Bệnh rối loạn tự kỷ ở trẻ em đang có xu hướng gia tăng tại Việt Nam và ngay cả ở Quảng Ninh. Tự kỷ chưa có thuốc chữa khỏi, việc can thiệp sớm, đúng liệu trình, đa trị liệu, phối hợp đa ngành là yếu tố then chốt giúp cho trẻ tiến bộ và hòa nhập.
Tại Quảng Ninh, một số đơn vị y tế và Trung tâm Công tác xã hội của tỉnh đã xây dựng, duy trì các phòng khám, điều trị cho trẻ mắc tự kỷ.
Trung tâm Công tác xã hội tỉnh là đơn vị xây dựng và đưa mô hình trị liệu rối nhiễu tâm trí cho trẻ em vào hoạt động sớm nhất, từ năm 2013. Trong đó, tập trung sàng lọc, chẩn đoán, điều trị cho trẻ mắc chứng tự kỷ. Cán bộ, nhân viên trung tâm đã tham gia sàng lọc, tư vấn và trị liệu cho trẻ tự kỷ tại cộng đồng; truyền thông, nói chuyện chuyên đề về sức khỏe tâm thần, rối nhiễu tâm trí, tự kỷ, nhất là tại các trường học trên địa bàn tỉnh.
Còn tại các đơn vị y tế, các bệnh viện: Sản Nhi Quảng Ninh, Phục hồi chức năng, Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí đã đưa vào hoạt động các đơn nguyên tâm bệnh, phục hồi chức năng, để sàng lọc, chẩn đoán, điều trị cho trẻ mắc chứng tự kỷ. Đơn nguyên Tâm bệnh - Phục hồi chức năng (Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh) được thành lập từ năm 2015 đang điều trị thường xuyên cho hơn 30 trẻ bị tự kỷ/tháng; có từ 15-20 bệnh nhi/ngày đến khám liên quan đến tâm bệnh.
Tại Khoa Vật lý trị liệu (Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh) cũng thực hiện điều trị nội trú cho khoảng 20 trẻ tự kỷ/tháng. Năm 2018, đơn nguyên Tâm bệnh, Khoa Nhi (Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí) được thành lập và trị liệu cho khoảng 30 bệnh nhi mắc chứng tự kỷ/tháng.
Nhân viên y tế Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh điều trị cho trẻ tự kỷ
Điều trị trẻ tự kỷ là một quá trình lâu dài và nhiều khó khăn, cần có sự kết hợp giữa cha mẹ hay người chăm sóc trẻ với bác sĩ, chuyên gia tâm lý, giáo viên chuyên biệt… Qua đó, nhằm giảm thiểu những khiếm khuyết về tương tác, giao tiếp, hành vi và những khiếm khuyết liên quan. Kết quả cuối cùng là giúp trẻ tự kỷ nâng cao khả năng tự lập, tự chăm sóc và sinh hoạt hằng ngày, phát triển những kỹ năng vui chơi, giải trí.
Bác sĩ Đỗ Văn Thắng, Trưởng Đơn nguyên Tâm bệnh - Phục hồi chức năng (Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh), cho biết: Trẻ bị tự kỷ cần được can thiệp sớm trong 5 năm đầu, nhằm kích thích và huy động tối đa sự phát triển của trẻ, làm giảm nhẹ hay khắc phục những khuyết tật của trẻ. Trẻ được trợ giúp để phát triển ngay từ đầu các kỹ năng ngôn ngữ, xã hội, nhận thức để trẻ có cơ hội học tập và có một cuộc sống càng bình thường càng tốt, dễ hòa nhập hơn với cộng đồng.
Điều trị cho trẻ tự kỷ tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh
Việc can thiệp, phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ có thể không dừng lại ở 5 tuổi mà kéo dài tới khi trẻ vào trường phổ thông nếu điều này là cần thiết và có lợi cho trẻ. Do vậy, ngoài điều trị tại các cơ sở y tế, việc quan tâm, chăm sóc trẻ tại gia đình rất quan trọng. Bởi hơn bất cứ ai, cha mẹ có thể gần gũi, tác động tích cực thường xuyên, giúp trẻ tự kỷ tiến bộ.
Theo bác sĩ Thắng, các phụ huynh cần thường xuyên chơi và dạy trẻ mọi lúc, mọi nơi, ít nhất 3 giờ/ngày; nói ngắn, rõ, nhấn mạnh từ chính kèm theo cử chỉ, điệu bộ, tranh ảnh, đồ vật. Trẻ được hướng dẫn tự tập xúc ăn, cầm cốc, đi vệ sinh, mặc quần áo, đi dép và khuyến khích chơi cùng trẻ khác; phụ huynh luôn khuyến khích, động viên, khen ngợi trẻ từ những tiến bộ nhỏ nhất...
Hiện nay, ở Việt Nam có Mạng lưới tự kỷ Việt Nam - VAN (Viet Nam Autism Network), một tổ chức của cha mẹ, gia đình người tự kỷ, bản thân người tự kỷ, các tổ chức, cá nhân quan tâm có các hoạt động liên quan đến người tự kỷ. Các phụ huynh có thể tham gia mạng lưới này để nâng cao năng lực trong chăm sóc, điều trị cho con của mình.
Bác sĩ khuyến cáo, khi phát hiện trẻ có những biểu hiện bất thường về hành vi như ít cười, ít biểu lộ cảm xúc tình cảm với cha mẹ, thích chơi một mình, kém tương tác với những người xung quanh, mối quan tâm bị thu hẹp, hành vi rập khuôn, trẻ quá chậm nói so với tuổi hoặc trẻ bị mất hẳn kỹ năng ngôn ngữ... Đây được coi là dấu hiệu cảnh báo sớm, gợi ý cho cha mẹ và thầy cô giáo nhận diện rất có khả năng trẻ bị mắc chứng tự kỷ, nhất là trẻ trong độ tuổi từ 18-24 tháng tuổi. Phụ huynh cần tìm hiểu và biết rõ về tự kỷ, hiểu rõ về khả năng của con mình để từ đó phối hợp với giáo viên chuyên biệt, bác sĩ, nhà trường và một số chuyên môn khác để giúp con mình trong quá trình điều trị.
Nguồn http://baoquangninh.com.vn