Hết tiền song không dám về quê, thi thoảng Mai liên lạc với phụ huynh hỏi thăm học sinh cho đỡ nhớ. Nghe lũ trẻ hỏi bao giờ đi học, cô giáo khóc thầm.
Một tuần qua, sau khi Hà Nội cho học sinh tạm dừng đến trường để phòng Covid-19, Đặng Thị Mai, giáo viên một trường mầm non tư thục ở quận Hà Đông, chỉ quanh quẩn ở phòng trọ, tranh thủ học thêm tiếng Anh và tìm tòi phương pháp dạy để đợi ngày đi làm trở lại. Nhớ học sinh, thi thoảng Mai liên lạc qua Zalo với phụ huynh để hỏi thăm và muốn nghe tiếng nói các con.
Không được đi dạy, cũng không có tiền, Mai không dám về quê xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội vì ở đây có vài F1, em gái cô là F3. Mai lo lắng cho người thân ở quê nhưng bản thân cũng bế tắc. Mỗi tháng Mai được khoảng 5 triệu đồng tiền lương, nhưng kể từ khi dịch bệnh bùng phát vào đầu năm ngoái, trường phải đóng cửa hai cơ sở, lương của nhân viên bị chậm. Để có tiền cầm cự, Mai chỉ dám ứng trước một triệu đồng lương tháng trước. Cô và bạn cùng phòng, cũng là giáo viên mầm non, tiết kiệm tối đa trong mỗi lần đi chợ.
Những lần nghỉ dịch trước, Mai và đồng nghiệp được hỗ trợ tiền ăn trưa 15.000 đồng một người, còn lần này trường chưa có kế hoạch vì còn nghe ngóng tình hình. Cô cũng vài lần thử kinh doanh online song phải nghỉ vì ế ẩm. Hôm trước, Mai đăng tin kiếm việc làm thêm trên Facebook nhưng không ai nhận. "Tôi áy náy khi đi làm gần 10 năm chưa biếu bố mẹ được đồng nào, giờ phải hỏi mẹ giúp đỡ. Nếu kẹt quá, tôi đành nhờ gia đình ở quê gửi tiền xuống", Mai chia sẻ.
Cô giáo 28 tuổi cho hay, hai năm qua dịch bệnh liên miên, trường nhiều lần đóng cửa, nhưng cô chưa từng nghĩ đến chuyển việc khác vì còn yêu nghề. Nếu phải nghỉ lâu và tình hình ở quê đã ổn, cô sẽ về. "Làng Hát Môn có nghề làm giấy, tôi sẽ về phụ gia đình rồi tính tiếp", Mai chia sẻ.
Học sinh mầm non đi học trở lại ngày 11/5/2020, sau ba tháng nghỉ dịch. Ảnh: Giang Huy
May mắn hơn Mai, Thanh Giang, 29 tuổi, có thu nhập thêm nhờ chung vốn với chị họ mở cửa hàng nhỏ bán hàng tiêu dùng xách tay từ Nhật. Cô giáo quê Thanh Hóa có nhiều người thân kinh doanh tại Hà Nội, nhưng yêu trẻ, muốn gắn bó với nghề nên xem kinh doanh như nghề tay trái. Ngoài giờ dạy ở một trường mầm non tại quận Thanh Xuân, Giang bán hàng trên Facebook và cuối tuần lên phụ chị công việc ở cửa hàng. Mấy hôm nay không phải đi dạy, sáng nào Giang cũng lên cửa hàng rồi tối về phòng trọ.
Thu nhập từ kinh doanh không nhiều nhưng cũng giúp cô bớt khó khăn so với đồng nghiệp cùng trường. Giang chưa có gia đình, ăn uống đơn giản, lại ít chi tiêu nên không quá căng thẳng về kinh tế. Bố mẹ ở quê ngày nào cũng gọi điện hỏi thăm con gái nhưng Giang không dám về vì nhà xe hay dừng đón khách ở Hà Nam. Giang lo nhỡ đi cùng chuyến với người mắc bệnh sẽ liên lụy cho cả làng.
