Nhiều phụ huynh "tiết kiệm" lời khen, tỏ ra không hài lòng với những gì con làm để con lấy đó làm động lực bước tiếp. Nhưng quan niệm này là sai lầm.
1. Nuông chiều từ bé làm hư trẻ
Không có khái niệm "làm hư em bé". Nhưng vì một số lý do, nhiều người vẫn cho rằng nếu cha mẹ quá chiều trẻ sơ sinh, đứa bé sẽ trở nên hư hỏng. Suy nghĩ này thường bắt nguồn từ thế hệ trước, những người phải trải qua năm tháng thơ ấu khó khăn, phải tự lập từ rất sớm. Ý tưởng đứa trẻ được chiều chuộng từ nhỏ khi trưởng thành sẽ trở thành người thích đòi hỏi là sai lầm.
Thực tế, trẻ cần được cha mẹ yêu thương, quan tâm chăm sóc kỹ lưỡng trong những năm tháng đầu đời. Hơn thế, nhờ được cha mẹ âu yếm, chia sẻ, những đứa trẻ sẽ lớn lên khỏe mạnh cả về vật chất lẫn tinh thần.
Trẻ phát triển tốt nhất khi được ủng hộ, khi nhu cầu được đáp ứng cùng tình yêu thương. Những đứa trẻ thiếu thốn tình yêu thương từ gia đình khó trở thành người mạnh mẽ. Ngược lại, trẻ được yêu thương không phải không thể độc lập.
Ảnh: Shutterstock.
2. Kỷ luật nghiêm khắc mới không làm hư trẻ
Quan niệm "yêu cho roi, cho vọt" đã không còn phổ biến trong thế giới hiện đại. Trên thực tế, hững hình phạt bằng đòn roi có thể biến trẻ thành người có hành vi chống đối xã hội hoặc bạo lực khi trưởng thành.
Nói như vậy không có nghĩa là không được phép kỷ luật trẻ. Nhưng các hình phạt cần đi đôi với yêu thương và ủng hộ. Chịu tổn thương về thể xác bởi một người lớn hơn, mạnh hơn không phải cách cha mẹ xây dựng tình yêu thương và sự tin tưởng ở con. Và nếu không có tình yêu cùng sự tin tưởng, sẽ rất khó giúp trẻ xây dựng sự đồng cảm, trí tuệ cảm xúc, những điều đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi dạy.
3. Trẻ hư vì có điều kiện vật chất đầy đủ
Một trong những ảnh hưởng lớn nhất đến đứa trẻ là hành vi của cha mẹ. Những ông bố, bà mẹ coi trọng vật chất, sống thực dụng có nguy cơ làm hư con cái chứ không phải do điều kiện vật chất các em sở hữu.
Ngược lại, những phụ huynh có lòng vị tha, đồng cảm, bác ái sẽ truyền nguồn năng lượng tích cực và hành động nhân văn cho con. Những phẩm chất này sẽ được truyền lại bất kể trẻ có được đáp ứng mọi thứ mà chúng muốn hay không.
4. Trẻ hư vì được khen thưởng
Nhiều người cho rằng việc khen thưởng bằng lời nói hay hiện vật thường xuyên cũng sẽ khiến trẻ trở nên hư hỏng. Nhiều phụ huynh "tiết kiệm" lời khen, tỏ ra không hài lòng với những gì trẻ làm được để con lấy đó làm động lực bước tiếp.
Thực tế những lời khen ngợi được chứng minh là rất tốt cho trẻ. Lời khen hay món quà nhỏ có thể là động lực giúp trẻ tiếp tục tiến bước khi gặp khó khăn hoặc khi hoàn thành mục tiêu đề ra.
Tuy nhiên, việc khen ngợi nên tập trung vào hành động trẻ làm chứ không phải vào bản chất con người trẻ. Ví dụ, cha mẹ không nên khen con thông minh, xinh đẹp mà nên thay bằng: "Bố mẹ thích cách con kiên trì làm việc dù con mệt mỏi".
Nguồn VNE