Các chuyên gia giáo dục trẻ em cho rằng trẻ em gái có ý thức về "cái đẹp" từ rất sớm và việc dùng mỹ phẩm không sai nhưng cần có thêm một số lưu ý.
Diễn viên Trung Quốc Lý Tiểu Lộ gần đây chia sẻ trên mạng xã hội bức ảnh con gái cô tham gia buổi hòa nhạc của trường. Bé gái Giả Vân Hinh, 8 tuổi, được mẹ mặc cho chiếc váy dài xanh la, gương mặt trang điểm đậm. Bé gái ngồi chơi bản nhạc trong phim hoạt hình "Nữ hoàng băng giá" (Frozen) với thần thái "không thua gì người lớn".
Bé gái Giả Vân Hinh trong buổi hòa nhạc tại trường. Ảnh: 163.
Ngay sau đó, nhiều người tỏ ra bất bình về việc người mẹ trang điểm cho con gái quá cầu kỳ như vậy. Đa phần cho rằng, việc ăn mặc cầu kỳ khiến đứa trẻ trở nên thành "bà cụ non", dù mới 8 tuổi.
Nhiều khán giả nói rằng đây không phải lần đầu Lý Tiểu Lộ trang điểm cho con, kể cả bình thường, mỗi khi mẹ con ra phố, cô cũng thường chải chuốt cho con gái và trang điểm cho cô bé khá đậm. Trên trang cá nhân, cô còn có nhiều video hướng dẫn cách trang điểm cho các bé gái, trong đó cô trang điểm trực tiếp trên mặt con. Giả Vân Hinh cũng rất thích thú việc này.
Mạng xã hội Trung Quốc dấy lên tranh cãi xung quanh chủ đề: Có nên trang điểm cho con gái khi bé còn nhỏ? Hai luồng ý kiến được đưa ra, có người nói như vậy là làm hư trẻ, số khác cho rằng trẻ hiện đại là cần học cách làm đẹp từ khi còn nhỏ, để mai sau tự tin, xinh đẹp hơn khi giao tiếp xã hội.
Trên thực tế, yêu cái đẹp là bản chất của phái nữ nói chung. Các chuyên gia tâm lý trẻ em đã chỉ ra rằng, trẻ dần bước vào giai đoạn nhạy cảm về thẩm mỹ từ khi 3 tuổi. Nói cách khác, từ khi 3 tuổi, trẻ đã biết thế nào là đẹp. Từ tuổi này, trẻ hứng thú với mọi điều đẹp đẽ trong cuộc sống, thậm chí có những tiêu chuẩn thẩm mỹ riêng. Nhiều bà mẹ còn tiết lộ họ phát hiện ra con gái lén lấy giày của mình đi thử, hoặc lấy son phấn của mẹ bôi lem nhem lên môi, lên má...
Trong giai đoạn nhạy cảm về thẩm mỹ này, trẻ sẽ cố gắng bắt chước cách trở nên xinh đẹp của người khác, mà đa phần là mẹ. Các bé gái thích tô son, làm móng tay, mặc váy công chúa và đi giày cao gót. Miễn là trẻ không hành động thái quá, cha mẹ nên tôn trọng trẻ.
Vậy cho trẻ trang điểm là đúng hay sai?
Theo ý kiến của các chuyên gia giáo dục trẻ em, không nên có phân định rõ ràng về chuyện trẻ em nên/không nên trang điểm. Như trong trường hợp của gia đình Lý Tiểu Lộ, mẹ bé gái trang điểm cho con khi lên sân khấu là một sự tôn trọng khán giả. Khi tham gia các sự kiện lớn, các hoạt động tập thể, mẹ có thể cho phép, tạo điều kiện cho trẻ trang điểm một chút để bé được nổi bật, xinh xắn hơn. Trong quá trình đó, nên có sự hướng dẫn trẻ để bé hiểu như thế nào là đẹp, như thế nào là phù hợp về thẩm mỹ và an toàn sức khỏe.
Bạn cũng nên cho trẻ thấy tác hại của việc sử dụng hóa mỹ phẩm trên làn da non nớt, dẫn đến da nổi mụn, dị ứng, viêm nhiễm...
Bên cạnh việc chọn thời điểm để cho phép trẻ trang điểm sao cho phù hợp, nên khéo léo cho trẻ hiểu rằng: Sự tự tin vào bản thân quan trọng hơn mỹ phẩm con sử dụng cho khuôn mặt.
Thời đại ngày nay ngoại hình là quan trọng, do đó một số em có ngoại hình không đẹp sẽ tự ti và cố gắng nhiều cách khác nhau để làm đẹp cho mình. Trẻ có thể dùng mỹ phẩm từ sớm, hoặc nghĩ đến phẫu thuật thẩm mỹ. Nhưng tất cả những thứ này liên quan đến diện mạo bề ngoài, trong khi giá trị nội tâm là phần quan trọng không kém. Trong quá trình nuôi dạy, cha mẹ nên hướng cho con thấy rằng đẹp/xấu của một người không chỉ nằm ở vẻ bề ngoài, mà nằm ở trái tim, tâm hồn. Cần dạy trẻ chấp nhận tất cả vẻ đẹp lẫn sự không hoàn hảo của mình từ trái tim. Khi trẻ học cách chấp nhận bản thân, chúng sẽ tự tin hơn, bớt dựa dẫm vào điểm phấn, tô son.
Khí chất của một người làm nên giá trị của người đó chứ không chỉ là ngoại hình. Do đó, cần ý thức cho con cái rèn luyện, tu dưỡng và tạo nên khí chất của riêng mình. Điều này đòi hỏi trẻ có thời gian dài trau dồi, rèn luyện, cùng sự đồng hành của bố mẹ. Trong quá trình đó, cha mẹ không nên thể hiện sự quan tâm thái quá tới hình thức, ngoại hình của con, khiến đứa trẻ vô tình cảm thấy áp lực.
Trẻ em, đặc biệt là bé gái yêu cái đẹp vốn không có gì sai. Khuyến khích và hỗ trợ trẻ nhìn nhận cái đẹp, theo đuổi cái đẹp và trau dồi thẩm mỹ cho trẻ là một bước thiết yếu trong giáo dục gia đình hiện đại.
Nguồn VNE