Tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết đường hô hấp, hay gián tiếp qua bề mặt tiếp xúc là 2 nguyên nhân khiến cúm lây nhanh từ người này sang người khác.
Trẻ em mắc cúm, nguy cơ biến chứng cao, khả năng nhập viện, viêm phổi cũng nhiều hơn do hệ thống miễn dịch chưa hoàn thiện. Trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao nhất vì chưa đủ tuổi tiêm ngừa vaccine cúm. Người lớn cần nắm rõ những yếu tố nguy cơ có thể gây bệnh để từ đó có những biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cúm cho trẻ.
Lây truyền qua giọt bắn dịch tiết đường hô hấp: Virus cúm lây lan từ người này sang người khác khi người nhiễm bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện trước mặt người chưa nhiễm bệnh. Các giọt bắn chứa virus có thể tiếp xúc với trẻ chưa mắc bệnh qua miệng, mũi hoặc mắt rồi lây nhiễm vào mũi, phổi và cổ họng gây nhiễm trùng.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), cúm lây trực tiếp qua giọt bắn dịch tiết đường hô hấp là nguyên nhân thường gặp nhất ở trẻ em. Trẻ chưa đủ chủ động trong việc che miệng khi ho, hắt hơi, cũng chưa biết đâu là yếu tố nguy cơ mắc bệnh để hạn chế.
Rửa mũi cho trẻ thường xuyên để giảm nguy cơ mắc cúm. Ảnh: Freepik
Lây gián tiếp qua bề mặt tiếp xúc: Virus cúm có thể sống sau 4 giờ trên hầu hết các bề mặt và tối đa 9 giờ trên một số bề mặt không xốp. Trẻ chưa có ý thức rửa tay và thường xuyên đưa tay lên mắt, mũi miệng. Sau khi chạm vào một về mặt chứa virus cúm, việc đưa tay lên mắt mũi miệng tiềm ẩn nguy cơ lây lan bệnh rất cao.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc cúm ở trẻ
Không tiêm phòng cúm hàng năm: Vaccine cúm hoạt động bằng cách kích thích cơ thể tạo ra các kháng thể chống lại virus cúm. Các cơ quan y tế khuyến cáo, trẻ em trên 6 tháng tuổi, người lớn không có chỉ định cấm tiêm cúm nên được chủng ngừa hằng năm. Tiêm phòng cúm giúp giảm nguy cơ mắc bệnh, giảm nguy cơ lây truyền bệnh cho những người xung quanh.
Tiếp xúc với nhiều người hơn: Trẻ đi học, tiếp xúc với bạn bè có nguy cơ mắc cúm cao. Ngoài ra, các hoạt động ngoài trời, tụ tập nơi đông người, đi phương tiện giao thông công cộng... cũng làm tăng nguy cơ mắc cúm cho trẻ.
Không vệ sinh cá nhân tốt: Virus cúm có thể được lây qua các bề mặt tiếp xúc. Nếu trẻ em không rửa tay đúng cách, đúng thời điểm (trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh) sẽ làm tăng nguy cơ lây truyền.
Lười vận động: Trẻ có nguy cơ mắc cúm cao nếu không duy trì sức khỏe tổng thể qua việc ngủ đủ giấc, lười hoạt động thể chất, ăn không đủ chất dinh dưỡng, không uống nước...
Để phòng nguy cơ mắc cúm cho trẻ, cha mẹ nên hướng dẫn con rửa tay đúng cách, vệ sinh mũi họng bằng nước muối, uống đủ nước, giữ ấm và ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng. Sống lành mạnh, tăng vận động, che miệng mũi khi hắt hơi, đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với người bệnh...
Anh Chi (Theo Very Well Health)