TL được mẹ đưa đến Khoa Sức khỏe Vị thành niên với lí do trẻ học hết kì I lớp 6 với điểm số học tập giảm rõ rệt. Trẻ nhận kết quả học tập trung bình, đặc biệt học kém 3 môn Toán - Văn - Anh. Sau buổi họp phụ huynh kì I, mẹ về đã kiểm tra sách vở của trẻ thì nhận thấy tất cả các môn học trẻ đều không viết bài và nếu có viết cũng không đọc được. Sách giáo khoa trẻ vẽ hình người kỳ quặc.
Ở nhà, trẻ không giao tiếp, tìm cách lẩn trốn ánh mắt và sự trò chuyện người thân. Trẻ luôn ở trong phòng cả ngày, trẻ xem tivi hoặc điện thoại không để ý đến người thân. Mẹ đã thấy rất nhiều thẻ nạp tiền trong phòng ngủ và phòng học của trẻ. Người mẹ đã rất sốc khi phát hiện ra những điều này. Trong cơn nóng giận, mẹ đã mắng chửi trẻ trong suốt 2 giờ liên tiếp, TL chỉ im lặng và khóc. Người mẹ bất lực không biết phải làm thế nào với con.
Thông qua một số lời giới thiệu, mẹ biết tới khoa Sức khỏe Vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương. Mẹ mong muốn được gặp các bác sĩ và các nhà tâm lý để hiểu lý do vì sao TL từ một học sinh giỏi 5 năm liên tục ở cấp tiểu học mà ngay từ năm học đầu tiên của cấp II trẻ đã có sự thay đổi rõ rệt như vậy.
Trong quá trình đánh giá và làm việc với trẻ tại Khoa Sức khỏe Vị thành niên, chúng tôi nhận thấy trẻ có lo âu và rối loạn hành vi chạm ngưỡng. Trẻ cũng chia sẻ với nhà tâm lý về những khó khăn trong quá trình giao tiếp và học tập của mình tại trường như sau:
Về mối quan hệ bạn bè, ở lớp trẻ có sự chia bè phái và nói xấu nhau, trẻ không có bạn thân, trẻ thấy khó khăn để có thể tham gia các trò chơi cùng với các bạn trong lớp. Những người bạn mà trẻ thường chơi ở tiểu học đã học lớp khác, điều đó dẫn đến sự khó khăn để có thể tương tác, vui chơi cùng nhau. Dần dần, thay vì vui chơi cùng các bạn vào giờ ra chơi, TL lựa chọn ngồi một mình tại chỗ. Từ đó, mối quan hệ của TL và các bạn trong lớp ngày càng tệ hơn.
Về vấn đề học tập, chương trình học ở cấp THCS có nhiền sự khác biệt hơn so với cấp tiểu học. Số lượng các môn học tăng lên, mỗi một môn có một giáo viên riêng dẫn đến việc giáo viên thay đổi liên tục sau mỗi giờ học. Đồng thời, số lượng môn học nhiều yêu cầu trẻ phải viết nhiều hơn, tốc độ viết nhanh hơn so với trước và trẻ chưa thích nghi kịp với những yêu cầu này.
Lượng kiến thức trẻ cần học cũng nhiều lên rõ rệt, số lượng bài tập về nhà trẻ cần hoàn thành cũng nhiều hơn trước. Trẻ cảm thấy rất khó khăn để có thể cân bằng việc chép bài đầy đủ và nghe được hết những kiến thức thầy cô giảng. Từ đó, kết quả học tập của trẻ cũng không thể duy trì tốt như trước.
Về vấn đề gia đình, mẹ TL vừa sinh em bé thứ 2, mọi người trong gia đình đều dành thời gian để chăm sóc em bé. TL từ một đứa trẻ được các thành viên trong gia đình quan tâm thì bây giờ ít khi được mọi người dành nhiều thời gian cùng vui chơi, quan tâm trẻ như trước. Từ đó, TL dần dần cảm giác mình bị bỏ rơi.
Cuối cùng, thay vì học tập, trẻ lựa chọn chơi game và xem tivi để bản thân cảm thấy thoải mái hơn. Chơi game cần nạp tiền vào tài khoản để tăng tính hấp dẫn, kích thích cho người chơi, trẻ quyết định dành tiền ăn sáng mà bố mẹ cho để mua thẻ nạp tiền game. Theo trẻ, những lúc chơi game, trẻ thấy rất vui, nhất là khi trẻ dành được chiến thắng vì khi chiến thắng trẻ có thể được tiền.
Sau quá trình trị liệu cá nhân kết hợp với trị liệu gia đình (có trẻ và bố mẹ trẻ) tại Khoa Sức khỏe Vị thành niên, TL tìm lại được chính mình, hứng thú trong học tập và có thể chia sẻ với bố mẹ về những vấn đề của bản thân. Bên cạnh đó, thông qua các buổi trị liệu gia đình, bố mẹ TL có cơ hội được lắng nghe những cảm xúc của trẻ, hiểu hơn về trẻ và dành thêm thơi gian cho trẻ.
Với trường hợp của TL, mẹ TL là một người hiểu biết vì đã biết cách tìm kiếm sự giúp đỡ từ người khác khi thấy con bất thường. Thực tế, có rất nhiều bố mẹ tự tìm cách giải quyết dựa trên bạo lực, xúc phạm trẻ: đánh phạt, chửi mắng trẻ, xỉ nhục trẻ,... Điều này khiến trẻ đã khốn khổ càng khốn khổ hơn.
Sự phản ứng như vậy của bố mẹ khiến một số trẻ tiếp tục trượt dài với những khó khăn của bản thân như chán học, quậy phá-học sinh cá biệt, bỏ học, một số trẻ có thể lựa chọn tìm cách giải thoát khỏi cuộc đời, như là tự tử, bỏ nhà ra đi...
Trường hợp của TL chỉ là 1 trong số các trường đến Khoa Sức khỏe Vị thành niên - Bệnh viện Nhi Trung ương. Chuyển cấp (từ cấp 1 lên cấp 2, từ cấp 2 lên cấp 3) là một thời gian khó khăn và thử thách với hầu hết các học sinh đang còn trên ghế nhà trường.
Từ thực tế và kinh nghiệm làm việc với các trẻ vị thành niên, chúng tôi mong muốn các bậc cha mẹ cần giành thời gian hơn cho trẻ, gần gũi và hỗ trợ con đúng cách. Điều này sẽ giúp cho các bạn trẻ thích nghi và bắt nhịp tốt với môi trường học mới có nhiều thay đổi này.
TS.BS. Đỗ Minh Loan
Trưởng khoa Sức khỏe Vị thành niên- BV Nhi Trung ương