60% trẻ bệnh hẹp khí quản bẩm sinh có triệu chứng tổn thương tim, là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến suy hô hấp và ảnh hưởng rất lớn đến tim mạch.
Bé Ngọc hiện 14 tháng tuổi, quê ở Trà Vinh, mới sinh ra đã khò khè, thở yếu. Bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm phổi, uống thuốc nhưng bệnh tái phát liên tục. Từ một tháng tuổi, bé ho và khò khè nhiều hơn, uống thuốc dài ngày mới đỡ.
Một tuổi, các triệu chứng trên không giảm, bé khám tại một bệnh viện ở TP HCM, bác sĩ chẩn đoán bị hẹp khí quản kèm theo bất thường động mạch phổi. Bệnh của bé rất phức tạp, tiên lượng xấu.
TS. BS Nguyễn Lý Thịnh Trường, Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Nhi Trung ương - người có kinh nghiệm trong phẫu thuật, điều trị các bệnh tim mạch cực khó ở trẻ - đề nghị đưa bé ra Hà Nội phẫu thuật trước khi bệnh nặng thêm.
Bệnh nhi được điều dưỡng chăm sóc. Ảnh: Lê Hiếu
Ngày 14/1, bé nhập Khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương, hôm sau, các bác sĩ Trung tâm Tim mạch hội chẩn, xét nghiệm xác định vị trí khí quản bị hẹp và lên phương án phẫu thuật.
"Khí quản bệnh nhi hẹp khá phức tạp, nếu không phẫu thuật kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng", bác sĩ Trường nói, thêm rằng ca phẫu thuật suôn sẻ, đường thở của bé rộng hơn so với trước mổ gấp 3-4 lần.
Hiện tại, sức khỏe bé Ngọc đã ổn định, không còn khò khè nữa.
Khí quản còn gọi là ống hô hấp, bị hẹp bẩm sinh sẽ gây ách tắc đường thở, nguy hiểm tính mạng trẻ. Ảnh: Bác sĩ cung cấp
Phần lớn trẻ mổ tạo hình khí quản xong cần theo dõi 6-9 tháng, tái khám mỗi 3 tháng để bác sĩ đánh giá mức độ hồi phục cũng như hướng dẫn chăm sóc tại nhà đúng cách.
Bác sĩ Trường cho biết trẻ mắc bệnh tim hẹp khí quản bẩm sinh có thể cứu sống nếu phát hiện và phẫu thuật kịp thời. Trẻ chào đời có tiếng thở khò khè, đặc biệt là lúc hít thở vào có tiếng khò khè rõ do đường thở bị hẹp, nguy cơ bị hẹp khí quản.
Lê Nga(Vnexpress.net)