Bạn nên đặt ra một số quy tắc, ví dụ nếu cửa phòng đang đóng, trẻ không áp tai nghe trộm hoặc cần gõ cửa trước khi vào.
Nghe trộm là thói quen của nhiều đứa trẻ. Tuy nhiên, có những cuộc trò chuyện của người lớn mà bạn không muốn trẻ biết.
Một bà mẹ hơn 40 tuổi tại Mỹ có ba đứa con từ 10 tuổi trở xuống. Gần đây, khi cô và chồng tranh luận gay gắt và chỉ ít ngày sau, con trai bắt đầu hỏi bố mẹ một số câu hỏi bất thường. Lúc đó, cô nhận ra cuộc trò chuyện giữa mình và chồng không còn riêng tư nữa. Khi đứa trẻ bắt đầu nghe trộm và thu thập thông tin từ những cuộc trò chuyện của người lớn, đó là lúc việc nuôi dạy con cái trở nên khó khăn hơn.
Tại sao trẻ em nghe lén?
Khi ở độ tuổi 9-10, trẻ bị thu hút bởi thế giới của người lớn. Chúng tò mò và cố gắng theo dõi cách bạn làm việc và nói chuyện. Việc này giải thích tại sao đối với nhiều đứa trẻ, nghe lén chỉ là hành động cho thấy trẻ đang cố gắng tìm hiểu về cuộc sống của một người lớn.
Tiến sĩ Samantha Rodman, nhà tâm lý học lâm sàng ở Maryland, Mỹ, cho biết trẻ muốn tìm hiểu về thế giới, cách người lớn suy nghĩ và cảm nhận. "Về cơ bản, trẻ muốn tìm cách trở thành người lớn", bà nói.
Ảnh: Shutterstock
Cách ngăn trẻ em nghe trộm
Mặc dù có tính hiếu kỳ và tò mò, trẻ em vẫn không phù hợp với những câu chuyện của người lớn. Việc nghe lén có thể khiến trẻ biết được những câu chuyện không phù hợp với lứa tuổi, thậm chí lo lắng.
Để giải quyết việc này, bạn nên dạy trẻ về quyền riêng tư. "Bạn cần nói với trẻ rằng: Con có thể gặp bố mẹ khi có điều gì thắc mắc. Mọi người đều xứng đáng có được quyền riêng tư khi trò chuyện với bạn bè hoặc những người xung quanh", tiến sĩ Rodman nói.
Bạn nên đặt ra một số quy tắc cơ bản, chẳng hạn nếu cửa phòng ngủ đang đóng, trẻ không nên áp tai vào cửa nghe trộm. Ngoài ra, trước khi vào phòng, trẻ cần biết gõ cửa. Về phía bạn, bạn cũng nên cẩn trọng hơn mỗi khi cần nói chuyện riêng tư. Bạn có thể di chuyển vào phòng kín và khóa cửa, nói với một âm lượng nhỏ hoặc vào thời điểm trẻ không có mặt ở nhà.
Biến việc nghe lén trở thành một bài học
Bạn cần nhớ, giao tiếp cởi mở có thể giải tỏa được nhiều hiểu lầm. Để xác định trẻ có nghe trộm hoặc đang băn khoăn điều gì hay không, bạn có thể chủ động đặt câu hỏi. Tiến sĩ Lindsay Weisner, nhà tâm lý học lâm sàng người Mỹ, cho biết trong bối cảnh Covid-19, trẻ sẽ có nhiều thắc mắc hơn bao giờ hết. Khi trẻ đến tìm bạn để giải đáp thắc mắc, hãy cố gắng trả lời hết mọi câu hỏi. Một khi trẻ được giải đáp thỏa đáng, việc nghe lén sẽ được hạn chế hoặc gạt bỏ vì với trẻ, điều này không còn cần thiết khi đã hiểu mọi chuyện nữa.
Những cuộc trò chuyện này còn giúp bạn có sự tương tác lành mạnh, gần gũi với trẻ. Bạn không nên quát mắng vì nếu không nghe lén những điều không phù hợp từ bạn, chúng vẫn có thể nghe từ anh chị hoặc những người khác.
Trong trường hợp trẻ vẫn lặp lại việc này khi lớn hơn, cách xử lý của bạn cũng cần nghiêm khắc và rõ ràng hơn. Nếu trẻ có thêm một số hành vi bất thường khác, bạn nên chia sẻ vấn đề với chuyên gia để có các giải quyết phù hợp.
Nguồn VNE