Cảm xúc mầm non
   Giáo viên cắm bản: Ngọn đuốc soi đường đến tri thức
 

Hơn chục năm qua, thời gian như dừng lại ở nơi này. Bởi, điều kiện hạ tầng và cuộc sống của bà con cho đến giờ vẫn đầy khó khăn như thế.

Hạnh phúc khi mỗi ngày đón trẻ đến lớp

Nhưng chúng tôi thì khác, buộc phải tiến lên để những đứa trẻ vốn đã chịu nhiều thiệt thòi nơi đây được dạy dỗ, yêu thương… – cô Quàng Thị Hằng Thu, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Mường Lói trải lòng.

Xe chỉ cài số 1

Tháng 11 ùa về theo những làn sương mờ rét buốt ở biên giới khiến tôi nhớ lời hẹn với một cô giáo mầm non đã từng gặp cách đây chừng 6 năm. Tôi gặp cô trong chuyến thiện nguyện tại xã Mường Lói, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.

Vượt gần 100km từ trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, vít ga trên con đường bê tông lượn vòng ôm eo những sườn núi, tôi đến Trường Mầm non Mường Lói. Đón tôi là cô Hiệu trưởng Tòng Thị Thanh Minh.

Vẫn dáng người mảnh khảnh và thái độ đầy mến khách, cô Minh nói: “Lần này về thăm cô trò ở đây, em thử một chuyến dọc suối Huổi Không nhé. Sẽ vất vả đấy, nhưng may mắn thời tiết mấy ngày vừa qua ủng hộ rồi. Giờ chỉ cần chuẩn bị sẵn sàng về tinh thần, sức khỏe và một tay lái cừ khôi thôi”.

Nói rồi, cô Minh lập tức gọi điện xin “viện trợ” từ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Huổi Puốc. Để chinh phục hành trình “hơn cả tập gym” theo cách nói vui của Thượng tá Hà Đại Trung (Chính trị viên Đồn Huổi Puốc), tôi được bố trí một xế “xịn” là Thượng úy Vàng A Chay (Đội trưởng Đội Vận động quần chúng). Ở đơn vị, Thượng úy Chay có biệt danh “tay lái Trường Sơn”.

Vừa là địa bàn biên giới, Mường Lói còn là xã duy nhất tại Điện Biên có đến 75% (6/8) thôn, bản chưa có điện lưới quốc gia, sóng điện thoại và đường bê tông.

Ngay con dốc đầu tiên từ đồn rẽ vào đường mòn đi bản, xe đã phải cài số 1. Thượng úy Chay nhắc tôi phải bám chặt, kẻo người bật khỏi xe. “Đường này, xe 2 người còn đầm dễ đi, chứ như các cô giáo thường đi 1 mình là xe bốc, dễ trượt ngã lắm”, Thượng úy Chay nói.

Cứ như vậy, hết dốc này lại nối tiếp con dốc khác. Lên liên tục, rồi lại xuống. Những chiếc xe vẫn cài số 1, nhích từng đoạn trên lối mòn đi nương vắt vẻo lưng núi. Thỉnh thoảng, có chiếc xe của dân chạy qua, khói từ bô xe xả ra khét lẹt. Thượng úy Chay vẫn ghì chặt đôi tay cầm lái, bởi theo anh chia sẻ thì không dừng lại được, vì xe dễ trượt bánh mà lăn xuống vực.

Con đường dọc suối Huổi Không mà cô Minh nhắc dẫn đến 3 bản là Huổi Không, Co Đứa và Huổi Chon. Bà con ở đây đều là người Khơ Mú, quen sống dưới thung lũng, nơi gần suối. Cũng bởi vậy mà đi hết đèo dốc thì sẽ đến suối.

Mùa này nước rút, nhưng suối ở đây vẫn ngập già nửa bánh xe. Nhiều đoạn, lòng suối chính là đường, dài hàng trăm mét. Theo Thượng úy Chay, xe vẫn phải cài số 1 và “không được dừng lại” nếu không muốn xe “sặc nước”, chết máy.

Hành trình 80km cả đi lẫn về, tôi không nhớ được số lần vượt đèo, phải lên, xuống những con dốc dựng đứng. Song với tổng cộng 12 lần vượt suối, dù không ngã cũng ướt nửa thân người.

Cô Nhất ở Mường Lói

Cô Mè Thị Nhất là nữ giáo viên trẻ tuổi nhất Trường Mầm non Mường Lói. Năm nay cô 24 tuổi, nhà ở xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai (tỉnh Sơn La) – cách địa bàn đang giảng dạy hơn 200km. Giao thông miền núi vốn đã khó khăn, lại thêm dịch bệnh nên gần 2 năm nay cô chưa về thăm gia đình.

