Suy nghĩ "trẻ 2 tuổi chưa thể nhớ được nhiều đâu, cứ đợi đến 6 tuổi rồi hãy học" là hoàn toàn sai lầm và sẽ làm mất đi khả năng tự nhiên của trẻ. Đó là quan điểm người Nhật dạy con từ sớm.
Để trẻ vận động và đi bộ thật nhiều
Năng lượng bên trong của trẻ sẽ phát huy hoàn hảo khi các giác quan, kỹ năng vận động và ngôn ngữ được kích hoạt ngay sau sinh. Từ một tuổi rưỡi trẻ cần đi bộ với quãng đường dài nhất có thể. Bế ẵm, ôm ấp hay để con ngồi xe đẩy, ô tô cả ngày sẽ làm mất khả năng di chuyển.
Ở tuổi lên 2, trẻ luôn muốn vận động, chân tay và cơ thể chúng không chịu ngồi yên. Nếu bị kiềm chế sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển của con. Khi được thúc đẩy đúng cách, trẻ có thể phát triển những khả năng thể chất đáng kinh ngạc. Vì thế, từ khoảng 2 tuổi, người Nhật dạy con đi bộ như một bài tập hàng ngày. Đây cũng là một cách giúp trẻ phát triển trí não.
Từ khoảng 2 tuổi, người Nhật dạy con đi bộ như một bài tập hàng ngày. (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên đi bộ trên đường bằng phẳng không phải là một ý kiến hay. Bạn nên để con đi trên những con đường gồ ghề một chút hoặc tập lên xuống cầu thang... Bạn có thể đứng ở xa ném bóng và để con tự bắt. Đầu tiên, bé sẽ chạy theo quả bóng, sau đó chúng sẽ học được cách quan sát mục tiêu và tìm ra con đường ngắn nhất đến đó.
Giai đoạn nhạy cảm nhất để phát triển ngôn ngữ
Trẻ 2 tuổi có nhu cầu vận động cũng như giao tiếp. Đặc biệt ở giai đoạn bập bẹ học nói lúc bắt đầu 2 tuổi, nhưng đến hai tuổi rưỡi có vẻ như nó biến mất. Vì thế thời điểm từ 2 đến 2,5 tuổi là giai đoạn quan trọng nhất. Cha mẹ cần hiểu rằng, đây là mốc quan trọng nhất để phát triển ngôn ngữ trong cuộc đời trẻ.
Người Nhật dạy con bằng cách nói chuyện với con giọng chuẩn như giao tiếp với người lớn. Ở thời kỳ này, các trò chơi ngôn ngữ nên được khuyến khích. Có rất nhiều cách để chơi. Ví dụ: hỏi chúng "Na có biết trong phòng tắm có đồ gì màu đỏ không?", hay hỏi con tên của những đồ vật có màu đỏ trong nhà mà chúng biết.
Khi trẻ được 2 tuổi, bạn nên mua cho con các loại sách có hình ảnh. Không chỉ xem tranh, bạn nên đọc to phần nội dung để bé nghe. Nếu chúng hào hứng có thể đọc nhiều sách cho con nghe mỗi ngày.
Đọc sách ảnh là một gợi ý không tồi, tuy nhiên đọc thơ con còn tốt hơn cho trẻ 2 tuổi phát triển trí não. (Ảnh minh họa)
Bạn nên dạy con về mối quan hệ nguyên nhân kết quả. Viện nghiên cứu ngôn ngữ cho biết trẻ 2 tuổi rất thích những từ mang nội dung nguyên nhân và kết quả. Rất đơn giản thôi, ví dụ, tay con sẽ bị bỏng khi sờ vào bếp lửa khi đó hãy nói với chúng "Đừng sờ vào bếp nhé, vì con sẽ bị bỏng đó".
Nhiều bà mẹ thường nói với con "Bếp lửa thật xấu tính, làm Na bị bỏng", hoặc khi con bị kẹt tay vào cánh cửa, các mẹ lại dỗ dành "Cánh cửa hư quá, để mẹ phạt bạn ấy". Làm như vậy khiến trẻ không nhận biết được mối quan hệ nhân - quả, do đó chúng sẽ không hiểu bản chất sự việc.
Như đã đề cập, trẻ 2 tuổi có khả năng học hỏi ngôn ngữ tốt nhất. Đọc sách ảnh là một gợi ý không tồi, tuy nhiên đọc thơ con còn tốt hơn. Thơ chính là công cụ tuyệt vời nhất để dạy con về tình yêu ngôn ngữ và vai trò của chúng. Ở tuổi này, bạn không cần phải sắp xếp câu đúng trật tự hoặc giải thích ý nghĩa của nó, chỉ cần đọc đi đọc lại nhiều lần để trẻ nhớ.
