Cảm xúc mầm non
   Trái tim đỏ giữa rừng xanh
 

Giữa bốn bề rừng xanh, nơi tận cùng biên giới, tiếng bi bô của lũ trẻ vang ra từ lớp học… 

Lớp học luôn ngập tràn yêu thương

“Điểm sáng” giữa đại ngàn

Con đường đất độc đạo vào điểm trường Na Chén (Trường Mầm non Mường Lói) gập ghềnh, lên xuống bởi những dốc cua trơn trượt, dẫn vào sâu trong rừng. Chỉ chừng 10 km từ trung tâm xã đến trường, nhưng phải mất hơn 2 giờ di chuyển nếu thời tiết thuận lợi. Còn mưa xuống, xác định “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.

Là bản biên giới giáp Lào của xã Mường Lói (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên), Na Chén gần như biệt lập với bên ngoài do cách trở về giao thông. Đây là nơi quần tụ của vỏn vẹn 21 gia đình, với hơn 130 nhân khẩu đồng bào Khơ Mú. Trước kia, nhiều người thậm chí không biết đến nhóm dân cư này, nên cuộc sống phần đa tự cung, tự cấp.

Từ trung tâm bản, qua con suối rộng chừng vài chục mét, điểm trường Na Chén nằm trên một khu đất gần như bằng phẳng nhất ở đây. Lớp học được bao bọc xung quanh bởi núi đồi. Vào đến nơi rồi mới thấy, đây là điểm sáng duy nhất về sự phát triển và văn mình theo cả nghĩa đen lẫn bóng.

Đón tiếp tôi là cô giáo rất trẻ với dáng người chân chất, mộc mạc, nụ cười hiền hậu. Như đọc được suy nghĩ không hiểu vì sao giữa “thâm sơn cùng cốc” thế này lại có 1 điểm   trường “khang trang”, cô giáo Lò Thị Duyên cười bảo: “Điểm này mới được nhà hảo tâm tặng từ cuối năm 2018, vì thương cảnh cô trò khó khăn, thiếu thốn”.

Lớp học là điểm sáng duy nhất giữa núi rừng Na Chén

Để dựng lên được 2 gian phòng “3 cứng” (khung cứng, nền cứng, mái cứng) này, ngoài số tiền gần 200 triệu đồng được tặng thì người dân và các lực lượng tại chỗ đã phải bỏ nhiều công sức ròng rã suốt gần 3 tháng. “Ở đây ô tô không vào được, nên toàn bộ vật liệu phải chia nhau vận chuyển nhiều chuyến bằng xe máy. Thời điểm xây dựng vẫn là mùa mưa nên có những ngày gần như không thể di chuyển nổi vì đường trơn trượt và nước suối dâng cao. Nên có được cơ ngơi này, bà con trân trọng lắm!”, cô Duyên chia sẻ.

Năm học này, cô Duyên tiếp nhận phụ trách điểm bản Na Chén với 12 trẻ ở các lứa tuổi (từ 18 tháng – 5 tuổi). Những cháu lớn, thường có nền nếp từ các năm trước. Song với các bé lần đầu ra lớp thì cô Duyên phải vất vả hơn nhiều.

“Lúc đầu em thấy mệt thật, nhưng cũng lắm chuyện hài hước. Nhất là lúc điểm danh, dặn đi dặn lại cô gọi tên bạn nào, bạn ấy dạ nghe chưa. Thế mà đến lúc gọi tên một bạn thì cả lớp cũng đồng thành nhắc lại y nguyên tên bạn ấy. Bọn trẻ ở đây chưa thành thạo tiếng phổ thông mà”, cô Duyên nói.

