Tâm lý
   Hoạt động thú vị cho trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý
 

Hoạt động thú vị cho trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý

Tham gia các hoạt động thể thao, sáng tạo, nấu ăn, cắm trại… có thể giúp trẻ rối loạn tăng động cải thiện sức khỏe tinh thần, thể chất.

Theo WebMD, rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) là một chứng rối loạn não ảnh hưởng đến khả năng chú ý và kiểm soát hành vi. ADHD phổ biến ở trẻ em và thanh thiếu niên, có thể tiếp tục đến tuổi trưởng thành. Tỷ lệ bé trai bị rối loạn tăng động giảm chú ý cao hơn bé gái.

Trẻ mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý dường như có một nguồn năng lượng vô tận, không có thứ gì có thể thu hút sự chú ý của chúng đủ lâu. Để tập trung năng lượng của bé theo hướng tích cực, cha mẹ có thể cho con tham gia những hoạt động giúp đốt cháy năng lượng thừa.

Vận động

Một trong những cách thu hút sự chú ý của trẻ ADHD là vận động, nhưng không có nghĩa cho bé tham gia mọi môn thể thao ngoài trời, điều chúng cần là hoạt động. Đi dạo, chơi đuổi bắt hoặc đạp xe cùng con giúp bé tăng cường vận động, tập trung năng lượng vui vẻ, bổ ích.

Một nghiên cứu cho thấy tập thể dục giúp giảm lo lắng, trầm cảm, hung hăng và các vấn đề xã hội ở trẻ ADHD. Tham gia một môn thể thao đồng đội cũng có thể là lựa chọn hữu ích với trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý.

Tuy nhiên, cha mẹ nên cân nhắc môn thể thao phù hợp với nhu cầu của con. Chẳng hạn, một trẻ ADHD loại hiếu động hoặc bốc đồng nên tham gia các hoạt động mạnh như đấu vật, bơi lội; trong khi một đứa trẻ ADHD loại không chú ý sẽ làm tốt hơn với môn thể thao có mục tiêu ngắn hạn như điền kinh.

Cho trẻ tham gia các môn thể thao giúp cải thiện sức khỏe tâm thần của trẻ. Ảnh: Freepik

Sáng tạo

Một cách khác để giải tỏa năng lượng cho trẻ rối loạn tăng động giảm chú ý là khuyến khích con sáng tạo bằng cách viết, vẽ, cắt dán, điêu khắc...

Sự sáng tạo có lợi với nhiều tình trạng sức khỏe tâm thần, bao gồm ADHD. Liệu pháp nghệ thuật biểu cảm có thể giúp trẻ luyện tập và củng cố một số kỹ năng như tập trung, giao tiếp, giải quyết vấn đề. Nó cũng có thể hữu ích trong việc thể hiện cảm xúc, xây dựng nhận thức về bản thân, giảm mức độ căng thẳng.

Một nghiên cứu phát hiện việc cho phép trẻ ADHD vẽ và nói về cuộc sống của chúng là một cách tiếp cận sâu sắc sở thích và nội tâm của bé. Tóm lại, hãy để trí tưởng tượng của trẻ tự do.

Thi đấu dọn dẹp

Nhiều trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý thường gặp khó khăn trong việc sắp xếp, tổ chức. Tuy nhiên, dọn dẹp có thể là một hoạt động thú vị nếu cha mẹ biến nó thành một trò chơi.

Hỗ trợ trẻ sắp xếp đồ chơi, quần áo hoặc đồ dùng học tập bằng cách chạy đua xem ai có thể dọn dẹp nhanh nhất. Cha mẹ có thể hẹn giờ khoảng 5-10 phút để xem hai đội có thể dọn dẹp bao nhiêu trong thời gian đó; thử thách trẻ có thể gấp và cất gọn bao nhiêu bộ quần áo...

Tạo trò chơi phiêu lưu

Trẻ rối loạn tăng động giảm chú ý thường thích phiêu lưu và những trải nghiệm mới có nhiều khả năng thu hút sự quan tâm của chúng. Tổ chức trò chơi truy tìm kho báu trong nhà hoặc cùng trẻ leo núi tìm kiếm những điều thú vị. Cha mẹ nên mang theo máy ảnh để có thể ghi lại những phát hiện của con.

Vì trẻ ADHD thường phải vật lộn với cảm giác buồn chán, do đó giới thiệu các hoạt động mới lạ có thể là một cách giúp chúng duy trì hứng thú. Vì vậy, hãy kết hợp mọi thứ và tạo ra các hoạt động mới thường xuyên để kích thích sự tò mò của bé.

