Cảm xúc mầm non
   Thầy Hừ “bảo mẫu” ở Ka Lăng
 

 

Không có cơ hội để theo dạy đúng chuyên môn, thầy Khò Khò Hừ đã tình nguyện xin dạy học mầm non. 

Thầy Khò Khò Hừ dạy lớp mẫu giáo Lớn, Trường Mầm non Ka Lăng

Tất cả, thầy đều phải học để trở thành người “bảo mẫu” thực thụ của những đứa trẻ vùng biên giới Ka Lăng (Mường Tè, Lai Châu). 

Muốn đem “cái chữ” về bản...

Chúng tôi đến Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Ka Lăng vào một chiều cuối năm. Vài lớp mẫu giáo của Trường Mầm non xã Ka Lăng đang học nhờ ở đây vì trường cũ đang được đầu tư kiên cố. Những tiếng hát còn ngọng líu ngọng lô của đám trẻ vùng biên vang lên, một người thầy đang nắm tay bọn trẻ, vừa đi vòng tròn, vừa múa hát.

Thầy Pờ Phì Lòng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Ka Lăng chỉ tay nói: “Đó là thầy Khò Khò Hừ, thầy giáo của trường mầm non đấy!”.

Cuối buổi học, tôi được gặp gỡ và tâm sự với thầy Hừ được nhiều hơn, hiểu hơn về cơ duyên đến với nghề “bảo mẫu” cũng như những đặc thù của công việc này.

Ở Mường Tè, ngày trước việc đi học liên tiếp các lớp theo năm học quả thực rất khó khăn. Thậm chí, những người là con em Hà Nhì như thầy để có được con chữ cũng chẳng hề dễ dàng gì. Vì thế, phải mãi đến lúc 30 tuổi, thầy Hừ mới có thể theo học chuyên nghiệp. Năm 2012, thầy Hừ tốt nghiệp chuyên ngành Sư phạm Tiểu học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình đúng dịp huyện Mường Tè có đợt tuyển dụng giáo viên. Thầy đã nộp hồ sơ dự tuyển. Thế nhưng, chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên tiểu học đã hết, thầy đành viết đơn, bày tỏ nguyện vọng xin được dạy học ở cấp mầm non. Rồi bắt đầu làm nghề “bảo mẫu” cũng từ đó.

Chẳng phải tự nhiên mà thầy lại theo đuổi cái nghề này trong khi cả bản, cả xã nơi thầy ở, hầu hết bà con đều chẳng muốn thoát ly. Cứ biết chữ rồi thì về nhà “dựng vợ, gả chồng”, xin bố mẹ mảnh nương, vạt đồi rồi sinh con đẻ cái. Thế nhưng, từ nhỏ, hình ảnh về người bố quá cố vẫn đèn sách lên trường dạy chữ đã vô tình “nuôi dưỡng” tình yêu nghề giáo trong thầy.

“Từ nhỏ, tôi đã ngưỡng mộ công việc của bố mình. Bố tôi cũng là một giáo viên tiểu học. Tôi đã lựa chọn nghề giáo cũng là để tiếp tục công việc của cha mình. Cũng chỉ mong muốn sẽ đem cái chữ về cho bản làng thôi chứ chẳng nghĩ sẽ làm điều gì to tát cả”, thầy Hừ nói.

Năm đầu nhận công tác, thầy Hừ được phân công dạy học tại Trường Mầm non Tá Bạ (xã Tá Bạ). Đây là xã mới thành lập trên cơ sở chia tách từ xã Ka Lăng. Vì là thanh niên, trẻ, khỏe nên thầy Hừ được bố trí dạy học ở điểm bản Hà Xi – một bản thuộc diện đặc biệt khó khăn. Ở đây chỉ có người La Hủ sinh sống. Đường từ xã đến bản hầu như không có, chỉ có thể “cuốc bộ”. Mỗi lần lên trường, thầy phải đi từ ngày hôm trước. Rời xã lúc Mặt trời mọc và đến trường lúc Mặt trời đã ngả bóng. Đường khó đi thì chớ, đằng này, mỗi lần “thượng sơn”, thầy Hừ phải gùi theo gần nửa tạ thực phẩm để ăn trong cả tuần, vì ở Tá Bạ không có chợ, cũng chẳng hàng quán.

“Tôi vẫn còn nhớ như in những ngày đầu bước chân lên bản dạy học. Đường sá chẳng có, lại cũng chẳng biết hướng đi nên tôi chỉ men theo đường mòn của con trâu, con bò vẫn hay đi. Nếu không phải là người bản địa thì sẽ chẳng biết lối nào mà đi. Muốn hỏi đường thì cũng chẳng biết hỏi ai, vì ở đây dân sống thưa thớt”, thầy Hừ nhớ lại.

“Khi đến nhận lớp, tôi thực sự rất nản vì lớp học chẳng khác gì cái chuồng trâu, chuồng ngựa cả. Trên nền nhà toàn chất bẩn do trâu, bò, ngựa thải ra. Lớp lại ở trên cao nên chẳng có nước để mà dùng. Muốn tắm, gội phải đi hơn 2 cây số, xuống một cái khe sâu để hứng”, thầy Hừ kể tiếp.

Đầu năm học, giáo viên chưa đến, học sinh cũng chẳng về trường. Theo danh sách, lớp học do thầy Hừ quản lý có 19 em. Hỏi mãi, tìm mãi mới biết trong số ngần ấy học trò thì có đứa lên rừng, đứa thì lên nương với bố mẹ, vài đứa xuống khe bắt cá cùng anh chị… Cũng chẳng biết phải làm sao, thầy Hừ đành phải xuống bản làm công tác “dân vận” và đi tìm, rồi “lùa” từng trẻ về lớp để dạy.

