Tâm lý
   Hàn gắn tổn thương tâm lý cho trẻ: Cần sự hiểu biết của người lớn
 

Chấn thương tâm lý thời thơ ấu được coi là mối nguy hại đối với quá trình phát triển thể chất và tư duy của trẻ. 

Có 4 mức độ stress - căng thẳng thần kinh khác nhau có thể tác động lên trẻ nhỏ. Ảnh minh họa.

Nếu không nhận được hỗ trợ, trẻ lớn lên có thể phải đối mặt với những vấn đề tâm lý và gặp khó khăn, trở ngại trong công việc cũng như cuộc sống.

Một số biểu hiện về hành vi khi trẻ gặp sang chấn tâm lý gồm: Thu mình khỏi gia đình và bạn bè, hành vi đập đổ/ gây hấn; Đổ lỗi cho người khác/mâu thuẫn; Ăn quá nhiều hoặc quá ít...

Tổn thương dai dẳng

Chấn thương tâm lý thời thơ ấu là tình trạng phải đối mặt với những sự kiện có tính chất nghiêm trọng từ khi còn nhỏ. Tác động từ những sự kiện này gây tổn thương nghiêm trọng về mặt tâm lý. Từ đó, ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ và thể chất. Ngoài ra, theo các chuyên gia, đây còn là “mầm mống” của nhiều vấn đề tâm lý, tâm thần ở trẻ em, thanh thiếu niên. Vấn đề đó thậm chí kéo dài cả trong giai đoạn trưởng thành.

So với người lớn, trẻ nhỏ có nhân cách yếu, nhạy cảm và thiếu kinh nghiệm sống. Vì vậy, trẻ bị tổn thương khi phải chứng kiến hoặc trải qua những sự kiện có tính chất nghiêm trọng.

Theo Hiệp hội Tâm lý Mỹ, chỉ 45% Gen Z (người sinh năm 1997 - 2012) cho biết, sức khỏe tâm thần của họ ổn hoặc rất tốt. Tất cả các nhóm thế hệ khác đều có kết quả tốt hơn về thống kê này, bao gồm Millennials (1980 - 1990) (56%), Gen Xers (1960 - 1970) (51%) và Boomers (1946 - 1964) (70%). Con số trên đã cho thấy, Gen Z là thế hệ trầm cảm nhất. Các thành viên của nhóm này có nhiều khả năng tìm đến các liệu pháp hoặc tư vấn sức khỏe tâm thần hơn so với những nhóm khác. Khoảng 37% thành viên nhóm gen Z cho biết đã làm việc với chuyên gia sức khỏe tâm thần.

Bà Nguyễn Thị Nhiễn - Đơn nguyên Phòng khám Y học tái tạo và tâm lý giáo dục, Bệnh viện Đa khoa Vinmec cho biết, các sự kiện gây sang chấn phụ thuộc vào những yếu tố như: Thời điểm diễn ra, cường độ, trường độ tần suất của phơi nhiễm, mức độ quan tâm chăm sóc mà trẻ nhận được.

Theo Tiến sĩ Bruce Perry: Não bộ điều khiển các giác quan, suy nghĩ, cảm xúc và hành động của chúng ta. Hệ thống thần kinh phức tạp một cách đáng ngạc nhiên trong não, thứ quyết định đặc điểm con người của chúng ta sau này, được hình thành từ khi ta còn rất nhỏ. Do đó, sự kết nối của mạng lưới hệ thần kinh sẽ hình thành nên suy nghĩ cảm xúc và hành vi của trẻ em và cả sau này.

Sang chấn bị tích lũy từ thuở nhỏ có thể dẫn đến giảm sức khỏe thể chất trong quá trình trưởng thành. Ảnh minh họa.

Ảnh hưởng não bộ

Theo bà Nhiễn, khi gặp một sự kiện gây sang chấn, các phản ứng báo động kéo dài khiến sự phát triển não bộ bị biến đổi. Từ đó, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến não bộ, hệ thần kinh. Đồng thời, ảnh hưởng đến hệ thống sinh học, sự phát triển tư duy, suy nghĩ học tập và ngôn ngữ của trẻ. Khi gặp phải sang chấn ngay từ nhỏ, trẻ sẽ có các hiện tượng stress liên tục. Điều đó khiến lượng hormone căng thẳng cao được truyền vào não. Sau đó, làm phần não dưới hoạt động hết phần của não trên. Từ đó, xuất hiện các hành vi thách thức liên quan đến hoạt động chức năng của não dưới. Tình trạng này khiến trẻ gặp các khó khăn trong các mối quan hệ xã hội, nhận thức và cảm xúc, vấn đề về hành vi và khả năng tự điều chỉnh bản thân.

