Giáo dục trẻ
   Cha mẹ nên làm gì khi con nghiện điện thoại?
 

 

Vừa về đến nhà sau buổi học, Nguyễn Thu Hà, 8 tuổi, cởi vội giầy, vứt cặp xuống đất, chạy vào vòi mẹ: "Cho con điện thoại".

 

Cảnh tượng trên diễn ra mọi ngày trong căn hộ ở một chung cư thuộc quận Thanh Xuân. Cầm điện thoại thông minh trên tay, cô bé mải mê xem các đoạn video và chơi game đến nỗi không nghe thấy tiếng gọi ăn cơm của mẹ, người lớn nặng lời mới phụng phịu bỏ chiếc máy xuống.

Để mau chóng ra chơi điện thoại tiếp, Hà cố ăn thật nhanh "như thể chỉ nuốt chứ không nhai", nhiều hôm chỉ năm phút là xong bữa. Đứng dậy, cô bé tám tuổi không dọn bát đũa như lời bố mẹ dặn mà bỏ lại trên bàn, vội vàng chạy đến chiếc smartphone. Bố mẹ giục đi tắm, Hà cũng kỳ kèo: "Cho con chơi 5 phút nữa thôi" nhưng lần nào, "5 phút" ấy cũng kéo thành nửa tiếng.

Tổng cộng thời gian sử dụng thiết bị điện tử của Hà lên tới 3- 4 tiếng mỗi ngày, cuối tuần còn nhiều hơn, vượt xa mức khuyến cáo của các chuyên gia y tế là tối đa hai tiếng mỗi ngày với trẻ 2-10 tuổi. Sợ con "nghiện" điện thoại, mẹ Hà là chị Trần Minh Thúy giảng giải cho con rằng sử dụng quá nhiều thiết bị điện tử không tốt, thậm chí đưa cô bé đọc những bài báo viết về mặt trái của smartphone. "Chuyện đó chỉ có ở nước ngoài", Hà cãi.

Chị Thúy cố gắng đưa con đi tập thể dục nhưng chỉ chạy bộ được 10 phút, Hà đã than mệt, đòi về. Ra công viên, cô bé cũng không ngắm cảnh mà "chăm chăm lục điện thoại trong người bố mẹ". Không biết làm thế nào, chị Thúy đến xin lời khuyên của Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Thành Nam, chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Thu Hà không phải trường hợp trẻ "nghiện" điện thoại duy nhất ông Nam từng gặp. Thực tế, tình trạng trẻ bị phụ thuộc thiết bị điện tử, bao gồm điện thoại, máy tính bảng và tivi rất phổ biến.

Theo ông Nam, có hai nguyên nhân chính khiến trẻ nhỏ "nghiện" thiết bị điện tử. Thứ nhất, con cảm thấy cuộc sống thực không thú vị bằng những cái con xem trên điện thoại. Thứ hai, con thiếu kỹ năng.

"Muốn thấy cuộc sống thực thú vị thì phải có kỹ năng", vị phó giáo sư phân tích. "Ví dụ, nếu chỉ nghe bản nhạc Phiên chợ Ba Tư, trẻ chỉ thấy vui tai. Để thấy thú vị đến mức bỏ điện thoại xuống, trẻ phải hiểu được bối cảnh, câu chuyện đang diễn ra trong bản nhạc".

Đôi lúc, chính bố mẹ cũng góp phần làm con "nghiện" điện thoại. "Khi đứa trẻ tập trung vào thiết bị điện tử, người lớn thoải mái vì không bị làm phiền", chuyên gia nói thêm.

 

 

Ảnh: freepik.

 

Ông Nam khẳng định ngày nay, phụ huynh không nên cấm con sử dụng thiết bị điện tử. Một đứa trẻ, nhất là từ 10 tuổi trở xuống, luôn luôn phải làm điều gì đó, nếu không sẽ khó phát triển trí thông minh. Chưa kể, trong giai đoạn Covid-19, trẻ biết dùng thiết bị điện tử để tham gia các hoạt động trên mạng xã hội ít bị cô đơn, lo âu, trầm cảm hơn những em hoàn toàn tránh xa smartphone. Vấn đề ở chỗ bố mẹ cần biết cách giúp con cân bằng giữa cuộc sống thực và thời gian sử dụng điện thoại.

Ông Nam gợi ý, bố mẹ có thể cho con một thời lượng chơi "miễn phí" và mở ra cơ hội "thưởng thêm". Ví dụ, trường hợp của bé Hà, chị Thúy có thể cho con chơi 1,5 tiếng "miễn phí" và mỗi việc nhà con giúp bố mẹ sẽ được quy đổi thành 15 phút dùng điện thoại. Tuy nhiên, chỉ cho con quy đổi tối đa hai lần một ngày. Lưu ý, phụ huynh nên sử dụng các ứng dụng tính giờ, kết thúc thời gian chơi điện thoại theo thỏa thuận là tự động khóa thiết bị để đảm bảo tính khách quan và công bằng.

Sau khi thiết lập nguyên tắc dùng điện thoại ở nhà, người lớn cần dành thời gian ở bên con, hướng dẫn con các kỹ năng và hoạt động mới. "Muốn trẻ thích cái gì thì bố mẹ phải dạy con", phó giáo sư Nam nhấn mạnh. "Như khi nghe bản nhạc Phiên chợ Ba Tư, bố mẹ hãy giải thích cho con đoạn nào là tiếng bước chân lạc đà, đoạn nào là công chúa bước vào".

Bên cạnh đó, bố mẹ không nên lấy những điều mình muốn con làm tốt trở thành hình phạt với trẻ, ví dụ khi con bị điểm kém thì bắt con luyện viết chữ. "Đừng để trẻ ghép cặp bị phạt - đánh đàn, bị phạt - luyện viết bởi con sẽ mất hứng thú, ngày càng không thích mọi thứ xung quanh", chuyên gia khuyến cáo.

Bố mẹ cũng đừng tiếc lời khen với con. Khi thấy trẻ làm tốt điều gì đó, phụ huynh hãy đến tận nơi, vừa nhìn vào mắt trẻ vừa khen một cách cụ thể, khen xong có động chạm như ôm hoặc vỗ vai con. Như vậy, trẻ sẽ được khuyến khích lặp lại những hành động tốt ấy.

"Chúng ta có xu hướng thích làm những gì khiến mình vui. Đứa trẻ sẽ sẵn sàng nhận những việc khó nếu như nhận được sự chú ý và lời khen", ông Nam nói.

 

Nguồn VNE

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Rối loạn tâm thần tuổi học đường (25/11)
 Đọc nhật ký "Khi tôi lên 2", cha mẹ sẽ hiểu vì sao con mình cứ hở tí lại lăn ra ăn vạ kinh khủng thế (25/11)
 Thuê gia sư luyện thi trên Zoom cho con vào mẫu giáo (19/11)
 Sáu cách khuyến khích trẻ nói lên suy nghĩ (19/11)
 5 cách để cải thiện khả năng tập trung cho trẻ (19/11)
 Những điều tưởng có hại nhưng lại tốt cho trẻ (19/11)
 Hễ thấy mẹ đi làm về là bám lấy không rời, mẹ đừng vội ôm con ngay mà hãy làm việc này, bé sẽ ngoan hơn (10/11)
 Muốn trẻ trở thành những người biết yêu thương, cha mẹ hãy dạy con 3 nguyên tắc này trước năm 7 tuổi (4/11)
 Dấu hiệu trẻ bị khuyết tật học tập (4/11)
 Cách xử lý khi trẻ hay nghe trộm (4/11)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i