Với mong muốn con trẻ được trang bị vững vàng kiến thức tiếng Anh phục vụ cho việc học cũng như trong cuộc sống sau này, nhiều bậc cha mẹ đã cho con học tiếng Anh từ khi trẻ chỉ mới vài tuổi.
Lợi ích khi trẻ học tiếng Anh sớm
Chị Lê Nhã Uyên, ở phường Trần Hưng Đạo (TP. Quảng Ngãi) cho biết, con tôi năm nay 5 tuổi, việc học tiếng Anh của con rất tự nhiên qua các hoạt động thường ngày ở nhà. Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã cho con nghe và học bài hát tiếng Anh, xem video, làm quen với sách truyện tiếng Anh, học các từ tiếng Anh đơn giản, gần gũi xung quanh. Đây là cách để ngoại ngữ dần "ngấm" vào con một cách tự nhiên nhất, sau này khi học trên lớp sẽ không cảm thấy bị áp lực vì trước đó đã từng làm quen.
Giờ học tiếng Anh cùng giáo viên người nước ngoài của trẻ mầm non tại Trung tâm Anh ngữ AMA Quảng Ngãi.
Trong khi đó, một số phụ huynh chọn cách cho con đến trung tâm ngoại ngữ. Như gia đình chị Phan Thị Ánh Như, ở phường Nguyễn Nghiêm (TP. Quảng Ngãi), cho con học tiếng Anh khi lên 4 tuổi. Đến trung tâm, bé được học tiếng Anh với giáo viên người nước ngoài. “Trong quá trình học tiếng Anh, bé được tham gia nhiều hoạt động vừa học vừa chơi, trò chuyện cùng bạn bè. Nhờ đó, bé không còn nhút nhát mà mạnh dạn giao tiếp với mọi người xung quanh”, chị Như chia sẻ.
Chị Đặng Thị Thủy Tiên, giáo viên tại Trung tâm Anh ngữ AMA Quảng Ngãi cho biết, từ 3 - 6 tuổi là giai đoạn thích hợp để bắt đầu cho trẻ học tiếng Anh. Học ngoại ngữ từ sớm giúp trẻ tăng khả năng tư duy phản biện, sự sáng tạo và trí tuệ cũng linh hoạt hơn.
Không nên tạo áp lực cho trẻ
Có không ít phụ huynh băn khoăn việc cho con học ngoại ngữ sớm, vì sợ trẻ học ngoại ngữ ở độ tuổi khi còn quá nhỏ có thể làm chậm khả năng tiếp nhận tiếng Việt.
Nhiều giáo viên cho rằng, việc trẻ học tiếng Việt thuận lợi hay khó khăn không phải do học tiếng Anh sớm mà do phương pháp của cha mẹ. Khi trẻ còn nhỏ, khả năng nhận biết và nhớ rất nhanh, nên việc học tiếng Anh là rất tốt. Tuy nhiên, cho con đi học ở đâu, phương pháp giảng dạy như thế nào cho phù hợp thì cần phải cân nhắc. Đồng thời, không nên tạo áp lực cho trẻ trong việc học tiếng Anh. Khi con còn quá nhỏ, việc thể hiện kỳ vọng quá lớn, sẽ khiến trẻ cảm thấy áp lực, nảy sinh tâm trạng tiêu cực như sợ hãi, chán nản...
Chị Võ Như Trang, ở phường Chánh Lộ (TP. Quảng Ngãi), cũng đầu tư cho con học tiếng Anh sớm, nhưng chị vẫn luôn khuyến khích con trau dồi ngôn ngữ tiếng Việt, tránh học lệch. “Mỗi khi con dùng từ đệm tiếng Anh vào các câu tiếng Việt, tôi thường yêu cầu cháu phải sửa lại cho đúng”, chị Trang chia sẻ.
Sự quan tâm đầu tư cho con em trong việc học, trong đó có môn tiếng Anh, góp phần tạo nên một xã hội học tập. Đây cũng chính là động lực cho các trường học, cơ sở giáo dục tiếp tục nâng cao, đổi mới phương pháp dạy học ngoại ngữ, hướng đến đào tạo nên những thế hệ công dân toàn cầu.
Nguồn https://baoquangngai.vn