Khi trẻ ngộ độc thực phẩm, ngừng ngay món ăn, gây nôn càng nhiều càng tốt để thức ăn và độc tố tống hết ra ngoài.
Bác sĩ Nguyễn Đình Qui, Khoa Nội 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết có nhiều cách gây nôn như ngoáy vào họng để gây nôn hoặc uống đầy nước rồi móc họng. Khi nôn sặc lên mũi, phải dùng miệng hút ra ngoài không để trẻ bị sặc dẫn đến tử vong.
Đặt trẻ nằm đầu thấp, đầu hơi nghiêng khi nôn. Lấy khăn lau sạch miệng cho trẻ trong và sau khi nôn.
Bổ sung orezol để bù lượng nước đã mất khi tiêu chảy. Khi trẻ khát nước không nên cho uống nước lọc hoặc nước có ga. Chỉ nên cho bé uống resol, vừa bù lượng nước đã mất, vừa cung cấp chất điện giải cho cơ thể.
Ăn các món cháo loãng nấu với thịt hoặc khoai tây, các loại rau củ giúp tạo khuôn cho phân, giúp bé đi ngoài phân đặc hơn, cải thiện tình trạng mất nước. Bé không muốn ăn cũng không cần quá lo lắng, vì khi bị ngộ độc thực phẩm, bù nước là quan trọng nhất còn ăn uống là thứ yếu.
Bác sĩ Qui khuyến cáo tuyệt đối không được cho trẻ uống thuốc cầm tiêu chảy. Tiêu chảy do ngộ độc thức ăn, không quen ăn những món kỵ nhau... không cần vội uống thuốc ngay, chỉ cần thức ăn được tiêu hóa hết hoặc nôn ra hết là khỏi. Sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
Theo bác sĩ Qui, Tết là thời điểm các loại thực phẩm không bảo đảm an toàn trà trộn vào hàng chất lượng, phụ huynh cần cẩn trọng chọn mua, bảo quản, chế biến để phòng chống ngộ độc. Trẻ em hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên dễ bị ngộ độc khi ăn.
Nguồn VNE