Các nghị quyết, chương trình hành động giáo dục không những định hướng, mà còn tạo động lực thúc đẩy phát triển.
Trẻ em Trường Mầm non xã Trung Thu, huyện Tủa Chùa (tỉnh Điện Biên) vui chơi trong điều kiện cơ sở vật chất mới. Ảnh: Hà Linh
Với tiềm lực hiện có, các địa phương vùng khó cần nỗ lực theo nhiều cách để nắm bắt cơ hội, rút ngắn khoảng cách vùng miền.
Ông Nguyễn Văn Đoạt, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên: Cải cách giáo dục từ Chương trình GDPT 2018
Những mục tiêu, yêu cầu đặt ra khi triển khai Chương trình GDPT 2018 đã tạo ra thách thức với địa phương miền núi, hạn chế tiềm lực như Điện Biên. Song ngành Giáo dục lại xác định, đây là cơ hội để triển khai đồng bộ giải pháp cải cách giáo dục miền núi.
Trong bối cảnh điều kiện còn thiếu thốn, nhưng nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Bộ GD&ĐT, quan tâm từ chính quyền địa phương, Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên có thêm nguồn động viên lớn để quyết tâm đổi mới, sáng tạo khi tổ chức thực hiện.
Các chế độ chính sách phát triển giáo dục miền núi, vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt khó khăn được quan tâm bảo đảm. Tranh thủ nguồn lực, tỉnh đã triển khai hiệu quả, kịp thời, đúng đối tượng. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi để học sinh đến trường, giảm gánh nặng cho nhà trường, thầy cô, phụ huynh việc duy trì sĩ số.
Tuy nhiên, Điện Biên vẫn là tỉnh biên giới, miền núi, điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội nhiều hạn chế. Đặc biệt đời sống, trình độ dân trí chưa đồng đều giữa các vùng miền, ngân sách giáo dục hạn hẹp… nên nhiều trường vùng khó còn vướng mắc khi triển khai; Nhất là vấn đề đầu tư cơ sở vật chất bảo đảm yêu cầu giáo dục, đào tạo.
Thực trạng thiếu giáo viên ở nhiều trường, bậc học, bộ môn đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc bảo đảm, nâng cao chất lượng giáo dục. Đặc biệt, yêu cầu bố trí đủ giáo viên các môn học thực hiện Chương trình GDPT 2018 chưa được bổ sung đủ ở một số môn học mới, như: Tin học, Tiếng Anh (tiểu học); Âm nhạc, Mĩ thuật, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp…
Để triển khai hiệu quả chương trình, ngành Giáo dục Điện Biên xác định, nhiệm vụ đầu tiên là công tác truyền thông với nội dung trọng tâm là đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đổi mới Chương trình, sách giáo khoa. Qua đó nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận từ đội ngũ quản lý, cán bộ, giáo viên đến phụ huynh và phát huy hiệu quả sự tham gia của toàn xã hội.
Nhờ nguồn xã hội hóa, nhiều điểm trường vùng khó tại Điện Biên đã được đầu tư xây dựng mới. Ảnh: Hà Linh
Dựa trên những đánh giá, rà soát, chuẩn bị điều kiện thực hiện Chương trình GDPT 2018, ngành Giáo dục đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình mầm non và GDPT giai đoạn 2017 – 2020. Theo đó, Điện Biên ưu tiên đầu tư các nguồn vốn cho bậc mầm non, tiểu học; bảo đảm thiết bị tối thiểu theo lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa các trường học vùng đặc biệt khó khăn, biên giới.
Các đơn vị giáo dục bám sát hướng dẫn của cấp trên và tình hình thực tế để chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, dạy học phù hợp, bảo đảm; chú trọng đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học theo yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh.
Với điều kiện hiện tại, ngành Giáo dục xác định, sẽ tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng giáo dục đối với các lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10 triển khai hiệu quả, đúng lộ trình triển khai Chương trình GDPT 2018 các lớp 4, 5, 8, 9, 11, 12. Đây đồng thời được xem như giải pháp quan trọng, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng giáo dục. Xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, học sinh phát triển toàn diện cả về tri thức, đạo đức, lối sống và kỹ năng.
Ngành sẽ huy động mọi nguồn lực, sáng tạo để bảo đảm mục tiêu 100% cơ sở giáo dục sẵn sàng các điều kiện thực hiện Chương trình GDPT 2018. Cụ thể như: Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên… Tăng cường chuyển đổi số, phát huy hiệu quả công nghệ thông tin trong tổ chức, quản lí các hoạt động chuyên môn và công tác dạy học.
Ông Lê Duy Định, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai: “Chìa khóa vàng” để xây dựng mô hình Giáo dục Mầm non chất lượng
Tận dụng chương trình hỗ trợ phát triển Giáo dục Mầm non (GDMN) vùng khó, tỉnh Gia Lai tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực, chế độ cho học sinh, giáo viên… nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.
Sở GD&ĐT Gia Lai đã xây dựng các nội dung tham mưu HĐND, UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai Đề án nhằm phát triển GDMN và tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non vùng dân tộc thiểu số. Sau 1 năm thực hiện, kết quả đáng ghi nhận, các chỉ số đề ra đạt tỉ lệ khá cao, việc huy động trẻ mẫu giáo 5 tuổi ra lớp đạt phổ cập hàng năm.
Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó, ngành Giáo dục tập trung ổn định, củng cố và phát triển mạng lưới trường, lớp mầm non phù hợp với điều kiện kinh tế - văn hóa xã hội; mở rộng hệ thống GDMN ngoài công lập phù hợp từng địa bàn, tạo mọi điều kiện cho trẻ đến trường tiếp cận Chương trình GDMN sau sửa đổi.
Ngoài ra, để xây dựng mô hình GDMN chất lượng, ngành còn bảo đảm định mức giáo viên để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; triển khai cho trẻ ăn bán trú tại trường nhằm mục tiêu phát triển Chương trình GDMN; chú trọng các trường điểm, trường vùng đặc biệt khó khăn, dân tộc thiểu số.
Theo kế hoạch, địa phương từng bước cải thiện điều kiện cơ sở vật chất, nâng tỉ lệ phòng học kiên cố từ 40,82% lên 70% vào năm 2025. Đặc biệt, tạo mọi điều kiện để cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên được tham gia học tập, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn. Qua đó đáp ứng yêu cầu đổi mới, bảo đảm áp dụng Chương trình GDMN phù hợp với địa phương (trong cả bối cảnh phòng dịch).
Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Kim Đồng, huyện Tủa Chùa (tỉnh Điện Biên) đọc sách tại phòng thư viện được đầu tư bảo đảm. Ảnh: Hà Linh
Ngành Giáo dục Gia Lai cũng xác định GDMN là bậc học còn nhiều khó khăn, mạng lưới trường lớp hầu hết điểm lẻ, nằm rải rác, xa trung tâm, đội ngũ giáo viên thiếu nhiều, hạn chế khi trở lại hoạt động bình thường mới.
Những năm gần đây, Chính phủ kịp thời ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, phát triển GDMN đặc biệt quan tâm đến GDMN ngoài công lập. Đây chính là “chìa khóa vàng” giúp GDMN có cơ hội tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Trên cơ sở đó tạo sức bật cho các cơ sở giáo dục vùng khó đổi mới phát triển, phấn đấu đạt mục tiêu đặt ra trong giai đoạn 2023 - 2025, tạo đà phát triển đến năm 2030.
Ông Đào Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Yên Bái: Tranh thủ nguồn lực xây dựng trường chuẩn quốc gia
Những năm qua, đặc biệt năm 2022, ngành Giáo dục Yên Bái đã tranh thủ mọi nguồn lực từ các chương trình, đề án, nguồn xã hội hóa để xây dựng và duy trì trường học đạt chuẩn, nâng cao số lượng và chất lượng trường chuẩn.
Trong số những thành tựu, ngành Giáo dục Yên Bái tự hào về kết quả nâng cao số lượng và chất lượng trường chuẩn. Địa phương có 32 trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia, vượt chỉ tiêu 12 trường. Nâng tổng số trường chuẩn quốc gia lên 305 trường (đạt 69%, vượt 4,29% chỉ tiêu giao).
Theo kế hoạch, việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia sẽ được địa phương gắn liền với kết quả thực hiện các chương trình, nghị quyết: Chương trình xây dựng Nông thôn mới; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Từ đó gắn trách nhiệm, tạo sức mạnh tổng hợp các cấp, ngành và hệ thống chính trị.
Đối với mỗi nhà trường, ngành yêu cầu phải có kế hoạch, mục tiêu cụ thể về xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Xác định đúng thực trạng, điểm mạnh, yếu để có kế hoạch cải tiến chất lượng giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo.
Yên Bái cũng xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 sẽ công nhận thêm 88 trường đạt chuẩn quốc gia. Nâng tổng số trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia lên 333/443, đạt 75,17%. Đối với 245 trường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia phải xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng, mức độ đạt chuẩn. Số trường còn lại không nằm trong lộ trình vẫn phải bảo đảm nâng cao chất lượng. Phấn đấu 100% các trường đạt từ 2 tiêu chuẩn trở lên, trong đó ít nhất 44 trường đạt 3 tiêu chuẩn, 51 trường đạt 4 tiêu chuẩn.
Năm 2023, ngành xác định thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết, chương trình hành động các cấp về thực hiện nhiệm vụ GD-ĐT. Tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý; đẩy mạnh chuyển đổi số; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn chặt với đẩy mạnh phong trào xây dựng “Trường học hạnh phúc”...
Để thực hiện mục tiêu, ngành tranh thủ mọi nguồn lực từ các nghị quyết, chương trình hành động, đề án… Trên cơ sở đó, rà soát, cân đối đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, sử dụng hiệu quả nguồn vốn, ưu tiên các cơ sở giáo dục đang nằm trong lộ trình.
Cùng đó, ngành đẩy mạnh phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, nhà trường trong việc tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp thấy rõ vai trò công tác xã hội hóa giáo dục hết sức quan trọng; Huy động nhiều hơn sự chung tay đóng góp sức người, sức của, đáp ứng tốt những điều kiện có thể cho sự nghiệp “trồng người”.
Hà Linh - Dung Nguyễn (Thực hiện)
Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc-vung-kho-nam-bat-co-hoi-rut-ngan-khoang-cach-post624725.html