Để xoa dịu sự lo lắng của con khi tiếp xúc người mới, bạn nên giới thiệu về người con sắp được gặp, ở bên để trẻ an tâm.
Nếu con tự ti khi đối diện môi trường, con người mới, bạn sẽ lo lắng về việc con sẽ không thể có được những trải nghiệm trọn vẹn trong tương lai. Con có thể chậm khi tiếp xúc với người mới so với bạn bè cùng trang lứa hoặc căng thẳng trong khi mọi người vui vẻ, hòa đồng với nhau. Điều này có thể khiến con khó kết bạn và khó tiếp thu kiến thức khi đến trường và sinh hoạt tập thể.
Có một vài nguyên do con bạn có thể trở nên tự ti và gặp rắc rối trong sinh hoạt tập thể, từ chủ quan đến khách quan. Thứ nhất, do tính cách tự ti. Không phải trẻ nhỏ nào cũng có bản tính hướng ngoại, dễ hòa đồng. Cũng như người lớn, có những trẻ hướng nội và cần nhiều thời gian hơn để làm quen với môi trường. Đây là cách tương tác mà các em cảm thấy phù hợp và bạn không nên ép phải thay đổi ngay lập tức, đặc biệt khi tính cách này không khiến các em từ chối hoàn toàn việc tham gia hoạt động tập thể.
Nguyên nhân thứ hai là trải nghiệm quá khứ. Có thể trong lần cuối tiếp xúc với người mới, con đã gặp những trải nghiệm không tốt và điều đó khiến các em dè dặt hơn trong những lần tiếp xúc sau này. Cho dù nguyên do là gì, bạn cũng đều mong con nhỏ có thể hòa đồng, tin tưởng các bạn bè, người mới hơn và bớt thể hiện sự dè dặt khi tiếp xúc xã hội.
Ảnh: Shutterstock
Một trong những phương pháp tốt nhất để con trở nên hòa đồng là để bé tiếp xúc với những người mới trong khi có người thân ở cạnh. Điều này có thể tạo sự yên tâm nhất định, khi con có thể ở bên những người thân thiết, trong khi dần dần cho con trải nghiệm tiếp xúc với người mới.
Khi con trở nên lo lắng, hay khó chịu trong những lúc này, bạn nên cho con một chút không gian riêng để bình tĩnh lại, trước khi trở lại tiếp tục làm quen với mọi người. Tuy nhiên, không nên để trẻ lảng tránh hoàn toàn việc giao tiếp xã hội chỉ vì cảm thấy lo lắng, bởi việc lảng tránh sẽ khiến trẻ mất đi cơ hội học cách giao tiếp xã hội một cách hiệu quả.
Đồng thời, bạn có thể cho con biết trước khi phải tiếp xúc với người lạ và giới thiệu ngắn gọn về người mà bé sẽ gặp. Điều này sẽ khiến các bé có thể chuẩn bị tâm lý trước và cảm thấy yên tâm hơn khi tương tác.
Bạn cũng có thể dạy cho con những kỹ năng xã hội và luyện tập trước với con ở nhà. Trẻ có thể cố gắng nhìn thẳng vào mắt người khác, cười khi giao tiếp, hay giữ thẳng người khi nói chuyện. Những kỹ năng này có thể giúp việc giao tiếp của bé được hiệu quả hơn, qua đó dần xây dựng sự tự tin. Bạn nên đưa ra những lời động viên khi con làm tốt, cổ vũ tiếp tục cố gắng.
Tuy nhiên, bạn cần xác định rõ với con rằng không phải ngay lập tức trở nên hòa đồng, nhưng gần cố gắng. Miễn là con nỗ lực để cải thiện bản thân, bạn không nên đặt quá nhiều áp lực thành công cho các bé.
Nguồn VNE