Xã hội
   Ngày Tết nói chuyện chăm lo đời sống nhà giáo
 

Công tác chăm lo cho đội ngũ nhà giáo dịp Tết đến, Xuân về được ngành Giáo dục, các nhà trường đặc biệt quan tâm...

 

Bà Lâm Thị Mạnh, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục tỉnh Kiên Giang trao quà cho giáo viên tại chương trình “Tết sum vầy”. Ảnh: NVCC

Công tác chăm lo cho đội ngũ nhà giáo dịp Tết đến, Xuân về dù còn nhiều khó khăn song ở mỗi địa phương, Công đoàn ngành, Ban Giám hiệu các nhà trường đều dành sự quan tâm đặc biệt để động viên thầy cô thêm yêu nghề, yên tâm cống hiến, gắn bó với trường lớp, học trò.

Ông Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD&ĐT Tiền Giang: “Nỗ lực chính sách thu hút giáo viên”

Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên là một trong những nhân tố quan trọng quyết định trong triển khai Chương trình GDPT 2018. Toàn ngành Giáo dục đã đưa ra nhiều giải pháp nâng cao chất lượng. Trong đó, hai giải pháp chính được tập trung triển khai là: Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên và rà soát, chuẩn hóa đội ngũ. Nhằm giải quyết khó khăn này, Sở GD&ĐT Tiền Giang đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục linh động hợp đồng giáo viên nghỉ hưu nhưng bảo đảm sức khỏe, có nguyện vọng giảng dạy. Cùng đó thực hiện tăng thời gian, buổi dạy hoặc thỉnh giảng nhằm bảo đảm duy trì chất lượng dạy và học.

Năm 2021, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 12/2021 quy định chính sách khuyến khích đối với viên chức quản lý, giáo viên cơ sở mầm non công lập công tác tại các địa bàn tỉnh Tiền Giang khó tuyển dụng. Đây là cơ sở pháp lý giúp ngành Giáo dục giải quyết phần nào khó khăn thiếu giáo viên. Sau hơn 1 năm thực hiện, tỉnh đã tuyển được 206 giáo viên mầm non cho 57 trường khó tuyển dụng.

Cũng theo Nghị quyết này, mức chi hỗ trợ cho giáo viên mầm non mới tuyển dụng được phân công công tác trong cơ sở giáo dục mầm non công lập là 2,5 triệu đồng/người/tháng, thực dạy. Đối với viên chức quản lý, giáo viên công tác trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người/tháng quản lý, thực dạy. Đối với giáo viên mới tuyển dụng giảng dạy các môn học khó tuyển dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông công lập hỗ trợ 2,5 triệu đồng/người/tháng, thực dạy.

Nghị quyết 21/2022 cũng vừa được HĐND tỉnh ban hành, quy định chính sách khuyến khích viên chức quản lý, giáo viên cơ sở giáo dục mầm non công lập, giáo viên mới tuyển dụng giảng dạy môn học trong cơ sở giáo dục phổ thông công lập tại các địa bàn khó tuyển dụng tỉnh Tiền Giang. Theo đó, mức hỗ trợ giáo viên mầm non mới tuyển dụng được phân công công tác trong cơ sở giáo dục mầm non công lập 2,5 triệu đồng/người/tháng, thực dạy.

Viên chức quản lý, giáo viên đang công tác trong cơ sở giáo dục mầm non công lập được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người/tháng quản lý, thực dạy. Giáo viên mới tuyển dụng giảng dạy các môn học khó tuyển dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập được hỗ trợ 2,5 triệu đồng/người/tháng thực dạy…

Các nghị quyết trên được thông qua đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn để ngành GD&ĐT giải bài toán thiếu giáo viên còn tồn tại. Một thông tin cũng đáng mừng là vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đề nghị Quốc hội xem xét việc tăng lương, phụ cấp ưu đãi cho giáo viên, nhất là với giáo viên mầm non và tiểu học, nên điều chỉnh phụ cấp ưu đãi cho giáo viên bậc mầm non từ 35% hiện nay lên tối thiểu 70%...