Vẽ là một hoạt động giúp trẻ ADHD thỏa sức thể hiện trí tưởng tượng của mình. Ảnh: Freepik

Chơi game

Chơi game là một cách hữu ích giúp trẻ ADHD tập trung năng lượng và giải trí trong khi xây dựng các kỹ năng có giá trị. Trò chơi liên quan đến trí nhớ hoặc câu đố chữ có thể cải thiện trí não, khả năng chú ý của trẻ. Các hoạt động thú vị khác bé có thể thử bao gồm: lắp ráp đồ chơi, bóng chuyền hơi, khiêu vũ, chơi nhạc, vượt chướng ngại vật trong nhà, nhảy dây, lắc vòng, nhảy trên tấm bạt lò xo...

Cha mẹ có thể kết hợp những vật dụng có sẵn trong nhà theo trí tưởng tượng, làm cho mọi thứ trở nên cuốn hút và khiến bé không cảm thấy nhàm chán khi tham gia trò chơi.

Cắm trại, dã ngoại

Đôi khi, lên kế hoạch cho một chuyến đi trong ngày là cách tốt nhất để trẻ ADHD giải trí. Bảo tàng, sở thú, công viên giải trí hoặc cắm trại là những địa điểm mới lạ, thu hút sự chú ý của trẻ.

Đi dã ngoại là một hoạt động ngoài trời giúp gắn kết gia đình. Cha mẹ và con cái có thể cùng chuẩn bị một số đồ ăn nhẹ, đến công viên hoặc khu dã ngoại, tự tổ chức các trò chơi vui nhộn. Trong khi đó, đi cắm trại có thể giúp trẻ ADHD hòa mình vào thiên nhiên, thỏa thích chạy nhảy và khám phá. Thăm bảo tàng tạo cơ hội tìm hiểu và học hỏi về các loại hình nghệ thuật, văn hóa, lịch sử đối với các bé bị rối loạn tăng động giảm chú ý.

Các hoạt động cắm trại, dã ngoại rất hữu ích đối với trẻ rối loạn tăng động giảm chú ý. Ảnh: Freepik

Nấu ăn

Nấu ăn là một cách giúp trẻ ADHD phát triển tích cực vì nó liên quan đến nhiều giác quan khác nhau. Hoạt động này cũng giúp cha mẹ gắn kết với con, dạy chúng những kỹ năng sống có giá trị. Bắt đầu bằng những công thức nấu ăn đơn giản phù hợp với trẻ, dần dần tập làm các món phức tạp hơn, cha mẹ có thể rèn luyện thói quen này cho trẻ khi dành một số ngày nhất định trong tuần cùng con chuẩn bị các bữa ăn mà chúng yêu thích.

Ngắm sao

Ngắm sao là một hoạt động nhẹ nhàng, thú vị với trẻ, đồng thời có thể dạy con về khoa học và thế giới xung quanh. Cha mẹ có thể lên kế hoạch đi bộ đường dài, leo núi hoặc đi dạo bãi biển vào cuối tuần. Những hoạt động này mang đến cơ hội khám phá, tận hưởng không khí trong lành và rèn luyện sức khỏe cho con.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng việc tiếp xúc nhiều với thiên nhiên và không gian xanh có thể tác động tích cực đến sức khỏe tinh thần của trẻ, bao gồm cả trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý.

Châu Vũ (Theo Verywellmind)

Nguồn:

https://vnexpress.net/hoat-dong-thu-vi-cho-tre-bi-roi-loan-tang-dong-giam-chu-y-4476932.html

https://www.verywellmind.com/fun-activities-for-kids-with-adhd-5235327

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 "Chiến lược 3T" mà cha mẹ cần ghi nhớ để giúp con phát triển toàn diện (18/6)
 Trẻ học gì ở những người bạn? (15/6)
 Cách để con tuổi teen trò chuyện với bố mẹ (7/6)
 Hàn gắn tổn thương tâm lý cho trẻ: Cần sự hiểu biết của người lớn (31/5)
 Giáo sư nổi tiếng châu Á khuyên cha mẹ cho con tránh xa kiểu lớp học này trước năm 6 tuổi (25/5)
 Kỹ năng của trẻ có tương lai thành công (23/5)
 5 cách để con bạn có thể chơi một mình (12/5)
 8 bài học cha nên dạy con trai (11/5)
 Trẻ bị tăng động: Cần điều trị sớm (10/5)
 7 kỹ năng cha mẹ cần dạy trẻ để con thành công (9/5)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i