Theo chuyên gia này, một số biểu hiện về hành vi khi trẻ gặp sang chấn tâm lý gồm: Thu mình khỏi gia đình và bạn bè, hành vi đập đổ/ gây hấn; Đổ lỗi cho người khác/ mâu thuẫn; Ăn quá nhiều hoặc quá ít; Luôn mong muốn sự chú ý; Có vấn đề với việc ngủ; Lạm dụng chất gây nghiện (rượu, chất gây nghiện, thuốc lá);

Thiếu tập trung. Bên cạnh đó, trẻ tổn thương tâm lý cũng có thể thiếu hứng thú trong các hoạt động bình thường như làm vệ sinh, hay lo sợ (lo sợ đàn ông, phòng tắm, các cánh cửa khép lại, bóng tối), cũng như có những hành vi không an toàn và nhiều rủi ro.

“Trẻ trải qua sang chấn thường gặp khó khăn trong việc điều khiển cảm xúc. Chúng cố gắng đương đầu với trí nhớ và cảm xúc thông qua các hành vi tiêu cực, thể hiện sự đau buồn, mất mát bên trong thông qua các hành vi tiêu cực bên ngoài. Không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý, mà sang chấn còn ảnh hưởng đến sự phát triển nói chung của trẻ em”, bà Nhiễn chia sẻ.

Cụ thể, chuyên gia này phân tích, các trải nghiệm bạo lực có tác động nghiêm trọng và lâu dài trong suốt cuộc đời của trẻ. Trong khi đó, trẻ em có tiền sử sang chấn tâm lý có nguy cơ cao lạm dụng chất khi bước vào giai đoạn vị thành niên và trưởng thành. Trẻ em bị lạm dụng thể chất và tình dục thời thơ ấu có tương quan mạnh với những vấn đề tâm thần ở tuổi trưởng thành. Ngoài ra, sang chấn bị tích lũy từ thuở nhỏ có thể dẫn đến giảm sức khỏe thể chất trong quá trình trưởng thành.

Trong khi đó, theo chuyên gia tâm lý Phạm Hiền, ngày nay, nhiều trẻ bị trầm cảm, tâm thần phân liệt. Đặc biệt, những trẻ này luôn trong trạng thái gai góc, phản kháng, đòi hỏi, mất kiểm soát.

“Mỗi vấn đề xảy đến với con trong cuộc sống thường ngày sẽ luôn trở thành ám ảnh từ sự ám thị gai góc. Nó là những mấu chốt tạo nên tâm lý bất ổn trong các độ tuổi lớn lên. Có đứa trẻ giấu vào bên trong chấp nhận, có đứa trẻ lại bộc phát khó kiểm soát”, bà Phạm Hiền chia sẻ.

Theo chuyên gia này, tình trạng tổn thương tâm lý ở trẻ có thể xuất phát từ những quy luật rất thông thường. Ví dụ, khi còn nhỏ, nếu nhìn thấy cảnh cha mẹ thường xuyên cãi vã, thậm chí đánh nhau, trẻ sẽ nghĩ rằng, lớn lên mình không thể như vậy. Khi trưởng thành, đứa trẻ đó luôn nỗ lực để không như vậy. Tuy nhiên, họ vẫn không thể bình thường như nhiều người khác. Lý do là vì họ đã bị ám ảnh trong tiềm thức.

Hoặc, khi còn nhỏ, trẻ luôn bị thúc ép phải học giỏi, học liên tục, luôn là số 1. Đồng thời, trẻ luôn bị mắng, đánh nếu bị điểm kém. Vì vậy, trẻ phải chăm học, nỗ lực không ngừng và sợ hãi nếu bị điểm kém. Thậm chí, trẻ có thể nói dối nếu không được điểm 9 hay 10. Khi đó, trẻ sợ hãi, gồng mình lên để theo mong muốn của cha mẹ và hy vọng không bị đánh, mắng vì kém cỏi. Theo bà Phạm Hiền, tất cả những điều đó là sự ám ảnh, khiến trẻ sợ hãi hoặc thui chột khả năng và kỹ năng cần có khác.

Trẻ tổn thương tâm lý thường khó điều khiển cảm xúc. Ảnh minh họa.