Đợt nghỉ dịch đầu năm ngoái, cô về nhà và khi đi làm trở lại phải vay tiền mẹ chi tiêu. Sau vài đợt nghỉ, bố mẹ muốn Giang về dạy tại một trường mầm non công gần nhà, ổn định cuộc sống và lập gia đình. Tuy nhiên, cô xác định đã thoát ly lên Hà Nội lập nghiệp thì phải cố gắng. "Tình hình khó khăn chung nên hiện tôi chỉ còn biết chờ đợi, chi tiêu chắt bóp và cố gắng duy trì cửa hàng", Giang nói.
Nhận thông báo học sinh tạm dừng đến trường từ 4/5, Thanh Cầm, giáo viên mầm non một trường tư thục ở Mỹ Đình, chỉ biết thở dài. Cô đang lo những ngày tới cả gia đình sẽ sống sao với đồng lương ít ỏi của chồng.
Nghỉ phòng dịch đồng nghĩa với việc cô không có khoản lương hơn 4,5 triệu đồng một tháng. Bình thường hàng tháng, nếu con không ốm, thu nhập của vợ chồng Cầm cũng đủ chi tiêu cho gia đình nhỏ. Nhưng hai con của Cầm hay ốm cùng nhau, mỗi lần đi khám hết 700.000-800.000 đồng cả tiền thuốc. Tháng nào các con ốm nhiều, chi tiêu của cả nhà đội lên khiến chưa hết tháng đã hết tiền.
"Nghĩ đến khoản tiền phòng trọ 2,5 triệu đồng/tháng, tiền chi tiêu phòng khi con ốm đau, tôi muốn khóc", Cầm nói.
Đợt nghỉ dịch năm ngoái, mẹ con cô kéo nhau về nhà nội ở Hà Nam nhờ cậy ông bà. Lần này, quê nội có dịch, ba mẹ con ở lại Hà Nội trông nhau. Cô muốn tìm việc làm thêm nhưng không ai trông con và cũng sợ lây bệnh. Cầm thắt chặt chi tiêu tối đa, chỉ mua đồ ăn ăn theo các con. Tối chồng đi làm về, cô mới đi chợ nấu nướng và bớt chút ít để mai ông xã mang đi làm.
Năm ngoái, trường mầm non nơi Cầm làm việc hỗ trợ mỗi giáo viên ít tiền để giữ chân và giúp duy trì cuộc sống. Nhưng trường cũng khó khăn nên chỉ hỗ trợ được 1-2 tháng. Năm nay, cô trông mong vào khoản hỗ trợ này, nhưng hiện chưa có.
"Mọi chi tiêu hàng ngày đều cần đến tiền, trong khi tôi lại chẳng thể kiếm ra. Tôi mong tình hình sớm được kiểm soát để trở lại trường làm việc và có thu nhập", Cầm bày tỏ.
Hôm 4/5, Cầm đến trường cất dọn đồ chơi, cất giường cho khỏi bụi vì không biết sẽ nghỉ đến bao giờ. Nhiều lúc Cầm cũng nghĩ đến bỏ nghề nhưng còn lăn tăn đi làm những việc khác, giờ giấc không ổn định, khó lo cho con cái. "Sau đợt này, tôi chắc phải nghĩ lại", Cầm nói.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, thành phố có hơn 3.220 đơn vị giáo dục ngoài công lập với gần 46.000 giáo viên, nhân viên. Trong đó, giáo viên nhóm trẻ đông nhất khoảng 27.000, mầm non 10.000, tiểu học 2.700, THCS 1.200 và THPT 4.500.
Trong đợt nghỉ phòng dịch đầu năm 2020, 17.580 giáo viên, nhân viên của 1.310 nhà trẻ, trường mầm non, tiểu học, THPT ngoài công lập không được hỗ trợ lương. Trong đó, giáo viên, nhân viên nhóm trẻ chiếm đông nhất - hơn 16.000.
Ngoài ra, khoảng 14.000 giáo viên, nhân viên trường ngoài công lập chỉ được hỗ trợ dưới 50% lương và 14.000 người được hưởng 50% lương.
Nguồn https://vnexpress.net