 

Từ chỗ tự ti, xấu hổ về công việc, thầy Hừ đã tự tin dạy múa hát cho trẻ

Người “bảo mẫu” thực thụ...

Sau 2 năm gắn bó với đám trẻ ở bản Hà Xi, thầy được chuyển về Trường Mầm non xã Ka Lăng. Về gần nhà đã vui, song điều khiến thầy vui hơn cả, đó là được dạy học cho chính con em dân bản trên quê hương mình.

Là giáo viên nam duy nhất trong trường, những năm đầu, thầy Hừ không tránh khỏi những lúc mặc cảm, tự ti và xấu hổ khi làm công việc của phụ nữ. Sự khởi đầu của thầy Hừ không được suôn sẻ bởi trái chuyên môn đào tạo. Thế rồi, thầy tự đặt mình vào hoàn cảnh của người mẹ để rồi rèn kỹ năng giao tiếp với trẻ.

Công việc của người “bảo mẫu” tuy không phải khuân vác nặng nhọc, song lại được ví như “con mọn”. Một ngày của thầy Hừ bắt đầu từ hơn 6 giờ sáng, thầy có mặt ở trường, đón trẻ rồi điểm danh. Hôm thiếu học sinh, lại phải nhờ hết người này, người khác nhắn nhủ đến gia đình để hỏi lí do vì sao không cho con đi học? Cũng có hôm sợ phụ huynh mải đi nương, bỏ quên con ở nhà thầy Hừ lại nhờ người trông lớp thay, tự mình “phi” lên bản tìm trẻ.

Sau giờ nhận trẻ, thầy cho trẻ học bài. Giữa buổi sáng, tranh thủ lúc trẻ chơi ngoan, thầy lại ra bếp chuẩn bị thực phẩm, đun nấu để làm sao cuối buổi sáng có cơm ăn cho cả lớp.

Lớp mầm non do thầy đảm nhiệm là lớp ghép nhiều độ tuổi, nên khi trẻ ăn xong, thầy lại hướng dẫn các anh chị lớn tuổi hơn trải chiếu, lấy chăn. Các em nhỏ hỗ trợ lấy gối, rồi bảo nhau sắp xếp chỗ ngủ trưa ở ngay trên lớp học. Còn thầy lại lạch cạch rửa bát, đũa, xoong, nồi, đem hong khô để buổi chiều trẻ ăn bữa phụ trước khi về.

Biết là tất cả đều phải học, song cũng chẳng biết phải học ai. Muốn củng cố kỹ năng sư phạm mầm non, thầy Hừ chỉ còn cách học hỏi đồng nghiệp. Khổ nỗi, sóng điện thoại lại phập phù, nên chỉ có thể đợi 2 ngày nghỉ cuối tuần trở về trung tâm xã nhờ đồng nghiệp chỉ bảo.

Vừa học, vừa rèn giũa kỹ năng chăm sóc trẻ, sau ba năm công tác, thầy Hừ đã vượt qua mọi rào cản để trở thành người “bảo mẫu” thực thụ.

“Ban đầu, việc tổ chức múa, hát, hay vệ sinh cho trẻ gặp rất nhiều khó khăn. Tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng, các cháu ở đây cũng như con của mình vậy. Mình chăm sóc con ra sao thì chăm các cháu như thế. Chứ trong đầu cũng chẳng có giáo án gì cả đâu. Còn kỹ năng dạy trẻ hát, múa... đồng nghiệp truyền lại thì tôi tiếp thu rồi áp dụng. Sau mấy năm cũng thành quen. Và giờ thì với tôi, công việc chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non đã không còn quá khó khăn như ngày trước”, thầy Hừ nói.

 

Cô Bùi Thị Hương - Hiệu trưởng Trường Mầm non Ka Lăng - chia sẻ: “Là giáo viên nam, thầy Hừ đã nỗ lực rất nhiều để đảm nhiệm vai trò chăm sóc giáo dục trẻ. Nhiều năm liền thầy hoàn thành tốt nhiệm vụ, được UBND huyện Mường Tè tặng giấy khen. Hai năm học gần đây, thầy hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đạt danh hiệu lao động tiên tiến, Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen. Tôi thấy đây là tấm gương tiêu biểu về sự vượt khó để đồng nghiệp noi theo”.

 

Nguồn https://giaoducthoidai.vn

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Chất lượng đội ngũ giáo viên là nền tảng quan trọng nhất của mỗi ngôi trường (10/12)
 Giáo viên cắm bản: Ngọn đuốc soi đường đến tri thức (23/11)
 20/11 tôi mong xã hội cùng nhìn lại để thấu hiểu và chia sẻ với nhà giáo (19/11)
 Những thầy giáo mầm non vùng cao (16/11)
 Hành trình níu con chữ, chia sẻ yêu thương của cô giáo Nhượng (13/11)
 Trái tim đỏ giữa rừng xanh (26/10)
 Chuyện “băng rừng, vượt cạn” của cô Minh (16/9)
 Đất nước mình tên là gì các con nhỉ? Việt Nam! Việt Nam! (9/9)
 Thầy giáo Hà Tĩnh 'thay áo mới' cho trường học khi đi cách ly tập trung (18/6)
 Ngược ngàn không mong “xuống núi” (16/6)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i