Sau thời gian đầu kiên trì, rất nhiều thói quen không tốt của trẻ dần được thay đổi và đi vào nền nếp. Lần đầu tiên bọn trẻ được cô hướng dẫn rửa đôi chân đầy bùn đất, lau sạch sẽ trước khi bước vào phòng. Cũng là lần đầu tiên xếp bút màu, đất nặn vào chiếc tủ kê ở góc phòng, rồi nằm ngủ trên thảm. Và đặc biệt là lần đầu tiên các em không chạy linh tinh tìm chỗ vệ sinh, mà biết cách đi đúng nơi, đúng chỗ…

Phụ huynh ở Na Chén đến đón và đưa trẻ đến lớp với nụ cười hạnh phúc

“Trăm bề” khó

Vì điểm trường ở cạnh suối, lại giữa rừng nên cứ qua một đợt nghỉ hè, mưa lũ khiến cho lá cây, bùn lầy tràn cả vào trong lớp. Đầu mỗi năm học, cô giáo điểm bản thường phải vào sớm để nhận học sinh rồi tu sửa, tổng vệ sinh một lượt.

Chặng đường vào bản đã không ít thử thách, nhưng từ bản sang trường phải qua con suối rộng chừng vài chục mét. Mùa tựu trường cũng thường là mùa mưa, nước dâng cao, chảy siết vốn đã gây nhiều trở ngại với người dân bản địa. Còn với cô Duyên, mỗi khi nhớ lại lần “chết hụt” vẫn không khỏi hoảng hồn.

“Em mới vào không biết, nên cứ lội qua. Ra đến gần giữa dòng thì nước dâng cao ngang ngực. Em là con gái, yếu nên nước chảy siết cứ như muốn cuốn mình đi, đã cố gắng bấm chân xuống rồi, nhưng trật viên đá thế là cả người trôi theo nước. May mắn hôm ấy bác Bí thư đi cùng, kịp túm được cổ áo em kéo vớt được sang bờ, chứ không em không biết thế nào”, Duyên bộc bạch.

Bao năm nay, người dân Na Chén vẫn quen với lối sống tự cung tự cấp. Họ cũng quen với việc không đường, không điện, không sóng điện thoại, không dịch vụ y tế, không giao thương… nên Duyên vào đây rồi cũng phải “nhập gia tùy tục”.

Lần nào vào trường, cùng với tư trang cá nhân, những thứ cô Duyên không bao giờ cho phép mình quên đó là thực phẩm nấu ăn cho trẻ, nến, dầu để thắp sáng. Thời gian đầu chưa biết, tối nào cô cũng tranh thủ ăn sớm rồi thắp đèn dầu soạn bài. Sau quen dần, công việc này được chuyển sang buổi trưa, tranh thủ lúc các con đã ngủ để hoàn tất. Cũng bởi vậy mà với Duyên, đêm dường như dài hơn rất nhiều.

Cô Duyên tâm sự: “Mặc dù đã được các cô, các chị trong trường dặn dò từ trước, nhưng ngày đầu tiên vào đây em vẫn không khỏi sốc. Em không nghĩ buồn đến thế. Cả ngày có các con thì không sao, sợ nhất khi đêm về, xung quanh chỉ toàn một màu đen đặc quánh, rồi tiếng thú rừng kêu. Mấy ngày đầu em không thể ngủ nổi. Muốn tâm sự với bạn bè người thân cho vơi bớt mà lại không có sóng. Nhiều lúc tủi đến phát khóc”, cô giáo trẻ trải lòng.

Lâu lâu buồn quá, Duyên một mình leo ngược quả đồi phía sau lớp học, lên vị trí cao nhất hứng sóng. Gọi điện về cho gia đình, bạn bè tâm sự, rồi tải vài bản nhạc về máy nghe mỗi lúc một mình. Duyên bảo, ấy thế mà hơn một tháng trôi qua, mọi thứ giờ đã đi vào nền nếp.

Con đường từ trung tâm xã Mường Lói vào bản Na Chén chỉ hơn 10 km, nhưng nếu không mưa phải đi mất gần 2 giờ

Sống giữa tình yêu thương

Nụ cười hiền hậu, và xuất thân từ gia đình nông dân ở vùng cao Tủa Chùa (Điện Biên), cô Duyên dễ dàng nhận được thiện cảm từ người đối diện. Chẳng thế mà bà con ở đây ai cũng coi Duyên như người nhà. Chưa gia đình, chưa người yêu, lại còn rất trẻ với biết bao khát vọng, hoài bão. Thật khó hiểu động lực nào giúp em có thể vượt qua những ngày đầu tiên một mình sống giữa đại ngàn bốn bề thiếu thốn này. Cho đến khi Duyên kể, tôi mới hiểu, ở đây khó khăn không phải là tất cả.

