Tâm lý
   Làm gì khi trẻ trộm tiền?
 

Khi phát hiện con lấy tiền trong ví mà không hỏi, lấy thông tin thẻ tín dụng của mình chơi game trực tuyến, nhiều cha mẹ tức giận, thất vọng, tỏ ra không còn tin con.

Huấn luyện viên Carole Banks của Empowering Father - dịch vụ tư vấn, đào tạo làm cha mẹ - nhận định, những cảm xúc này có thể hủy hoại quan hệ cha mẹ và con cái. "Việc trẻ ăn trộm tiền không phải do cách nuôi dạy của bố mẹ. Đó là vấn đề của đứa trẻ và cách thức không phù hợp mà chúng chọn để giải quyết vấn đề của mình".

Khi bắt quả tang con trộm tiền, cha mẹ thường tự dằn vặt mình và tự hỏi mình đã sai ở đâu: "Tại sao con tôi lại làm điều này, tôi đâu có dạy dỗ chúng như vậy?". Theo chuyên gia, thay vì kết luận mọi việc theo hướng tiêu cực, hãy hiểu rằng đây là một hành vi có thể thay đổi được.

Ảnh minh họa: Shutterstock

Với trẻ nhỏ: Hãy từ từ

Có một sự khác biệt lớn giữa trẻ em dưới 6 tuổi lấy thứ gì đó, so với trẻ lớn hơn ăn trộm. Thực sự, trẻ nhỏ chưa có nhận thức rõ được đúng sai về vấn đề này. Bộ não của trẻ chưa phát triển đủ để suy nghĩ về hành vi của bản thân và về người khác.

Do đó, hãy dạy con bắt đầu từ việc lên tiếng đề nghị những gì chúng muốn có, dạy cho chúng sự sẻ chia, thông cảm.

Khi thấy trẻ trộm tiền, dù chỉ là một khoản nhỏ để mua kẹo chẳng hạn, bạn nên dạy con: "Con không nên làm như vậy mà không hỏi ý kiến mẹ". Nếu bạn không muốn khiến con cảm thấy mình là người xấu thì đừng dán nhãn hành động đó là ăn trộm. Thay vào đó, hãy nói rõ rằng việc lấy thứ gì đó mà không hỏi là sai.

Với trẻ từ 9 tuổi trở lên: Hãy nghiêm khắc thu hồi

Nếu con từ 9 tuổi trở lên, lấy đồ của bạn hoặc người khác, bạn nên xử lý vấn đề nghiêm túc hơn.

Nhà trị liệu nổi tiếng James Lehman nhận định: "Cha mẹ cần hiểu rằng con bạn đang suy nghĩ sai lầm để giải quyết vấn đề của chúng. Có thể chúng muốn mua đồ chơi, đồ ăn nào đó mà không có tiền. Chúng lấy tiền của bạn mà không hỏi bởi suy nghĩ giản đơn rằng: Mẹ chắc không để ý đâu".

Do đó, khi bắt gặp con lấy tiền, nên nghiêm khắc nói với con: "Chỉ vì con muốn thứ đó không có nghĩa là con không cần hỏi ý kiến mẹ". Sau khi khiển trách nghiêm khắc, nên hỏi con: "Con nên làm gì lần sau?", để trẻ ý thức hành vi.

Một điều quan trọng nữa là cha mẹ không được cho phép con mình giữ lại những gì chúng đã lấy, tức là chúng không bao giờ được hưởng lợi dưới bất kỳ hình thức nào từ việc lấy trộm của người khác.

Trong trường hợp trẻ lấy đồ từ cửa hàng, nên nghiêm khắc yêu cầu trẻ mang món đồ đó trả lại cho cửa hàng, thay vì phạt chúng bằng cách cấm chúng xem TV, iPad, và vẫn cho chúng giữ món đồ đó. Điều quan trọng là để trẻ trực tiếp đối diện với vấn đề chúng gây ra và tìm cách xử lý nó thay vì trốn tránh.

Sự thật là khi đứa trẻ không bị buộc phải có trách nhiệm, chúng sẽ không bao giờ học hỏi được từ những sai lầm của bản thân.

Khi trẻ vẫn tái diễn hành vi trộm cắp

Nếu con bạn không thể ngừng hành vi xấu, bạn cần tìm ra nguyên nhân khiến điều này lặp đi lặp lại. Quan trọng hơn thế, ngay cả khi lo lắng về tính cách của con, cha mẹ cũng đừng để chúng nghĩ rằng bạn đánh giá chúng là một người tồi tệ. Thậm chí, bạn cần truyền đạt thông điệp ngược lại, để trẻ hiểu rằng bản thân cần sửa đổi và làm điều đúng đắn, vì đó là điều những người tử tế luôn làm. Bạn có thể động viên trẻ bằng cách nói: "Bố/mẹ biết là khó, nhưng bố/mẹ tin rằng con sẽ làm được".

Nguồn https://vnexpress.net

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 6 thói quen 'lạ' thường có ở trẻ thông minh (3/6)
 8 bài học về mối quan hệ bố mẹ nên dạy con cái (31/5)
 Trẻ con dạy người lớn những gì? (27/5)
 Bí quyết giữ sạch nhà cửa khi trẻ hay bày bừa (21/5)
 Khi nào ông bà nên can thiệp vào việc nuôi dạy cháu? (17/5)
 10 bước giúp trẻ làm quen với việc có em (5/5)
 8 mốc vàng không thể bỏ qua trong tuổi thơ của trẻ (26/4)
 Cha mẹ chú ý trau dồi 2 khả năng này, cuộc đời trẻ sẽ khác rất nhiều (24/4)
 25 hoạt động giúp trẻ ngưng dùng thiết bị công nghệ (12/4)
 Điều trị, chăm sóc trẻ tự kỷ (9/4)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i