Một tuần nay, mẹ con chị Thu Hiền ở Hà Giang luôn có món chính là "lẩu" vì nấu các món khác, cứ bưng ra là thức ăn lạnh ngắt, khi nhiệt độ ngoài trời chỉ -2 độ.
9 giờ sáng, nữ giáo viên mầm non này mới chui ra khỏi chăn. Mặc ba chiếc áo kín mít cổ, khoác áo phao, trùm cái mũ len sụp xuống tận mắt, chị bước ra ngoài bật nước nóng để vệ sinh cá nhân. Cu An, cậu con trai bốn tuổi thấy mẹ ngồi dậy thì cũng tỉnh giấc nhưng không dám thò đầu ra ngoài, dù vốn rất hiếu động.
Dịp Tết dương lịch, nhiệt độ ở Hà Giang khoảng 3 độ, chị định gửi con về nhờ ông bà ngoại chăm cho đến Tết âm lịch, chứ lên trên này trời rét buốt. Nhưng đến giờ mẹ lên xe ngược Hà Giang, thằng nhỏ ôm vai khóc. Không chịu được, chị bế con theo.
Hai mẹ con lên được hai hôm thì nhiệt độ xuống âm 2 độ C. Khắp nơi đóng băng, trường học cũng nghỉ. Chị Hiền và con trai ba ngày liền không bước chân ra khỏi cửa.
Con trai chị Thu Hiền co ro trong chăn xem điện thoại vì lạnh. Ảnh: Thu Hiền.
Sống ở vùng cao hơn 20 năm, nữ giáo viên hiểu sự khắc nghiệt của giá rét và chuẩn bị khá kỹ nhưng từ ngày có con nhỏ, mọi thứ trở nên chật vật hơn.
Thằng bé sốt li bì hai ngày liền. Bệnh viện ở xa, chị chỉ còn cách ra trạm y tế lấy thuốc, thức suốt đêm để lau người hạ sốt cho con. Đến ngày thứ ba thì cu An tỉnh táo. Nó rét, chẳng muốn chạy nhảy, có mấy con gấu bông, đồ xếp hình chơi mãi cũng chán. Lạnh nên nhà nào cũng đóng cửa im ỉm, thằng bé không có bạn. Cu An quấy khóc, chị Hiền đành trùm chăn cho con ngồi xem máy tính. "Biết là không tốt, nhưng chẳng còn cách nào khác", chị than thở.
Trước đợt rét này, chị Hiền đã chuẩn bị thức ăn dự trữ. Mỗi ngày, đợi đến trưa, nhiệt độ nhích lên đôi chút, chị ra vườn, hái nắm rau rồi nấu cơm cho con ăn. Nhưng đồ ăn nóng hôi hổi vừa bày ra mâm, đã lạnh ngắt, thịt đông lại. Những bữa sau, chị Hiền nảy ra sáng kiến "ăn kiểu lẩu", tức là nấu nồi nước xương, bắc liu riu trên bếp ăn đến đâu, nhúng rau, thịt vào cho nóng.
"Lạnh đến mức có hôm tôi hái rau vào, tay cóng, đặt lên bếp hơ, đến lúc mùi móng tay bị cháy khét lên mới biết", chị nói.
Chị Hiền mặc nhiều lớp quần áo cho cu An, tắm bằng dầu tràm, thoa tinh dầu tỏi đen, uống sữa, nước ấm, ngậm kẹo gừng. Quạt sưởi gần như bật 24/24 nhưng nói chuyện với người quen qua điện thoại, giọng chị vẫn run run vì lạnh.
Sáng 11/12, đang ngủ, mẹ con cô giáo mầm non tỉnh giấc vì lạnh, phòng tối thui. Hóa ra mất điện nên quạt sưởi, chăn điện đều tắt. Cu An chảy nước mũi, run bần bật vì lạnh. Người mẹ vội trùm áo khoác, mua than không khói về đốt sưởi ấm cho con.
Thời tiết rét buốt, lại mất điện, chị Hiền phải mua than về để con sưởi. Chị đặt lon đựng nước vào để hút khí than và mở cửa để phòng thoáng, tránh ngộ độc. Ảnh: Thu Hiền.
Ở Cao Lộc, Lạng Sơn, nơi chị Thu Huyền sinh sống, nhiệt độ không xuống thấp như Đồng Văn, Hà Giang. Tuy nhiên, 7 độ cũng đủ khiến người mẹ trẻ lần đầu phải chăm con nhỏ cảm thấy "khốn đốn". Vài tuần nay, chị cho con sang nhà ngoại ở tạm vì gần chỗ làm hơn. Thằng bé thường xuyên ho sốt, sổ mũi, quấy khóc, trong khi công việc của một bí thư Đoàn xã ngày cuối năm bận bịu.