Bà Lâm Thị Mạnh, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục tỉnh Kiên Giang: “Tết sum vầy” - gắn kết yêu thương

Hằng năm, Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Kiên Giang phối hợp Sở GD&ĐT tổ chức chương trình “Tết sum vầy”. Năm nay, tỉnh tổ chức thăm hỏi 382 đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền 382 triệu đồng. Riêng Chương trình trình “Tết sum vầy - Xuân gắn kết” tổ chức thi trang trí mâm quả ngày Tết; thăm và tặng quà cho 40 giáo viên có hoàn cảnh khó khăn, 40 học sinh nghèo vượt khó với tổng chi phí trên 80 triệu đồng.

Chương trình “Tết sum vầy” được tổ chức từ năm 2014 với phương châm “Không để đoàn viên, giáo viên và học sinh không có Tết”. Chương trình động viên đội ngũ nhà giáo, học sinh thực hiện tốt nhiệm vụ, góp phần thực hiện thành công đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Đồng thời tuyên truyền, nâng cao nhận thức và thể hiện sự ghi nhận của ngành Giáo dục, xã hội đối với những đóng góp của giáo viên vùng khó khăn; giúp cho đội ngũ nhà giáo và học sinh thêm ấm lòng, vui Xuân, đón Tết.

Cùng với các hoạt động thăm hỏi, chúc Tết, Công đoàn ngành Giáo dục Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ tạo không khí vui tươi, lành mạnh. Tham gia chương trình, giáo viên được chơi các trò chơi dân gian, giao lưu văn nghệ, thể thao, thi gói bánh tét, trang trí mâm ngũ quả ngày Tết... Công đoàn ngành còn dành tặng nhiều suất quà cho giáo viên, học sinh hoàn cảnh khó khăn.

Trong phần hội của chương trình, toàn thể đại biểu và giáo viên được giao lưu các họat động vui Xuân, bao gồm các trò chơi dân gian văn hóa - văn nghệ và thi trang trí bàn cỗ ăn Tết. Sự quan tâm kịp thời của ngành Giáo dục Kiên Giang như ngọn lửa sưởi ấm những hoàn cảnh khó khăn, giúp thầy cô giáo có thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống và sự nghiệp “trồng người”.

Bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD&ĐT Bà Rịa – Vũng Tàu: Cần có những chính sách tốt hơn

Ngày 23/12/2022, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có văn bản về việc tổ chức và trợ cấp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023. Theo đó, viên chức trong chỉ tiêu biên chế được cấp thẩm quyền giao và hợp đồng theo Nghị định số 161/2018/NĐ-CP tại các cơ sở giáo dục được chi trợ cấp Tết 3 triệu đồng/người.

Ngoài chế độ chi trợ cấp Tết của UBND tỉnh tại văn bản này, UBND các huyện, thị xã, thành phố chi trợ cấp Tết cho viên chức trong các cơ sở giáo dục từ 2 triệu đồng/người đến 2,5 triệu đồng/người.

Bên cạnh đó, các trường học công lập tự chủ một phần hay ngân sách bảo đảm toàn bộ đều được ngân sách Nhà nước cấp kinh phí chi hoạt động giáo dục. Trên cơ sở hoàn thành nhiệm vụ được giao và khi kết thúc năm tài chính, đơn vị sử dụng số kinh phí chi thường xuyên tiết kiệm được để bổ sung thu nhập cho viên chức, người lao động; chi khen thưởng và phúc lợi. Vấn đề này đã được quy định và hướng dẫn để thực hiện tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ ban hành quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập nên việc thưởng Tết cho giáo viên không thực hiện như các doanh nghiệp.