Mỗi ngày Duyên dậy sớm, qua suối để sang dọn dẹp lớp học. Cô bắt đầu đón trẻ từ 7 giờ sáng với nụ cười rạng rỡ. Giờ cô lên lớp, đa phần phụ huynh đi nương, đi rừng. Nhưng sẽ có hai người được cắt cử, thay phiên nhau đến lớp chuẩn bị bữa trưa cho trẻ.

“Ở đây phụ huynh quan tâm đến việc học của con lắm, nên họ ủng hộ giáo viên hết lòng. Thường thì em chỉ việc mang gạo, thực phẩm vào, còn phụ huynh tình nguyện chia ca lên góp sức nấu nướng, chế biến theo hướng dẫn của em. Thậm chí, bà con đóng góp củi, rồi đi rừng lấy được ít măng, xuống suối đánh được mấy con cá cũng mang lên để bổ sung bữa ăn cho các cháu”, cô Duyên kể.

Sau một thời gian quen dần, Duyên không ngủ trên lớp nữa, mà cứ hết giờ dạy cô lại chuyển xuống sinh hoạt và ngủ nhờ nhà dân. Bà con khi thấy cô giáo đến nhà, cũng phấn khởi hơn. Mặc dù theo Duyên kể thì vì bà con còn nghèo nên cô luôn tự mang theo đồ ăn xuống để tự nấu, nhưng bà con không đồng ý. Họ bảo, nghèo thì vẫn nuôi được cô giáo.

Nhận về những tình cảm chân thành ấy, cô Duyên cảm thấy ấm lòng và dần yêu mến, gắn bó hơn với mảnh đất, con người và những đứa trẻ nơi tận vùng biên giới. Những lần sinh hoạt cùng dân, vừa giúp cô vơi đi sự sợ hãi, trống trải. Có người trò chuyện, tâm sự, những đêm dài ngắn hơn và cũng từ đó cô Duyên lại hiểu hơn về cuộc sống, văn hóa, phong tục của bà con.

Có một điều rất lạ ở Na Chén là chiều nào cũng mưa. Cơn mưa rừng như muốn “giữ chân” bất cứ du khách nào ghé thăm. Bởi, thật lòng mà nói, quay lại quãng đường khi vào trong tình cảnh nhầy nhụa, trơn trượt thì quả là thách thức không thể thực hiện với những người lần đầu đặt chân.

May mắn cho tôi hôm đó đi cùng một cán bộ biên phòng, thế nhưng, cô Duyên vẫn phải dặn dò: “Thế thì các anh chị cố gắng chờ mưa tạnh, rồi nán thêm khoảng một tiếng đồng hồ nữa cho đường se lại thì hãy về. Nếu không, có dắt xe cũng không nổi đâu”.

Nguồn https://giaoducthoidai.vn

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Chuyện “băng rừng, vượt cạn” của cô Minh (16/9)
 Đất nước mình tên là gì các con nhỉ? Việt Nam! Việt Nam! (9/9)
 Thầy giáo Hà Tĩnh 'thay áo mới' cho trường học khi đi cách ly tập trung (18/6)
 Ngược ngàn không mong “xuống núi” (16/6)
 Cô giáo mầm non Quảng Trị hiến đất xây trường (11/6)
 Bỏ lại con thơ, mặc chân bầm tím vì ngã xe, cô giáo trẻ ngược núi 'móc ví giữ trò' (9/6)
 Sức mạnh của yêu thương (8/6)
 Nữ Phó hiệu trưởng nêu gương học tập và làm theo Bác (26/5)
 Thầy giáo mầm non đến từng nhà đồng bào hướng dẫn phòng tránh "con Covid" (24/5)
 Cô hiệu trưởng viết phần mềm từ trái tim (11/5)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i