Sự nuông chiều con thái quá của một số phụ huynh khiến trẻ nghĩ rằng chúng phải được đáp ứng mọi nhu cầu cá nhân, nếu không sẽ phản ứng lại bằng vũ lực.
Một đoạn video chia sẻ trên mạng xã hội, ghi tại một nhà sách ở Chiết Giang đã gây nhiều tranh cãi thời gian gần đây. Trong đó, một cậu bé 14 lăn ra khóc lóc vì mẹ không cho cậu mua món đồ mình thích. Lúc sau, cậu lao dậy và cắn vào cổ tay mẹ, nhất định không chịu nhả ra. Người mẹ bị đứa trẻ cắn chảy máu, nhưng không làm thế nào được, chỉ bất lực đến phát khóc. Nhân viên nhà sách và nhiều người khác chạy đến thuyết phục, dỗ dành, cậu bé vẫn lỳ lợm cắn mẹ, một lúc mới buông.
Vụ việc xảy ra tại một nhà sách ở Chiết Giang. Ảnh cắt từ video.
Khi đoạn video được đăng trên các diễn đàn, nhiều người nói rằng đứa trẻ hư đến vậy chính là do cha mẹ quá nuông chiều. Trẻ hư, là do giáo dục gia đình sai cách.
Đây chỉ là một trong số những đoạn video được chia sẻ trên mạng xã hội thời gian vừa qua, gây xôn xao về việc dạy con sai cách, dẫn đến đứa trẻ đánh lại đấng sinh thành.
Trước đó, trong một đoạn video khác xuất hiện trên mạng xã hội, một cậu bé khoảng 10 tuổi, giơ tay đấm liên tiếp vào người mẹ. Khi mẹ ngã xuống đất, cậu bé tiếp tục đạp vào mẹ. Đáp lại hành động này của con, người mẹ chỉ nhẫn nhịn. Trong khi người dùng mạng trách móc cậu bé một, thì giận người mẹ mười, bởi cô đã không biết làm thế nào để trị sự hư đốn của đứa con mình đẻ ra.
Từ phản ứng của những đứa trẻ như trong video, có thể thấy rằng chúng có một đặc điểm chung là phải được đáp ứng các nhu cầu cá nhân, nếu không sẽ phản ứng lại bằng vũ lực. Điều đó cho thấy trong suốt quá trình từ khi trẻ nhỏ, cha mẹ luôn làm hài lòng mọi yêu cầu của chúng, bất kể là yêu cầu đó có quá đáng hay không. Theo thời gian, những đòi hỏi này của trẻ tăng lên, chúng nghiễm nhiên cho rằng mình được quyền hưởng những điều đó thay vì thái độ biết ơn, trân trọng.
Vậy cha mẹ cần làm gì để tránh hậu quả của việc nuông con quá mức?
Thay đổi thói quen thỏa mãn con một cách vô điều kiện
Khi trẻ đưa ra một đòi hỏi nào đó, bạn cần phải yêu cầu trẻ đưa ra lý do. Nếu hợp lý, bạn có thể đáp ứng. Tuy nhiên, nếu là vô lý, bạn nên từ chối nhẹ nhàng, nhưng thật kiên quyết. Ví dụ, trẻ đòi đồ chơi trong khi nhà đã có quá nhiều, bạn sẽ nói: Mẹ không đồng ý. Con đã có nhiều bộ như vậy ở nhà rồi. Con hãy về nhà kiểm tra xem mình cần thứ gì rồi đề xuất với mẹ, mẹ sẽ cân nhắc ở lần sau". Tuyệt đối không xuề xòa, nhượng bộ, bởi bạn làm vậy, lần sau trẻ sẽ quá đáng hơn.
Dạy trẻ biết đồng cảm, yêu thương
Đồng cảm, hiểu một cách đơn giản, là hiểu được tâm lý, cảm xúc của người khác. Những đứa trẻ biết đồng cảm sẽ biết cách lắng nghe, không bỏ qua ý kiến của người khác. Trong trường hợp trẻ làm sai, trẻ hành xử tệ, bạn cần phải mô tả cảm xúc của mình cho con, để con hiểu những gì bạn đã trải qua, bạn cảm nhận. Từ đó, trẻ đồng cảm hơn, biết suy nghĩ về tác động từ hành động của mình gây ra cho người khác và thay đổi hành vi dần dần.
Ví dụ, trẻ cắn bạn đau. Bạn cần phải nói cho trẻ hiểu: Con đã làm mẹ đau này, con làm mẹ rất buồn, con có biết không? Khi bạn nói ra những điều đó, trẻ sẽ tự khắc suy nghĩ về những gì chúng đã gây cho cha mẹ. Khả năng đồng cảm sẽ thôi thúc chúng lần sau không làm cho mẹ đau nữa.
Nên để trẻ làm việc nhà trong khả năng của mình, từ đó trẻ biết cách giúp đỡ, biết cách chia sẻ với người khác. Ảnh: Aboluowang.
Không biến mình thành "đầy tớ" của con
Chẳng ai theo con được một đời để phục vụ, cung cấp đầy đủ cho con mọi thứ mà đứa con mong đợi. Thế nên, bạn cần phải khuyến khích trẻ độc lập dần lên. Đừng tự biến mình thành bảo mẫu, lo cho con từng đôi tất, chiếc áo, bởi làm vậy trẻ càng phụ thuộc vào bạn, nhưng lại vô tâm với những nỗ lực chăm sóc của bạn.
Trong gia đình, quan hệ cha mẹ và con cái càng nên bình đẳng, tránh để trẻ thấy mình là "ông vua con" từ nhỏ. Nên để trẻ làm việc nhà trong khả năng của mình, từ đó trẻ biết cách giúp đỡ, chia sẻ và hiểu công lao của cha mẹ.
Đừng quyết định thay con
Trẻ em không thể sống mãi dưới những :"đôi cánh" của cha mẹ, chúng cần phải lớn, cần phải vươn ra ngoài xã hội. Bạn không thể vì lo chúng vấp ngã, lo chúng sai lầm... mà quyết hộ chúng mọi thứ trong cuộc sống.
Hãy để con tự quyết các vấn đề của mình, tùy theo độ tuổi. Cha mẹ nên tự nhắc nhở mình: "Đừng xen vào", để con tự quản lý những gì chúng làm.
Khi chúng phạm sai lầm, bạn có thể giúp đỡ tùy theo mức độ khả năng của mình, như thế, trẻ càng trân trọng bạn. Đừng quên, có những việc trẻ làm ban đầu chưa tốt vì thiếu kinh nghiệm, nhưng thông qua quá trình "ngã", chúng được vận động, tư duy, từ đó trưởng thành hơn.
Nguổn VNE