Để chống rét, chị Huyền mặc hai áo len, hai áo phao, đội mũ, đeo bao tay cho cu Bắp. Buổi sáng, chị thoa dầu tràm, dành 10 phút mát xa từ mặt xuống chân để cơ thể con nóng lên. Buổi tối, mẹ ngâm chân cho con bằng nước muối ấm với gừng tươi.
"Một tuần tôi mới dám tắm cho con một lần, mà lại phải tắm nước gừng để giữ ấm. Ăn cũng trên giường, đi tè cũng mang bô lại tận giường cho cu cậu. Thằng nhỏ nghịch, nên ông ngoại phải cho xem điện thoại mới chịu ngồi một chỗ", chị Huyền nói.
Hà Nội cũng vừa trải qua những ngày nhiệt độ xuống thấp. Ở lớp của con chị Hồng Hoa hơn 30 học sinh thì có nửa lớp nghỉ học. Chặng đường từ nhà chị Hoa đến trường bé Mun chỉ hơn một km nhưng bỗng dài hơn. Sau nghỉ Tết dương lịch, con gái đi học được hai ngày, đến ngày thứ ba, bé sốt cao, phải nghỉ học. Một tuần nay, bà mẹ trẻ nghỉ làm không lương ở nhà chăm con.
Căn hộ 50 m2 lúc nào cũng đóng cửa, bật điện bất kể ngày đêm. Anh Túc, chồng chị Hoa sắm thêm chăn bông, quạt sưởi, đồ chơi để con ở trong nhà, cố gắng tránh xa máy tính, điện thoại. Chị thay quần áo, rửa cho con bằng nước ấm mỗi ngày. Nhưng thay vì vào nhà tắm, ông bố bê chậu nước ấm vào phòng ngủ, đóng chặt cửa, hướng thẳng quạt sưởi vào người con cho đỡ lạnh.
"Hai ngày liền, hầu như lúc nào tôi cũng bật quạt sưởi. Khổ nỗi, quạt tỏa gió nóng lại làm khô da. Thằng nhỏ nẻ môi lại chảy máu. Sốt cao, nhiệt miệng nên loét, đau cứ khóc suốt", chị kể.
Khổ nhất với vợ chồng chị Hoa là Mun không chịu mặc bỉm. Dù ngủ say, bố mẹ mặc vào, nó cũng bật dậy khóc ầm ĩ. Thế nhưng con lại không biết gọi khi buồn đi vệ sinh. Rét mướt, nhưng đêm vài lần vợ chồng con cái lọ mọ thay quần áo, trải lại ga giường để ngủ.
Sáng 12/1, nhiệt độ ở miền bắc nói chung và Hà Nội, Lạng Sơn nói riêng đã bắt đầu nhích dần lên. Chị Huyền dự định từ tuần tới sẽ lại cho con về nhà nội để gần bố. Bé Mun, con gái chị Hoa cũng nhanh nhẹn hẳn lên khi thấy nắng lấp ló ngoài cửa sổ. Chị dự định sẽ cho con đi học vào ngày hôm sau.
Ở Hà Giang, nhiệt độ ngoài trời đã lên 5 độ. Chị Thu Hiền đèo con trai đến trường làm cành đào, cành mai trang trí lớp học. Nếu không có gì thay đổi, bắt đầu từ 14/1, điểm trường lại mở cửa đón học sinh.
"Thời tiết có quyền thay đổi, còn mình buộc phải học cách để thích nghi. Tôi biết từ giờ đến hết năm âm lịch, sẽ còn những trận rét đậm, rét hại khác, nhưng cuộc sống vẫn phải diễn ra, không thể đóng băng mãi được", chị Hiền nói.
Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo, trong những ngày thời tiết lạnh, trẻ em dễ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp, như viêm mũi, viêm họng, viêm amidan, viêm tai giữa.
Để phòng tránh các bệnh cho trẻ nói chung, cũng như các bệnh về đường hô hấp, gia đình nên vệ sinh mũi, họng hàng ngày cho trẻ, giữ ấm nhưng không để cho trẻ nóng quá, cũng như không để trẻ bị nhiễm lạnh.
Khi cho trẻ ra ngoài, cha mẹ nên mặc quần áo ấm, đeo khẩu trang cho trẻ phòng nhiễm lạnh ở mũi, miệng, phổi; quàng khăn ấm, đeo tất tay, tất chân, đội mũ cho trẻ. Nên cho con ăn đủ thịt, cá, trứng sữa, bổ sung vitamin hoặc khoáng chất, ăn rau, hoa quả, uống đủ nước để tăng sức đề kháng. Trẻ dưới 6 tháng nên được bú mẹ hoàn toàn nếu có thể.
Cần để trẻ sống trong môi trường thông thoáng, cửa cần kín tránh gió lùa, phòng ngủ sạch sẽ. Nếu ở trong môi trường không khí bẩn, ô nhiễm, ẩm thấp sẽ làm cho trẻ có nguy cơ cao mắc các bệnh về đường hô hấp.
Nguồn VNE