Xã hội
   Giúp trẻ ghi nhớ kỹ năng thoát hiểm khi có đám cháy
 

Ngay cả người lớn, khi gặp sự cố cháy nổ cũng thường mất bình tĩnh và hoảng loạn. Vì vậy với trẻ nhỏ, càng được hướng dẫn.

 

Nhiều trường học đã dạy cho trẻ cách thoát hiểm khi có đám cháy. Ảnh minh họa

Ngay cả người lớn, khi gặp sự cố cháy nổ cũng thường mất bình tĩnh và hoảng loạn. Vì vậy, với trẻ nhỏ, càng được hướng dẫn, tập luyện nhiều càng tăng bản lĩnh để thoát hiểm.

Đặt ra nhiều tình huống để tập dượt

Không phải lúc nào, trẻ cũng nhận thức được hành động của bản thân. Đặc biệt, trong tình huống nghiêm trọng như cháy nổ, hỏa hoạn thì càng khó thực hiện. Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho trẻ trong những trường hợp này, cha mẹ hãy dạy trẻ kỹ năng thoát hiểm khi có cháy và các biện pháp cụ thể cho các tình huống càng sớm càng tốt.

Cô Nguyễn Thị Liên, giáo viên Trường Mầm non Thực hành Hoa Sen, cho biết, trẻ cần được dạy rằng, bất cứ khi nào phát hiện đám cháy, hãy báo cho người lớn hoặc gọi điện thoại đến số 114 cho cơ quan cứu hỏa, phòng cháy chữa cháy. Đây là hành động cần được thực hiện ngay khi trẻ phát hiện có mùi cháy, mùi khét, có khói, có lửa ở xung quanh mình.

“Một số trẻ em thực sự không biết chuông báo cháy hoạt động như thế nào. Vì vậy, cha mẹ hãy hướng dẫn trẻ sử dụng chuông một cách bài bản để giúp trẻ biết cách báo động khi có tình huống cháy nổ xảy ra. Cha mẹ cũng nên hướng dẫn trẻ dùng điện thoại và gọi số khẩn cấp 114 báo cháy ra sao”, cô Liên cho biết.

Cũng theo cô Nguyễn Thị Liên, nếu nhà hoặc địa điểm trẻ đang ở có cửa sổ, ban công, cha mẹ hãy dạy trẻ nhanh chóng ra bên ngoài để ra hiệu, kêu gọi và cảnh báo về đám cháy cho mọi người xung quanh. Làm sao để nhanh nhất, trẻ có thể báo được tình trạng khẩn cấp của mình để nhận được hỗ trợ kịp thời. Những hành động này cần được tập dượt nhiều trong gia đình, trường học… Thậm chí, người lớn có thể đặt ra nhiều tình huống, giả thiết để cùng trẻ giải quyết.

Cha mẹ cần giúp trẻ hiểu được mối nguy hiểm mà bản thân phải đối diện khi có hỏa hoạn. Việc trẻ tìm cách thoát ra khỏi đám cháy càng sớm càng tốt là điều rất quan trọng. Nhiều trẻ em không biết cách phản ứng với đám cháy, và thậm chí còn trốn tránh chúng mà không tìm cách ra ngoài an toàn.

Tại nhà, khi dạy trẻ kỹ năng thoát hiểm khi có cháy, cha mẹ hãy hướng dẫn trẻ những lối thoát hiểm nào có thể sử dụng. Tại trường hoặc khu vực công cộng, cha mẹ hãy chỉ cho trẻ những biển báo về lối thoát hiểm cũng như hướng dẫn trẻ cách quan sát để có được hướng di chuyển tốt nhất cho bản thân.

Đặc biệt, cha mẹ cần hướng dẫn trẻ thoát ra ngoài càng nhanh càng tốt. Việc chần chừ, nán lại để thu gom mang theo đồ dùng là điều không cần thiết. Đây là tâm lý thường thấy ở trẻ nhưng lại gây nên nguy hiểm cho bản thân. Chỉ có phản ứng nhanh chóng thì mới tăng cơ hội an toàn.

Theo cô Liên, cha mẹ cũng cần hướng dẫn trẻ nên sử dụng các lối thoát mà mình tìm thấy như ban công, hành lang thoát hiểm… nơi mà trẻ thường ít khi sử dụng. Trẻ không nên sợ bị bẩn trong trường hợp nguy cấp này.

Trong quá trình di chuyển tuyệt đối không đụng chạm vào bất cứ vật dụng gì. Nếu phải tiếp xúc thì trẻ cần phải kiểm tra trước như xem tay nắm cửa có quá nóng không… vì khi bị bỏng, việc thoát nạn gặp nhiều khó khăn hơn.

