Huấn luyện thế hệ trẻ em yêu vận động, ăn đủ chất và ngon miệng và trở thành nguồn nhân lực cạnh tranh về thể lực, chiều cao, sức bền trong tương lai … là mục tiêu Việt Nam đang hướng tới.
Học sinh chơi trò vận động ngoài trời tại trường Mầm non Sơn Ca
Góp sức hiện thực hóa mục tiêu này, từ tháng 8/2020 đến tháng 5/2021, 20 trường tại 10 tỉnh thành trên cả nước đã thực hiện “Mô hình điểm bữa ăn học đường đảm bảo dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên”.
Trong đó có trường mầm non Sơn Ca (TP Tam Kỳ, Quảng Nam) và trường mầm non Lê Tư Thành (Hưng Hà, Thái Bình).
Không chỉ được can thiệp dinh dưỡng hợp lý theo độ tuổi, các bé còn được hướng dẫn vận động thể chất với thời gian tối thiểu là 60 phút/ngày.
Chơi vui, ăn ngon, trẻ mê tới trường
Những gương mặt bừng sáng niềm vui khi vận động, chơi trò chơi tập thể trên khoảng sân được lát cỏ nhân tạo.
Sự háo hức xếp hàng chờ lấy thức ăn và vẻ ngon miệng của các bé là những hình ảnh ấn tượng được chương trình Vì Tầm Vóc Việt ghi lại tại trường mầm non Sơn Ca (TP Tam Kỳ, Quảng Nam).
Tại đây, giờ học thể chất là những trò chơi, những hoạt động thú vị như nhảy bóng, đi thăng bằng hay những trò chơi cùng bạn như đuổi chạy dích dắc, ném bóng rổ, đá bóng, chạy tiếp sức…
Sau khi đã hoạt động thoải mái, tới giờ ăn, các con được ăn bữa trưa ngon miệng. Những thực phẩm quen thuộc của địa phương được “biến hóa” theo thực đơn của chuyên gia dinh dưỡng thuộc Viện Dinh dưỡng Quốc gia thành các món ăn đa dạng với màu sắc hấp dẫn, mùi vị hấp dẫn giúp trẻ hấp thu tốt, đảm bảo dinh dưỡng lành mạnh phù hợp với sự phát triển của lứa tuổi.
“Từ khi thực hiện mô hình bữa ăn dinh dưỡng, các con tự giác hơn trong việc ăn uống. Các con ngon miệng hơn, ăn uống vui vẻ hơn. Đi học về các con tự ăn rau, tự ăn củ quả chứ không dùng xay và đút như trước”, anh Lê Tuấn Khương, phụ huynh học sinh trường mầm non Sơn Ca cho biết.
Trẻ mầm non khác hào hứng và thích thú khi tới bữa ăn
Cô Phan Thị Thuận, Hiệu trưởng trường mầm non Sơn Ca chia sẻ: “Trước đây, có nhiều trẻ đi học hay mè nheo, hay khóc, không chịu đi học đến nay đã đến trường rất chuyên cần và mong được đến trường”.
Cũng giống như trường mầm non Sơn Ca, học sinh trường mầm non Lê Tư Thành (Hưng Hà, Thái Bình) cũng được vui chơi vận động và thưởng thức những bữa ăn với rất nhiều món ăn phong phú và hấp dẫn hơn trước. Nhìn từ góc độ dinh dưỡng, đó là những bữa ăn cân bằng giữa thịt cá- các loại đạm thực vật và rau xanh, hoa quả.
Mỗi bữa ăn bắt đầu với những kiến thức thú vị về dinh dưỡng, được thầy cô trực tiếp giới thiệu với trẻ. Điều này nhằm kích thích khẩu vị của các bé và giúp các bé nhận biết hôm nay mình ăn món gì, tại sao mình muốn khỏe mạnh thì phải ăn rau, ăn quả, ăn thịt cá, uống sữa…
“Các món ăn đã khác nhiều so với thực đơn trước kia. Bây giờ, các cô cấp dưỡng đã kết hợp rất nhiều loại thực phẩm và những món ăn cũng mới lạ với các con. Chúng tôi cũng học hỏi được rất nhiều từ cách thức sơ chế, chế biến, cách phối hợp thực phẩm, màu sắc kích thích các con cảm thấy ngon miệng", Cô Nguyễn Thị Lập, Phó Hiệu trưởng trường mầm non Lê Tư Thành nói.
