Trẻ có nguy cơ gặp các tai nạn, ngã nguy hiểm khi tham gia giao thông, tại nhà, khi tham gia hoạt động vui Xuân, đón Tết.
Tết là khoảng thời gian trẻ được nghỉ học kéo dài, tham gia các hoạt động vui xuân cùng gia đình. Đây cũng là thời điểm phụ huynh bận bịu công việc cuối năm, đón tiếp khách thường xuyên nên ít có thời gian để ý đến con. Do đó, trẻ có thể mắc các tai nạn như: ngộ độc, bỏng, điện giật, chấn thương do ngã, hóc dị vật... Trong đó, chấn thương do té là tai nạn dễ xảy ra nhất.
Bác sĩ Võ Thị Minh Tuyền, khoa Nhi, BVĐK Tâm Anh TP HCM cho biết, trẻ bị té có thể bị chấn thương phần mềm, chảy máu, xây xát da tại chỗ. Nặng hơn trẻ có thể như gãy xương, vỡ đốt sống, chấn thương não.
Chấn thương sau ngã có thể gây biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng và chất lượng cuộc sống trẻ. Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ ngã, trong đó trẻ dưới 2 tuổi thường do người lớn ít quan sát trẻ tập đi chưa vững.
Té nguy hiểm hơn đối trẻ lớn hơn hiếu động tham gia các trò chơi vận động. Trẻ mất thăng bằng do nô đùa, rượt đuổi chạy vòng quanh sân nhà, có thể bị choáng váng, chóng mặt, mất thăng bằng dẫn đến va chạm, chấn thương. Bé có thị lực kém, suy giảm cũng có thể dễ ngã hơn. Các yếu tố từ môi trường sống như: cầu thang không có tay vịn, nhà tắm không có thanh nắm, không gian sống không đủ ánh sáng hoặc quá chói, bề mặt sàn nhà có nhiều chướng ngại vật, nhà tắm trơn trượt hoặc không bằng phẳng có thể khiến trẻ dễ gặp chấn thương hơn.
Bên cạnh đó, bác sĩ Tuyền cho biết, thời điểm Tết, phụ huynh có thể chưng các cây kiểng có gai, đào mai giả gắn cành cây khô bằng kẽm sắc nhọn dễ gây thương tích. Trẻ nhỏ cũng có thể làm đổ những chậu kiểng, bình bông kê ở vị trí trẻ có thể với tới, bình rơi vỡ có thể khiến trẻ chấn thương.
Để hạn chế nguy cơ té ngã trong kỳ nghỉ Tết, bố mẹ, người chăm sóc trẻ cần lưu ý các biện pháp hạn chế nguy cơ như xây dựng không gian sống an toàn cho trẻ từ cách bố trí đồ đạc gọn gàng, hợp lý, sử dụng các vật dụng như gạch lát nền, thảm trải nền có độ bám tốt chống trơn trượt. Không gian sống xây dựng đủ ánh sáng, bố trí thêm hệ thống thanh vịn, tay nắm để trẻ tập đi.
Khu vực quanh nhà như cầu thang, cửa sổ, ban công cần thiết kế an toàn, có gắn lưới bảo vệ để phòng trẻ té ngã. Các khu vực như bể bơi, hồ cá cần rào chắn an toàn ở lối ra vào.
Theo bác sĩ Tuyền, Tết cũng là dịp các gia đình ở thành phố cho con về quê đón Tết đoàn viên, trẻ thích thú khám phá thế giới rộng lớn ở quê. Phụ huynh cần quan sát trẻ, tránh để bé chơi một mình ở khu vực gần ao tôm, ao cá, sông, hồ, suối.
Phụ huynh cần nắm các kỹ năng sơ cứu cho trẻ tại nhà. Ảnh: Freepik
Khi trẻ xảy ra tai nạn, gặp chấn thương thông thường có thể trầy xước da, bác sĩ Tuyền khuyên phụ huynh rửa sạch vết thương. Nếu nghi trẻ bị bong gân hay gãy xương cần cố định chỗ chấn thương trước bằng gạc sạch, mềm, sớm đưa trẻ đến khám bác sĩ.
Phụ huynh lưu ý, không nên tự di chuyển trẻ nếu xuất hiện các biểu hiện nặng sau: bị thương nặng ở đầu, cổ, lưng, xương hông hoặc đùi, trẻ bất tỉnh, khó thở, co giật. Nếu trẻ không còn thở cần quan sát, dùng má để kiểm tra hơi thở của bé, đồng thời ghé sát tai vào gần miệng và mũi của trẻ để lắng nghe hơi thở, chú ý nhìn xem những cử động của lồng ngực.
Nếu bé không tự thở, mẹ hãy nhẹ nhàng áp miệng trùm lên cả miệng, mũi của trẻ. Người lớn có thể dùng miệng trùm lên phần mũi, tay giữ phần miệng của trẻ đóng chặt lại. Sau đó nâng cằm lên, cho đầu trẻ hơi ngả về phía sau, thổi ngạt 2 hơi, mỗi hơi kéo lên dài trong vòng một giây và phải đảm bảo cho lồng ngực trẻ phồng lên.
Ngược lại, nếu trẻ khỏe, không có triệu chứng nào ở trên, cha mẹ hãy an ủi trẻ và tìm kiếm vết thương trên cơ thể trẻ, đặt một miếng gạc lạnh hoặc túi đá lên những vị trí sưng tấy hoặc bầm tím. Cha mẹ có thể cho trẻ uống thuốc giảm đau, để bé nằm nghỉ ngơi trong vài giờ, theo dõi trẻ trong vòng 24h sau tai nạn.
Nếu trẻ than đau nhiều ở vùng bị chấn thương, sưng và sau đó bị bầm tím, cử động khó khăn hoặc chân hay tay bị cong một cách kỳ lạ thì nên đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa để kiểm tra và xử lý kịp thời.
Tuệ Diễm(Vnexpress.net)