Để có thể chăm lo Tết tốt cho giáo viên, công tác tính đúng, tính đủ khi lập và giao dự toán là quan trọng. Song song với việc này là công tác quản trị của Hiệu trưởng nhà trường cùng với ý thức thực hiện nhiệm vụ tiết kiệm và hiệu quả của toàn thể đội ngũ (từ quản lý, giáo viên, nhân viên đến người lao động) tại mỗi đơn vị

Có thể thấy, khi kinh tế phát triển đòi hỏi sự đầu tư cho giáo dục phải xứng tầm. Trong khi lương chưa đủ lo cuộc sống thì cũng khó có thể đòi hỏi giáo viên chuyên tâm cho việc dạy học, nâng cao trình độ và đổi mới sáng tạo một cách thiết thực để toàn ngành có được sự phát triển nhanh có tính bền vững và lâu dài.

Khi nhà giáo càng được tin tưởng thì càng thấy mình có trách nhiệm hơn trong công việc; càng được tôn trọng thì càng không ngừng hoàn thiện; càng được quan tâm, chăm lo thì càng nhận ra mỗi ngày phải nỗ lực hoàn thiện để xứng đáng. Do đó, cần những chính sách tốt hơn, sự sẻ chia, đồng hành của cộng đồng xã hội, sự ghi nhận và đồng cảm của toàn xã hội đối với ngành Giáo dục.

Thiết nghĩ, muốn chính sách chăm lo tốt cho giáo viên thì vai trò của địa phương phải là chính yếu. Nghị định 127/2018/NĐ-CP ngày 21/9/2018 quy định về trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với giáo dục đã nêu rất rõ. Tuy nhiên, hiện nay một số quy định từ Luật, Nghị định, Thông tư (chính sách tiền lương, quy định Luật Ngân sách…) khiến địa phương khó có những quyết sách riêng để thực hiện.

Thầy Thạch Sa Quên, Trường THPT Cầu Ngang A, tỉnh Trà Vinh. Đời sống nhà giáo đã khởi sắc

Hai năm đại dịch Covid-19, đời sống nhà giáo chịu nhiều ảnh hưởng. Năm 2022 dịch bệnh được kiểm soát, việc dạy học trở lại bình thường. Tuy nguồn lực chưa dồi dào, đầy đủ theo nhu cầu, mong muốn thực tế nhưng sự chung sức chăm lo của các cấp Công đoàn, ngành Giáo dục đã làm ấm lòng những người thầy. Từ đó tạo động lực tinh thần để các thầy cô tiếp tục gắn bó với trường lớp, học trò; quá trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa bước sang năm thứ 3 với nhiều đòi hỏi điều kiện vật chất triển khai hiệu quả hơn.

Chuẩn bị đón Tết Quý Mão, giúp đời sống giáo viên khởi sắc, vui tươi và đầm ấm hơn, bù lại cho 2 năm đại dịch, ngành Giáo dục Trà Vinh, nhà trường, địa phương đã quan tâm, chăm lo tương đối đầy đủ đời sống của giáo viên. Từ sự quan tâm này tạo niềm vui, có thêm điều kiện mua sắm, cơ hội vui chơi, du Xuân cùng gia đình. Qua đó thúc đẩy, khuyến khích, động viên giáo viên đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển giáo dục địa phương nói riêng, và ngành Giáo dục nói chung.

Quốc Ngữ - Anh Tú (ghi)

Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/ngay-tet-noi-chuyen-cham-lo-doi-song-nha-giao-post622893.html

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Xây dựng Luật Nhà giáo giúp tháo gỡ nhiều bất cập (13/1)
 Động lực để giáo viên mầm non gắn bó với nghề (10/1)
 Đa dạng hoạt động nâng cao thể chất học sinh phù hợp thực tế (9/1)
 Những bài học đặc biệt (6/1)
 Xã hội ghi nhận và dành nhiều tình cảm cho ngành Giáo dục (5/1)
 Mong đề xuất về phụ cấp ưu đãi nhà giáo sớm thành hiện thực (3/1)
 Rèn đạo đức qua hoạt động trải nghiệm (30/12)
 Xu hướng cho trẻ học tiếng Anh sớm (26/12)
 Nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số (22/12)
 Có thông tư từ năm 2020 nhưng đến nay nhiều nơi chưa thể dạy tiếng Anh (19/12)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i