Tốt nghiệp Khoa Tiểu học - Mầm non, Trường Đại học Tây Bắc, cô Nhất về nhận công tác ở Trường Mầm non Mường Lói đến nay đã 3 năm. Mỗi năm, cô phụ trách 1 điểm trường (Tin Tốc, Noong É, Co Đứa) và cả 3 đều được mệnh danh là các bản “nhiều không” nhất.

Cô Nhất nói: “Chẳng biết có phải cái tên nó vận vào mệnh hay không mà tôi có duyên với nhiều “cái nhất” thế không biết. Nhà xa nhất, trẻ tuổi nhất, ngã xe nhiều nhất, hay khóc nhè nhất và cô đơn nhất vì chưa có gia đình lại toàn gắn bó với các bản nhiều không”.

Vượt qua nhiều khó khăn, thử thách những cô giáo mầm non ở Mường Lói vẫn kiên trì “bám bản” vì học trò.

Co Đứa – điểm bản cô Nhất nhận công tác năm nay nằm trên hành trình dọc suối Huổi Không chúng tôi đi. Không chỉ cách xa trung tâm xã (khoảng 30km), đời sống bà con nghèo và khó, mà nơi đây còn nổi danh là bản nhiều không: Không điện, không sóng điện thoại, không đường đúng nghĩa (100% đường đất men theo vách núi).

Ở quê cô Nhất, cũng là địa phương miền núi, song đường đi thôn bản đều được bê tông hóa. Điều kiện cuộc sống khá tốt, nên những ngày đầu lên Mường Lói nhận công tác, cô không khỏi hoang mang.

“Các bản tôi từng dạy đều như ốc đảo. Đến một hộ bán nhu yếu phẩm, tạp hóa cũng không có. Thời gian đầu chưa quen, cứ thiếu trước, hụt sau. Không kết nối được với bên ngoài, hễ chiều xuống tiễn học sinh về nhà là tôi lại ngồi khóc. Mấy lần có ý định bỏ về rồi đấy, mà không đành lòng” – cô Nhất bộc bạch.

Cô Nhất kể, đường vào các điểm bản mà cô từng công tác đều vô cùng hiểm trở, dốc dựng đứng, mà chân thì lại… ngắn quá. Ngồi xe máy chống chân toàn bị hụt, thế nên ngã xe “như cơm bữa”. Mặc dù nhà ở xa, không có người quen nhưng cuối tuần nào cô Nhất cũng phải ra trung tâm xã. Mục đích là để lấy thực phẩm vào nấu ăn cho học sinh.

“Hầu hết tôi toàn phải đi một mình. Mỗi lần ngã như thế, đau lắm mà chỉ biết khóc. Cứ vừa đi vừa khóc. Thế nên mới được mệnh danh là “mít ướt”. Từ lúc nhận công tác, xe máy của tôi đã phải thay hơn chục cái gương. Vì xe đổ là gương vỡ, phải mua cái mới” – cô Nhất giãi bày.

Mặc dù sống trong cảnh nhiều khó khăn vào diện “bậc nhất”, song theo tâm sự của cô giáo trẻ, điều “giữ chân” cô ở lại vùng đất biên giới này chính là sự ham học của bọn trẻ.

Cùng với sự quan tâm của nhiều tổ chức, cá nhân, hiện điểm trường Co Đứa đã cơ bản được đầu tư hạ tầng, vật chất tối thiểu. Một nhà lắp ghép, nền cứng, bể nước, nhà vệ sinh… là nơi hơn chục đứa trẻ hứng khởi đến học mỗi ngày.

Khu lán nhỏ lấy tên “Góc chợ quê”, được giáo viên trong trường tự tay dựng lên từ những tranh tre, nứa lá sẵn có ở bản. Cô Nhất “thổi hồn” cho góc trải nghiệm ấy bằng một ít đồ thổ cẩm mà cô dùng tiền lương để mua và những loại củ quả do bà con trong bản tự trồng cấy.

Mỗi ngày, “Góc chợ quê” đều rộn ràng tiếng cười nói của những “khách hàng” tí hon hào hứng trong vai người mua. Cô Nhất cũng nở nụ cười tươi tắn với vai trò người bán. Dường như, đó là khoảnh khắc duy nhất trong ngày trên khuôn mặt cô giáo trẻ không có giọt nước mắt rơi.