Theo nhiều chuyên gia, di chuyển trong môi trường khí độc do đám cháy gây ra rất nguy hiểm. Do đó, khi dạy trẻ kỹ năng thoát hiểm khi có cháy, cha mẹ cần hướng dẫn trẻ cẩn thận cách di chuyển như thế nào để đảm bảo an toàn và cho trẻ thực hành thường xuyên cho đến khi thuần thục.

Cụ thể, trẻ cần di chuyển thấp hơn tầng khói để đảm bảo có đủ không khí hít thở bằng cách cúi thấp người khi di chuyển hoặc bò trên đất. Trẻ có thể lăn trên đất để tăng nhanh tốc độ di chuyển khi cần thiết. Hơn hết, cha mẹ hãy dạy trẻ dùng khăn ướt che kín miệng và mũi để giảm thiểu việc hít phải khói độc.

Cô Nguyễn Thị Liên cho biết, trong nhiều nhà trường, học sinh cũng được học kỹ năng thoát hiểm trong đám cháy. Trong đó, trẻ được dạy cách dập lửa trên quần áo. Cha mẹ hãy hướng dẫn trẻ nhanh chóng nằm ra sàn và lăn nhiều vòng qua lại để dập lửa.

Bên cạnh đó, trẻ cũng có thể làm ướt quần áo để hạn chế khả năng bắt lửa. Những cách làm này đều cần phải phản ứng nhanh và dứt khoát để ngăn ngọn lửa cháy mạnh hơn. Cha mẹ cần cho trẻ luyện tập đến khi thành thục để có thể tự xử lý khi bản thân gặp phải các tình huống này và hỗ trợ những người xung quanh.

Khói từ đám cháy là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng đến sức khỏe nhiều nhất. Vì vậy, cha mẹ cần hướng dẫn trẻ ngăn khói lan vào phòng khi có cháy. Trong trường hợp chưa kịp thoát ra ngoài, phải đợi người đến cứu thì trẻ cần ngăn khói lan vào phòng.

“Cha mẹ hãy hướng dẫn trẻ dùng khăn vải ướt chặn đường đi của khói như khe cửa ra vào, cửa sổ… Đồng thời, trẻ cũng cần dùng khăn ướt để che mũi miệng tránh hít phải khói độc. Mặc dù, nhiều nhà trường đã lồng ghép chương trình để dạy nhưng cha mẹ cần hướng dẫn cụ thể và rèn luyện nhiều hơn”, cô Liên nói.

Các trường hợp tử vong chủ yếu là do hít phải khí độc nên người lớn cần hướng dẫn cho trẻ dùng khăn ướt để bịt mũi và cúi sát người xuống sàn nhà khi thoát nạn. Khi di chuyển, trẻ cần lấy khăn ướt, bịt vào mũi để tránh khí độc nhiễm vào có thể gây ngạt thở. Trẻ phải cúi thấp người xuống càng tốt vì càng sát đất thì khói và khí độc càng ít hơn.

Người lớn cũng nên dạy cho trẻ cách sử dụng bình chữa cháy để dập tắt những đám cháy nhỏ, kiểm soát được hành vi, nhận thức của mình khi xảy ra cháy nổ. Tuy nhiên, không dạy trẻ hắt nước vào đám cháy vì có thể ảnh hưởng đến thiết bị điện ảnh hưởng đến quá trình cứu hộ, cứu nạn…

Ngọc Trang

Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/giup-tre-ghi-nho-ky-nang-thoat-hiem-khi-co-dam-chay-post617778.html

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Hải Phòng: Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm (7/12)
 Tiêu chuẩn thư viện trường mầm non, phổ thông kể từ tháng 1/2023 (7/12)
 Nỗ lực 'giữ chân' giáo viên mầm non (2/12)
 An toàn thực phẩm trong trường học: Những ưu tiên hàng đầu (30/11)
 Bảo đảm chất lượng giáo dục mầm non; đẩy mạnh hợp tác quốc tế (28/11)
 Áp lực khi là 'bà giáo' mầm non (25/11)
 Tăng cường thanh tra, kiểm tra bảo đảm an toàn thực phẩm trong trường học (22/11)
 Một vai hai gánh... (22/11)
 Tạo khung pháp lý nhất quán để phát triển đội ngũ nhà giáo (21/11)
 Linh hoạt giải pháp cho trẻ làm quen với tiếng Anh (21/11)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i