Cúm là bệnh truyền nhiễm cấp tính ở đường hô hấp do virus cúm gây ra, dễ lây lan và có thể phát triển thành dịch lớn.
Ảnh: BV.
Bệnh cúm thường lành tính, tuy nhiên nếu không được chăm sóc đúng và kịp thời sẽ để lại biến chứng nguy hiểm.
Từ đầu năm đến nay, Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An tiếp nhận hơn 200 bệnh nhi cúm A, B với các triệu chứng sốt cao, ho, chảy mũi, ăn kém.
Dưới đây là hướng dẫn chăm sóc khi trẻ bị cúm từ Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An:
Chăm sóc trẻ bị cúm như thế nào?
Áp dụng các biện pháp cách ly để phòng tránh lây nhiễm cho người khác, hạn chế ra khỏi phòng bệnh, khi ra khỏi phòng cần đeo khẩu trang cho trẻ.
Hạn chế người vào thăm hỏi, tiếp xúc với trẻ nếu không thực sự cần thiết. Người chăm sóc trẻ cần đeo khẩu trang ngoại khoa.
Phối hợp dùng thuốc hạ sốt, thuốc giảm ho (nếu có) và/hoặc thuốc kháng sinh cho trẻ theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
Vệ sinh mắt, mũi họng hàng ngày cho trẻ bằng dung dịch nước muối sinh lý 0,9%.
Theo dõi thân nhiệt, nhịp thở, tình trạng tăng tiết, tím da, môi và đầu ngón tay.
Nuôi dưỡng: Cho trẻ ăn các thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu như cháo, bột, sữa và uống nhiều nước nhất là nước hoa quả có nhiều vitamin C.
Vệ sinh khay ăn, thau chậu, bô, và các vật dụng của trẻ bằng xà phòng.
Giữ ấm cho trẻ, nhất là khi trời lạnh.
Mặc quần áo vải mềm, thấm hút mồ hôi và đặc biệt chú ý tới việc đảm bảo vệ sinh da cho trẻ: Thay quần áo và tắm nhanh bằng nước ấm trong phòng tắm khi trẻ không sốt.
Khi nào cần cho trẻ nhập viện?
Cần cho trẻ nhập viện ngay khi trẻ có những biểu hiện sau:
Sốt cao liên tục trên 39 độ C, sử dụng thuốc hạ sốt không đáp ứng.
Biểu hiện co giật.
Trẻ li bì, mệt mỏi, kém ăn, nôn trớ nhiều lần, bỏ ăn/bỏ bú, chân tay lạnh.
Khó thở, thở nhanh.
Theo Giáo dục và Thời đại