Bảo đảm an toàn tuyệt đối cho trẻ khi đến trường là điều cô Phan Vũ Lan Anh - Hiệu trưởng Trường Mầm non Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đặt lên hàng đầu khi tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ.
Cô Phan Vũ Lan Anh tận tâm bên học trò
Từ tâm huyết và trái tim người đi ươm mầm tuổi thơ... những ý tưởng sáng tạo ra đời.
Phần mềm nhân văn
Trường Mầm non Liên Mạc có nhiều cha mẹ học sinh làm trong khu công nghiệp, thường xuyên phải gửi con ở lớp trả muộn. Bởi vậy, công tác nhận diện người thân để giao nhận trẻ là khó khăn lớn với các giáo viên phụ trách lớp này. Các con đến từ nhiều lớp khác nhau, giáo viên trực trả muộn khó nắm bắt hết, từ kẽ hở đó, kẻ gian có thể lợi dụng để giả danh người nhà đến đón trẻ.
Cô Phan Vũ Lan Anh chia sẻ: Dù chưa xảy ra thất lạc hay bắt cóc trẻ em trong trường nhưng để dự phòng và giúp giáo viên phụ trách nhận diện được đúng người được phép đón trẻ là ý nghĩ luôn thường trực trong đầu tôi. Vì thật khó để nói trước điều gì nếu như công tác quản lý trẻ không chặt chẽ, an toàn. Ý tưởng “Phần mềm quản lý trẻ và trả muộn” ra đời từ trăn trở đó…
Giai đoạn đầu thực hiện, cô Lan Anh xây dựng phần mềm dựa trên ứng dụng Hyperlink powerpoint và Insert Comment trong excel. Phần mềm này giúp giáo viên nhận diện đúng người được phép đón trẻ. Tuy nhiên, ứng dụng này được lưu trên ổ cứng và chỉ được lưu ở máy tính cố định, cũng như file ảnh rất nặng dẫn đến khó khăn và mất thời gian trong quá trình thực hiện.
“Những hạn chế này khiến phần mềm không phát huy hết tác dụng. Tôi đã tranh thủ sự giúp đỡ của một phụ huynh có kiến thức về lập trình, thiết kế nâng cấp phần mềm lên thành trang web thuận tiện, tính ứng dụng cao. Đặc biệt, tất cả máy tính có kết nối mạng hay điện thoại thông minh đều có thể truy cập. Cha mẹ học sinh có thể đăng ký từ 1 – 3 người được phép đón trẻ”, cô Lan Anh cho biết.
Để tránh hacker xâm nhập hệ thống, cô Lan Anh tham khảo ý kiến các chuyên gia để nâng tính bảo mật, bảo đảm hệ thống hoạt động ổn định, tiến tới đăng ký bản quyền cho phần mềm, tối ưu hóa, giúp giữ gìn thông tin an toàn và chính xác. Song song với đó, triển khai tới toàn thể cha mẹ học sinh viết bản cam kết thực hiện quy định đưa và đón trẻ cùng với các quy định trách nhiệm đối với cha mẹ học sinh và giáo viên.
Từ khi “Phần mềm quản lý trẻ và trả muộn” đưa vào vận hành, khó khăn trong khâu nhận diện người đón trẻ được giải quyết triệt để, tạo sự tin tưởng cho cha mẹ học sinh và yên tâm cho giáo viên.
Cô Nguyễn Thị Thanh Thùy - giáo viên Trường Mầm non Liên Mạc chia sẻ: Lớp tôi có 46 trẻ, nhiều cháu là con của gia đình làm công nhân ở các khu công nghiệp. Một số em là con gia đình bộ đội đang đóng quân trên địa bàn và nhiều bạn gia đình làm nông nghiệp. Phần mềm đón trả trẻ của cô Hiệu trưởng Phan Vũ Lan Anh đã giúp ích rất nhiều cho giáo viên trong công tác đón trả trẻ, đặc biệt là lớp trả muộn.
Theo cô Thùy, do nhiều cháu từ địa phương khác đến học, phụ huynh đưa đón trẻ không cố định. Vì thế, việc phụ huynh cam kết người đón trả trẻ giúp giáo viên xác định được người đón, tránh thất lạc trẻ cũng như giúp cả giáo viên và phụ huynh yên tâm hơn.
Cô Phan Vũ Lan Anh luôn truyền cảm hứng cho giáo viên
Nhiệt huyết tạo nên thành tựu
23 năm công tác, trong đó có 11 năm là giáo viên và 12 năm làm công tác quản lý, cô Lan Anh luôn nêu cao tinh thần tự học tập, sáng tạo tìm tòi những điểm mới để mang lại cho học sinh những điều kiện tốt nhất cả về chăm sóc và giáo dục. Tâm đắc câu nói “Lòng nhiệt huyết là que diêm thắp lên ánh sáng của ngọn nến thành tựu” (William Arthur Ward), cô luôn động viên các giáo viên trong trường không ngừng sáng tạo, trau dồi tri thức để phục vụ tốt hơn cho công việc.
Để hỗ trợ cho giáo viên trong hành trình này, cô đã mời các giảng viên về hướng dẫn cho cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, phương pháp tiên tiến. Giáo viên nhà trường được tham gia các lớp tập huấn chuyên đề, các phương pháp giáo dục mới như Montessori, Steam, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy…
Từ lời ăn tiếng nói nhẹ nhàng, đầy trách nhiệm đến những cử chỉ nhỏ nhất trên sân trường như: Tự tay nhặt vỏ hộp, bìa giấy bỏ vào thùng rác, tạo thành thói quen cho mỗi cô giáo, học sinh nhà trường, cô đều quán triệt và gương mẫu thực hiện. Cô còn tham gia thiết kế trồng, chăm sóc, bảo vệ bồn hoa cây cảnh khuôn viên nhà trường; đôn đốc, hướng dẫn mỗi cô giáo, học sinh học theo Bác tiết kiệm sử dụng điện, nước…
Cô đã cùng nhà trường tham gia và đoạt nhiều giải cao trong các hội thi hàng năm, tổ chức nhiều cuộc thi hấp dẫn, bổ ích cho học sinh như: Hội thi Bé khéo tay, Rung chuông vàng... Hội thi thu hút các con cùng tham gia và hình thành cho các con nhiều kỹ năng sống cũng như phát triển về thẩm mỹ và các lĩnh vực nhận thức khác trong cuộc sống, được nhiều phụ huynh nhiệt tình đón nhận.
Trong mắt đồng nghiệp, cô Phan Vũ Lan Anh đã truyền cho các thế hệ giáo viên, nhân viên trong trường nguồn cảm hứng để không ngừng nỗ lực và sáng tạo. Đáng trân quý hơn cả, cô luôn dành cho đồng nghiệp, cán bộ giáo viên, nhân viên trong trường những lời động viên, khích lệ, góp ý chân thành nhất. Đó không đơn giản là quan hệ lãnh đạo với cấp dưới mà là sự sẻ chia của tình bạn, tình đồng chí, cùng phấn đấu vì mục tiêu chung.
Thông tin được cập nhật trên phần mềm, giáo viên chỉ cần check tên và lớp của con là đã xác định được cả họ tên, số điện thoại, chứng minh thư nhân dân và đặc biệt là hình ảnh của phụ huynh đón con… Nhờ đó, cô giáo an tâm trả trẻ còn phụ huynh phấn khởi khi nhà trường thực hiện việc đón trả trẻ khoa học và nghiêm ngặt như vậy. |
Nguồn https://giaoducthoidai.vn