Nắm bắt đúng thời điểm và khuyến khích con là bí quyết dạy con hiệu quả
Tự rửa tay, thắt dây giày, cài cúc áo... Hãy để con thực hành những kỹ năng này mặc dù sẽ cần nhiều thời gian. Càng dành nhiều thời gian dạy con từ bây giờ bạn càng nhàn về sau.
Từ 2 tuổi trẻ có thể làm việc nhà. Lau bàn, lấy đồ vật... có rất nhiều việc vặt trong nhà phù hợp với bé. Đừng quên khen ngợi con sau khi chúng hoàn thành công việc. Việc này rất quan trọng để giúp trẻ tự tin hơn.
Kể cả khi con làm chưa tốt, vẫn nên có sự khuyến khích. Nhờ thế chúng sẽ tự tin để làm tốt hơn lần sau. Bảo con làm đi làm lại, bắt lỗi trước mặt là cách dạy kém hiệu quả nhất. Tuyệt đối không nên chê bai. Những bà mẹ thiếu sót thường cư xử với con như: bắt chúng làm quá khả năng, làm chúng xuống tinh thần với những câu nói như "ai cũng có thể làm việc đó" hoặc "không ai hành động ngu ngốc như con".
Ở thời kỳ này, bạn phải dạy con cách sử dụng tay thành thạo. Không biết cách dùng tay có thể hạn chế khả năng phát triển của trẻ. (Ảnh minh họa)
Khi trẻ 2 tuổi, dạy chúng cách sắp xếp mọi thứ gọn gàng. Để đồ lên kệ trong tầm với. Đặt đồ chơi đúng nơi quy định. Chia các vị trí theo màu sắc ở khu vực cất đồ chơi. Dán màu tương tự lên đồ chơi, trẻ sẽ để đúng chỗ qua việc nhận biết màu sắc. Dọn đồ chơi không phải là nhiệm vụ của mẹ. Bạn cũng có thể dạy con qua trò chơi thứ tự "Đặt quả bóng lên kệ, để búp bê lên bàn cho mẹ". Như thế, chúng sẽ biết cách cất đồ đúng chỗ.
Ở thời kỳ này, bạn phải dạy con cách sử dụng tay thành thạo. Không biết cách dùng tay có thể hạn chế khả năng phát triển của trẻ. Dạy trẻ dùng đũa từ 2 tuổi.
Cho trẻ 2 tuổi chơi đất nặn cũng là một trong những cách rèn luyện đôi bàn tay khéo léo.
Diễn tả hộ suy nghĩ của trẻ
Mọi người thường nói "trẻ 2 tuổi thật khó hiểu". Hiện tượng này xuất hiện và kéo dài từ 4-6 tháng được gọi là thời kỳ chống đối đầu tiên của trẻ.
2 tuổi, bắt đầu giai đoạn tự lập, trẻ muốn tách khỏi bố mẹ và tự xoay sở mọi việc. Vì thế khi người lớn nói "không", chúng phản kháng ngay lập tức. Khi muốn làm gì mà không được phép, chúng trở nên giận dữ. Đôi khi bé dậm chân, nhảy lên, cuộn tròn người trên sàn nhà như một cách biểu tình. Đó là dấu hiệu của sự không hài lòng.
Khi trẻ khóc, hãy đặt mình vào vị trí của con, và dạy chúng cách thể hiện ý kiến. Nếu bạn chỉ la mắng "tại sao con khóc", sẽ rất khó cho cả hai để vượt qua giai đoạn này. Nếu chúng có thể diễn đạt suy nghĩ và cảm nhận của mình bằng lời, mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn.
2 tuổi, bắt đầu giai đoạn tự lập, trẻ muốn tách khỏi bố mẹ và tự xoay sở mọi việc. (Ảnh minh họa)
Trẻ 2 tuổi có trí nhớ thiên tài
Trẻ phát triển chóng mặt ở giai đoạn 2-3 tuổi. Những gì chúng học được lúc đó phản ánh thái độ học tập sau này, và đây là điều không thể thay đổi. Giai đoạn 2 tuổi, nếu được dạy tốt những điều cơ bản, trẻ sẽ rất nổi bật. Nếu thiếu sự hướng dẫn hay chỉ để con chơi chúng sẽ đánh mất tiềm năng tự nhiên mà bạn không nhận ra.
Trẻ 2 tuổi có trí nhớ thiên tài. Nếu cha mẹ thúc đẩy đúng cách, bé sẽ duy trì được khản năng ghi nhớ rất tốt. Và ngược lại, trẻ gặp khó khăn nhớ công thức toán học khi bước vào lớp sáu nếu cha mẹ không giúp con rèn luyện từ nhỏ.
Vì thế ở tuổi lên 2, bạn cần giúp con phát triển trí nhớ nhiều nhất có thể. Ví dụ như: học cờ của các nước, các loại xe ô tô, các loài hoa... Chúng rất hữu ích cho việc phát triển năng lực của con.
Nguồn NhịpSongViet