Cô Mè Thị Nhất “thổi hồn” cho khu trải nghiệm “Góc chợ quê” bằng những đồ thổ cẩm mà cô dùng tiền lương để mua và các loại củ quả do bà con trong bản tự trồng cấy.

Chỉ có thể “tiến lên”

Vừa là địa bàn biên giới, Mường Lói đồng thời là xã duy nhất tại Điện Biên có đến 75% (6/8) thôn, bản chưa có điện lưới quốc gia, sóng điện thoại và đường bê tông.

Trong câu chuyện với chúng tôi trước khi rời trung tâm về bản, Chủ tịch UBND xã Lò Văn Siêng ái ngại: “Tôi giữ cương vị Chủ tịch xã này đến nay sang nhiệm kỳ thứ 2. Từ đó đến giờ, tôi không nhớ bao lần chính quyền xã đề xuất, kiến nghị đầu tư điện, đường, viễn thông. Nhưng rồi cũng đành “lực bất tòng tâm” vì có những điều bất khả kháng”.

Cái “vướng” lớn nhất mà ông Chủ tịch muốn nhắc đến đó là giao thông. Mường Lói có những bản cách trung tâm xã đến 40km, đều là đường đất hoặc lối mòn lưng núi. Để kéo được điện lưới vào đến nơi, cần đầu tư rất lớn. Trong khi đó, mật độ dân số thấp, lại sống rải rác… nên đây vẫn là “bài toán khó” của nhiều cấp, ngành. Điện không có, kéo theo hệ thống viễn thông cũng đình trệ và hàng loạt khó khăn trong đời sống của bà con.

Thế nhưng, theo chia sẻ của ông Chủ tịch, bao năm qua trong số những người “bền bỉ” sống chung cảnh khó với bà con bản địa, không thể không nhắc đến các thầy, cô giáo “cắm bản”.

Theo chia sẻ của cô Minh, nhà trường có 225 trẻ theo học. Đa phần là con em người Mông, Thái, Khơ Mú… Bằng nguồn lực của ngành Giáo dục và xã hội hóa, các điểm trường cơ bản đã được cứng hóa. Song ngoài trung tâm và điểm bản Lói thì 6 điểm còn lại đều chung cảnh chưa có điện lưới quốc gia, chưa có sóng điện thoại, cách trở về giao thông.

Vì thế, cô Minh bảo, giáo viên ở các điểm này cô nào cũng có ít nhất ba sạc dự phòng, đèn tích điện năng lượng mặt trời và dự trữ rất nhiều pin. Ấy vậy mà đôi lúc, vẫn có những bữa cơm chiều diễn ra trong bóng tối hoặc việc soạn giáo án bị gián đoạn vì thiếu nguồn sáng.

Khó khăn, cách trở là vậy, song mỗi điểm thường chỉ có một cô và chừng 10 đứa trẻ theo học. Vì đều là các điểm khó khăn, nên để đảm bảo công bằng, nhà trường thực hiện luân chuyển giáo viên hàng năm.

“Năm học này, cô Lường Thị Quyết ở bản Huổi Không; cô Mè Thị Nhất bản Co Đứa; cô Lò Thị Duyên bản Na Chén; cô Lò Thị Quỳnh, Lò Thị Sọn bản Huổi Chon… Các bản khó này thường được giáo viên trẻ, chưa có gia đình hoặc con đã lớn xung phong lựa chọn” – cô Quàng Thị Hằng Thu – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho hay.

Nguồn https://giaoducthoidai.vn

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 20/11 tôi mong xã hội cùng nhìn lại để thấu hiểu và chia sẻ với nhà giáo (19/11)
 Những thầy giáo mầm non vùng cao (16/11)
 Hành trình níu con chữ, chia sẻ yêu thương của cô giáo Nhượng (13/11)
 Trái tim đỏ giữa rừng xanh (26/10)
 Chuyện “băng rừng, vượt cạn” của cô Minh (16/9)
 Đất nước mình tên là gì các con nhỉ? Việt Nam! Việt Nam! (9/9)
 Thầy giáo Hà Tĩnh 'thay áo mới' cho trường học khi đi cách ly tập trung (18/6)
 Ngược ngàn không mong “xuống núi” (16/6)
 Cô giáo mầm non Quảng Trị hiến đất xây trường (11/6)
 Bỏ lại con thơ, mặc chân bầm tím vì ngã xe, cô giáo trẻ ngược núi 'móc ví giữ trò' (9/6)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i