Mức độ căng thẳng

Tuy nhiên, hiểu thế nào cho đúng về “tổn thương tâm lý” và “căng thẳng tinh thần” ở trẻ nhỏ là câu hỏi được nhiều phụ huynh đặt ra. Không ít cha mẹ băn khoăn rằng, làm sao để biết là trẻ đang bị stress? Ngoài ra, trẻ có khả năng đương đầu với những “thể loại stress” nào, khi khả năng nhận thức và ngôn ngữ của con chưa đủ để nói cho phụ huynh biết?

Theo ZERO TO THREE, có 4 mức độ Stress - căng thẳng thần kinh khác nhau có thể tác động lên trẻ nhỏ. ZERO TO THREE là một tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ, cung cấp thông tin dựa trên cơ sở khoa học, đào tạo và hỗ trợ các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách và cha mẹ.

Mức độ đầu tiên là “Positive Stress” – các áp lực căng thẳng tích cực. Những loại áp lực tích cực mà trẻ thường xuyên đối diện hằng ngày có thể bao gồm: Thử thách trèo cầu thang lần đầu tiên, ngày đầu tiên đi học, phản kháng giấc ngủ trưa bằng những tràng khóc…

Mức độ tiếp theo là “Tolerable Stress” - các áp lực căng thẳng có thể chịu được. Đây là các sự kiện thử thách trong cuộc sống với mức độ khó khăn hơn so với các áp lực tích cực. Ví dụ, trẻ phải trải qua nỗi đau khi một người thân qua đời, bị chấn thương, trải qua một cuộc phẫu thuật... Khi nhận được sự hỗ trợ, chăm sóc và xoa dịu từ người thân trong những giai đoạn căng thẳng này, trẻ sẽ cảm nhận được sự an toàn và an tâm. Khi đó, mức độ Cortisol trong cơ thể trẻ sẽ sớm trở lại bình thường. Nhờ vậy, không để lại tác động tiêu cực nào cho sự phát triển não bộ.

Tuy nhiên, trẻ cũng có thể gặp “Toxic Stress” - các áp lực căng thẳng độc hại. Trẻ sẽ chịu đựng các áp lực độc hại khi phải thường xuyên đối diện với những trải nghiệm bất lợi, tiêu cực mà không nhận được sự hỗ trợ hay xoa dịu từ người lớn. Ví dụ: Trẻ bị ngược đãi; người chăm sóc trẻ có vấn đề tinh thần - tâm lý như trầm cảm… Các áp lực căng thẳng độc hại thường làm mức độ Cortisol trong cơ thể trẻ luôn ở mức cao bất thường. Qua thời gian dài, điều đó sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển não bộ của trẻ.

Mức độ cuối cùng là “Traumatic Stress” - các áp lực căng thẳng gây tổn thương. Mức độ này thường xuất hiện khi trẻ gặp các sự kiện gây chấn thương nghiêm trọng, có thể nguy hiểm đến tính mạng như: Bạo hành gia đình, bị ngược đãi, tai nạn sống còn, các sự kiện thiên tai thảm họa… Những trải nghiệm gây tổn thương này khiến mức độ Cortisol trong cơ thể trẻ duy trì ở mức độ cao liên tục, trở thành mãn tính. Ngoài ra, cơ thể trẻ cũng có các phản ứng tự phòng vệ khác. Điều đó gây ảnh hưởng xấu và nghiêm trọng đến sự phát triển của trẻ qua thời gian dài.

Nguồn https://giaoducthoidai.vn/

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Giáo sư nổi tiếng châu Á khuyên cha mẹ cho con tránh xa kiểu lớp học này trước năm 6 tuổi (25/5)
 Kỹ năng của trẻ có tương lai thành công (23/5)
 5 cách để con bạn có thể chơi một mình (12/5)
 8 bài học cha nên dạy con trai (11/5)
 Trẻ bị tăng động: Cần điều trị sớm (10/5)
 7 kỹ năng cha mẹ cần dạy trẻ để con thành công (9/5)
 Những yếu tố ảnh hưởng tới trí thông minh của trẻ và cách kiểm tra IQ (21/4)
 Trẻ đi học sớm ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe tâm lý (6/4)
 Mong mỏi một môi trường hoà nhập cho trẻ tự kỷ (2/4)
 Cha mẹ nên làm gì giúp trẻ độc lập, tự tin? (2/4)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i