao gồm nhịp tim, hệ thần kinh và co cơ. Nồng độ kali thấp có thể dẫn đến yếu cơ và nhịp tim bất thường. Lượng kali khuyến cáo cho trẻ 3 tuổi là 3.000 mg, 4.700 mg cho trẻ lớn hơn và người lớn.
Lê Nguyễn (vnexpress.net)(Theo Parents)