Hãy tưởng tượng con trẻ sẽ ra sao nếu không có bạn?
Trẻ sẽ có những tiến bộ tích cực khi biết cách chơi và học cùng bạn. Ảnh minh họa
Những đứa trẻ tôi biết, chúng đều yêu bạn của mình. Chỉ cần vài ngày không được gặp nhau, chúng sẽ nhớ, sẽ buồn, sẽ bày tỏ mong muốn được gặp bạn. Nhất là lũ trẻ tiểu học, nếu được hỏi vì sao con thích đến trường, chúng sẽ không ngần ngại trả lời: “Con thích được gặp bạn (A…)”.
Bạn rất quan trọng với trẻ. Trẻ sẽ cô đơn và không có sự phát triển bình thường nếu không được lớn lên, học tập cùng bạn.
Trẻ học được những gì ở bạn?
Việc học không chỉ là học kiến thức, điều đó chúng ta đều đồng tình với nhau. Nhưng ngay cả cách học để có kiến thức, cũng rất khác, khi chúng ta nhận ra, trẻ có thể học kiến thức nào đó qua bạn, học được những kĩ năng sống ở bạn, học cách sống thông qua cách xây dựng tình bạn.
Trong lúc xây dựng, duy trì, phát triển tình bạn, trẻ sẽ tự điều chỉnh tình cảm, thái độ, hành vi của mình. Qua chơi cùng bạn, trẻ có thể nhận biết và bày tỏ được tình cảm, cảm xúc của bản thân; biết chia sẻ tình cảm, cảm xúc của bản thân với người khác. Để chơi được với bạn, trẻ sẽ học cách hòa nhã với mọi người; không nói hoặc làm những điều xúc phạm người khác.
Nhờ chơi cùng bạn, trẻ cũng thích ứng với cuộc sống: Tìm được những cách giải quyết khác nhau cho cùng một vấn đề; Thực hiện được các nhiệm vụ khác nhau với những yêu cầu khác nhau; Điều chỉnh được hiểu biết, kĩ năng, kinh nghiệm của cá nhân cần cho hoạt động mới, môi trường sống mới; Thay đổi được cách tư duy, cách biểu hiện thái độ, cảm xúc của bản thân để đáp ứng với yêu cầu mới, hoàn cảnh mới. Mỗi người bạn có thể có những cách giải quyết vấn đề khác nhau. Đó cũng là cách học hiệu quả. Nhờ đó, bạn, tình bạn là người thầy thực sự của trẻ.
Chơi với bạn, học cùng bạn là lúc trẻ rèn năng lực giao tiếp. Từ xác định mục đích, nội dung, phương tiện và thái độ giao tiếp; Xác định được mục đích giao tiếp phù hợp với đối tượng và ngữ cảnh giao tiếp; dự kiến được thuận lợi, khó khăn để đạt được mục đích trong giao tiếp; Biết chủ động trong giao tiếp; tự tin và biết kiểm soát cảm xúc, thái độ.
Thông qua chơi với bạn, kết bạn, giữ gìn tình bạn, trẻ bắt đầu thực hành thiết lập, phát triển các quan hệ xã hội; điều chỉnh và hóa giải các mâu thuẫn; Nhận ra được những bất đồng, xích mích giữa bản thân với bạn hoặc giữa các bạn với nhau; biết nhường bạn hoặc thuyết phục bạn. Từ đó, trẻ biết cách thiết lập, duy trì và phát triển các mối quan hệ với các thành viên của cộng đồng (họ hàng, bạn bè, hàng xóm...). Trẻ cũng nhận ra được mâu thuẫn giữa bản thân với người khác hoặc giữa những người khác với nhau; để chung sống trẻ cần có thiện chí dàn xếp và biết cách dàn xếp mâu thuẫn; Nhận biết và thấu cảm được suy nghĩ, tình cảm, thái độ của người khác. Từ đó trải nghiệm xác định đúng nguyên nhân mâu thuẫn giữa bản thân với người khác hoặc giữa những người khác với nhau và biết cách hóa giải mâu thuẫn.
Tác dụng của việc chơi theo nhóm
Để duy trì nhóm bạn, trẻ cần phải hợp tác. Thông qua việc học, việc chơi cùng bạn, trẻ có môi trường đầu tiên để phát triển năng lực hợp tác. Từ việc xác định mục đích và phương thức hợp tác; Có thói quen trao đổi, giúp đỡ nhau trong học tập; biết cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ học tập theo sự hướng dẫn của thầy cô. Biết chủ động đề xuất mục đích hợp tác khi được giao nhiệm vụ; biết xác định được những công việc có thể hoàn thành tốt nhất bằng hợp tác theo nhóm. Biết chủ động đề xuất mục đích hợp tác để giải quyết một vấn đề do bản thân và những người khác đề xuất; biết lựa chọn hình thức làm việc nhóm với quy mô phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ.
Chơi cùng bạn, trẻ sẽ xác định trách nhiệm và hoạt động của bản thân: Hiểu được nhiệm vụ của nhóm và trách nhiệm, hoạt động của bản thân trong nhóm sau khi được hướng dẫn, phân công; Phân tích được các công việc cần thực hiện để hoàn thành nhiệm vụ của nhóm; sẵn sàng nhận công việc khó khăn của nhóm; Nhận biết được một số đặc điểm nổi bật của các thành viên trong nhóm để đề xuất phương án phân công công việc phù hợp. Đánh giá được nguyện vọng, khả năng của từng thành viên trong nhóm để đề xuất phương án tổ chức hoạt động hợp tác. Qua theo dõi, đánh giá được khả năng hoàn thành công việc của từng thành viên trong nhóm để đề xuất điều chỉnh phương án phân công công việc và tổ chức hoạt động hợp tác.
Trẻ cũng sẽ học được cách tổ chức và thuyết phục người khác; Biết cố gắng hoàn thành phần việc mình được phân công và chia sẻ giúp đỡ thành viên khác cùng hoàn thành việc được phân công. Biết chủ động và gương mẫu hoàn thành phần việc được giao, góp ý điều chỉnh thúc đẩy hoạt động chung, học hỏi các thành viên trong nhóm. Biết theo dõi tiến độ hoàn thành công việc của từng thành viên và cả nhóm để điều hòa hoạt động phối hợp; biết khiêm tốn tiếp thu sự góp ý và nhiệt tình chia sẻ, hỗ trợ các thành viên trong nhóm.
Nguồn https://giaoducthoidai.vn