Các học sinh mầm non cũng được dạy về các loại rau, rủ, quả và thực phẩm
Bên cạnh đó, các trường mầm non còn thực hiện chương trình sữa học đường và vận động bố mẹ cho các con uống thêm sữa.
Như ở trường mầm non Sơn Ca, bữa sáng phụ huynh tự cung cấp sữa cho trẻ, còn bữa xế các bé được uống một hộp TH true MILK theo Chương trình Sữa học đường, được thực hiện từ tháng 10/2020 - 5/2021.
Nhờ can thiệp cả về dinh dưỡng lẫn vận động, thể trạng của các em học sinh ở trường mầm non Sơn Ca và trường mầm non Lê Tư Thành đã được cải thiện hơn rất nhiều.
“Trẻ nhanh nhẹn hơn, thể chất đảm bảo. Tỉ lệ suy dinh dưỡng ở trường không có. Tỉ lệ suy dinh dưỡng ở đầu vào đầu năm thì có nhưng đến thời điểm tổng kết học kì đã giảm”, cô Thuận cho biết.
Góp sức xây chiến lược dinh dưỡng và luật hóa dinh dưỡng học đường
Các trường thực hiện giám sát thực phẩm trước khi chế biến, khi chế biến, trước khi ăn và lưu mẫu thực phẩm hàng ngày
Nhận xét về mô hình thí điểm ở trường mầm non Sơn Ca ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam cho biết: “Chúng tôi đã đón nhận triển khai chương trình này như là một cơ hội lớn của năm học vừa qua. Chúng ta đã đặt đúng quan tâm tới giáo dục thể chất, đặc biệt là bữa ăn dinh dưỡng cho học sinh. Tôi tin đây là một bước khởi đầu để dự án có thể triển khai rộng ra ở địa bàn của tỉnh và cả nước”.
Theo kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng năm 2019-2020 vừa được công bố, chiều cao nam thanh niên Việt Nam tăng gần 4 cm trong 10 năm qua, tốc độ cao nhanh gần gấp đôi thập niên trước đó.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang đối mặt với gánh nặng gấp ba về dinh dưỡng gồm suy dinh dưỡng thấp còi, thừa cân béo phì và thiếu vi chất dinh dưỡng.
Học sinh uống sữa học đường vào bữa xế
Chính vì vậy, Việt Nam cần xây dựng chiến lược quốc gia cho giai đoạn mới phù hợp với từng nhóm đối tượng.
Những mô hình như “Mô hình điểm bữa ăn học đường đảm bảo dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên” sẽ góp phần cung cấp cơ sở khoa học để xây dựng chiến lược này.
Dựa trên kết quả của mô hình, các nhà khoa học cũng có thêm tư liệu để khuyến nghị các giải pháp can thiệp, cách thức tiếp cận, xây dựng chính sách… để phát triển tầm vóc người Việt.
Tập đoàn TH là đơn vị đồng hành với Bộ GD-ĐT thực hiện “Mô hình điểm bữa ăn học đường đảm bảo dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh và sinh viên Việt Nam”
Ngoài chiến lược can thiệp dinh dưỡng, các chuyên gia cũng cho rằng, Việt Nam nên xem xét luật hóa dinh dưỡng học đường.
Nhờ luật hóa dinh dưỡng học đường từ 1954 mà chiều cao trung bình của thanh niên Nhật Bản đã tăng thêm 10cm, đạt 171cm. Nhật Bản cũng là nước có tỷ lệ béo phì thấp nhất trong số các nước phát triển (dưới 4%).
Mô hình này nằm trong Đề án “Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên để nâng cao sức khỏe, dự phòng bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản giai đoạn 2018 - 2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu năm 2019
Những mô hình điểm như bữa ăn học đường đảm bảo dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên sẽ giúp xã hội nhìn nhận hiệu quả và chung tay đồng hành để sớm thúc đẩy ra đời Luật Dinh dưỡng học đường ở Việt Nam./.
Nguồn https://bnews.vn