Để chất lượng dạy và học của cơ sở GD mầm non ngày càng đi lên, Sở GD&ĐT Gia Lai sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao trình độ giáo viên. Bên cạnh đó, tăng tỉ lệ huy động trẻ ra lớp, đặc biệt là trẻ DTTS.
Gia Lai đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để nâng cao chất lượng dạy và học
Giáo dục lấy trẻ làm trung tâm
Ngày 17/5, Sở GD&ĐT Gia Lai cho biết, đã có báo cáo kết quả huy động trẻ em đến cơ sở giáo dục mầm non năm học 2020-2021.
Cụ thể, tính đến năm học 2020-2021, toàn tỉnh có 266 trường mầm non, mẫu giáo. Trong đó có 224 trường mầm non công lập, 6 trường mầm non dân lập và 36 trường mầm non tư thục.
Theo Sở GD&ĐT, toàn ngành huy động được 84.011 trẻ trong độ tuổi mầm non ra lớp, trong đó 6.062 trẻ nhà trẻ, 77.949 trẻ mẫu giáo. Tỉ lệ huy động trẻ ra lớp trong độ tuổi đạt 55,8%, trong đó trẻ nhà trẻ tỉ lệ 8,82%, trẻ mẫu giáo tỉ lệ 89,44%.
Riêng trẻ 5 tuổi ra lớp duy trì tỉ lệ 99,89%. Đặc biệt với trẻ người dân tộc thiểu số ra lớp đạt tỉ lệ 44,47%.
Sở GD&ĐT cho hay, hàng năm mạng lưới trường, lớp mầm non được mở rộng đến tận các thôn, làng vùng đặc biệt khó khăn nhằm nâng cao chất lượng dạy và học. Các trường bảo đảm an toàn, xanh, sạch, đẹp và được cải tạo, xây dựng theo hướng giáo dục lấy trẻ làm trung tâm.
Bên cạnh đó, sân vườn ở hầu hết các trường mầm non được cải tạo thiết kế theo các góc hoạt động giáo dục. Qua đó bảo đảm cho trẻ có khu phát triển vận động, khu vui chơi, khám phá, trải nghiệm thực hành bảo đảm an toàn và phát triển cho trẻ.
Không những vậy, 100% các trường mầm non đều có hệ thống phòng cháy, chữa cháy và được tập huấn phòng cháy chữa cháy theo quy định. Đồng thời, hạ tầng công nghệ thông tin, liên lạc được kết nối mạng internet 100% ở các trường.
Tính đến tháng 1/2021 toàn tỉnh có 128/266 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, tỉ lệ đạt 48,12%.
Cũng theo Sở GD&ĐT Gia Lai, trong năm học 2020-2021 toàn cấp học mầm non có 6.375 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Trình độ đào tạo Đại học 2.135, tỉ lệ 44,94%; Cao đẳng 735, tỉ lệ 15.47%. Bên cạnh đó, 100% cán bộ, giáo viên đạt chuẩn hiệu trưởng và chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non theo quy định.
Đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng GD mầm non
Để nâng cao chất lượng dạy và học, Sở GD&ĐT đã tập trung xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển GDMN của tỉnh đến năm 2025.
Theo đó, tiếp tục củng cố, phát triển mạng lưới trường lớp mầm non công lập và ngoài công lập. Phấn đấu đến năm 2025 huy động trẻ nhà trẻ ra lớp đạt tỉ lệ 20% trở lên, trẻ mẫu giáo đạt tỉ lệ 95% trở lên và huy động trẻ em trong các cơ sở GDMN ngoài công lập đạt tỉ lệ 28% trở lên.
Bên cạnh đó, về cơ sở vật chất, trường lớp phấn đấu đến năm 2025 tỉ lệ phòng học kiên cố đạt 70% trở lên. Tỉ lệ trường mầm non đạt chuẩn quốc gia phấn đấu đạt 65%. Ít nhất 65% số trường mầm non được công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục. Bảo đảm củng cố, duy trì nâng cao chất lượng phổ cập GDMN cho trẻ em.
Còn về đội ngũ giáo viên, ngành giáo dục tỉnh Gia Lai phấn đấu đến năm 2025 ít nhất 85% giáo viên có trình độ đào tạo từ Cao đẳng trở lên, 85% tỉ lệ giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp mức độ khá trở lên.
Bên cạnh những hiệu quả đạt được, ngành giáo dục tỉnh Gia Lai cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển GDMN tại địa phương.
Cụ thể, do địa bàn rộng, dân cư thưa, giao thông nhiều nơi đi lại khó khăn, tỉ lệ người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh chiếm khá cao (44,56%).
Ngoài ra, tỉ lệ huy động trẻ nhà trẻ ra lớp thấp chỉ đạt 8,82%, trẻ mẫu giáo có nhiều huyện chưa đạt chỉ tiêu giao vì cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng được.
Không những vậy, toàn tỉnh hiện có 1.030 điểm trường lẻ, nhiều điểm trường cách xa trung tâm, giao thông đi lại khó khăn, nhất là vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới của tỉnh.
Cũng theo Sở GD&ĐT Gia Lai cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học tối thiểu, đồ chơi ở một số cơ sở GDMN chưa đáp ứng. Các khu vệ sinh cho trẻ ở các điểm lẻ còn tạm bợ, thiếu thốn, tỉ lệ phòng học kiên cố thấp. Đội ngũ giáo viên được bổ sung chỉ tiêu hàng năm nhưng thiếu nguồn tuyển dụng do đào tạo trình độ trung cấp, chưa bảo đảm theo quy định của Luật Giáo dục 2019.
Để nâng cao chất lượng GDMN, Sở GD&ĐT Gia Lai cho biết, tỉnh đã ưu tiên ngân sách chi cho các hoạt động của GDMN. Thực hiện đồng bộ các giải pháp xã hội hóa giáo dục, tạo mọi điều kiện thu hút nguồn lực xã hội để khuyến khích phát triển GDMN ngoài công lập ở những nơi có điều kiện.
Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý GDMN. Thực hiện các giải pháp để đảm bảo điều kiện thực hiện chương trình GDMN, phát triển các điều kiện và hoạt động theo các tiêu chí của trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm.
Tuy nhiên, Sở GD&ĐT Gia Lai cũng đề xuất Bộ GD&ĐT ưu tiên các nguồn kinh phí của Trung ương cho các tỉnh Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng để đảm bảo các điều kiện thực hiện Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển GDMN giai đoạn 2018-2025.
Nguồn https://giaoducthoidai.vn