Nếu trẻ ăn phải những loại thực phẩm hỏng, ôi thiu, nhiễm độc hay nhiễm phải kí sinh trùng, vi trùng gây hại sẽ có những triệu chứng ngộ độc nguy hiểm. Hiện tượng này là ngộ độc thực phẩm ở trẻ em.
Ngộ độc thực phẩm gây ra bởi vi khuẩn, kí sinh trùng độc hại. Những loài vi sinh vật này sẽ đi vào trong thức ăn, nước uống của em bé. Mẹ biết không, những loài vi sinh vật này không thể phát hiện bằng mắt thường. Mặc dù vô cùng nhỏ bé nhưng chớ coi thường, vì chúng có thể để lại hậu quả vô cùng nguy hiểm đến cơ thể của em bé.
Khi vi sinh vật gây hại sống trong thức ăn đi vào cơ thể của em bé, chúng có thể tiết ra chất độc. Những chất độc này là nguyên nhân chính gây ra những triệu chứng của em bé khi bị ngộ độc, gây ra tiêu chảy, nôn ói.
Thông thường, ngộ độc thức ăn ở trẻ em thường nhẹ, em bé có thể hồi phục nhanh chóng sau vài ngày. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp khá nặng cần đến sự chăm sóc của bác sĩ hoặc nhập viện để được theo dõi. Biến chứng thông thường nhất khiến em bé phải nhập viện là mất nước.
Đâu là những dấu hiệu và triệu chứng của ngộ độc thức ăn?
Triệu chứng của ngộ độc thức ăn biểu hiện như thế nào tùy thuộc vào loại vi khuẩn hoặc kí sinh trùng gây hại. Với một em bé có thể cảm thấy buồn nôn chỉ trong vòng một hoặc hai giờ sau ăn hay uống thực phẩm nhiễm độc, với một em bé khác có thể biểu hiện chậm hơn. Trong đa số các trường hợp, triệu chứng biểu hiện rõ ràng trong vòng 1 đến 10 ngày.
Những dấu hiệu cho thấy em bé đã bị ngộ độc thực phẩm bao gồm:
Buồn nôn
Đau bụng âm ỉ
Nôn ói dữ dội
Tiêu chảy
Sốt
Đau đầu, mệt mỏi
Trong những trường hợp hiếm gặp, ngộ độc thực phẩm có thể khiến em bé bị chóng mặt, choáng váng, mờ mắt, hoặc cảm thấy ngứa ran hai cánh tay.
Loại vi sinh vật nào có thể thải ra độc tố nguy hiểm trong thức ăn?
Những loại vi sinh vật có thể thải độc tố ra thức ăn bao gồm:
Salmonella. Vi khuẩn salmonella là nguyên nhân hàng đầu gây ngộ độc thức ăn trên thế giới. Vi khuẩn này thường phát tán ra môi trường xung quanh thông qua phân của động vật. Nguyên nhân chính khiến em bé bị ngộ độc bởi salmonella bao gồm ăn phải thực phẩm từ sữa chưa được tiệt trùng, thịt chưa được nấu chín, những loại thực phẩm tươi sống không được rửa kỹ.
E. coli (Escherichia coli). E. Coli là vi khuẩn cũng được phát tán ra môi trường, vào thức ăn, nước uống thông qua phân của động vật thải ra ngoài. Ăn phải thịt bò chưa được nấu chín hay thịt bò tái là nguyên nhân thường gặp nhất bị ngộ độc E. Coli ở trẻ em.
Listeria. Loại vi khuẩn này sống nhiều nhất ở những thực phẩm từ sữa mà chưa được tiệt trùng, các loại hải sản, các loại thịt chế biến sẵn như xúc xích. Listeria cũng có trong trái cây và rau quả, nhưng hiếm gặp hơn.
Khi nào mẹ nên đưa em bé đi gặp bác sĩ?
Trong đa số các trường hợp bị ngộ độc thực phẩm, mẹ không cần phải đưa bé đi khám bác sĩ. Nhưng khi em bé gặp phải những biến chứng nghiêm trọng như mất nước, thì đó là lúc em bé cần được thăm khám và theo dõi.
Hãy đưa bé đi khám bác sĩ nếu có các triệu chứng sau đây:
Nôn ói nhiều hơn 12 giờ
Tiêu chảy kèm với sốt cao hơn 38.3 độ C
Đau bụng dữ dội, không hết khi đi tiêu
Có máu trong phân (tiêu chảy hay đi phân thường), hoặc ói ra máu
Đi tiêu phân sệt đen
Tim đập nhanh
Các dấu hiệu mất nước mà mẹ cần lưu ý, bao gồm:
Bé có cảm giác khát nước kinh khủng
Không có nước tiểu
Choáng váng
Mắt trũng
Đau đầu, yếu liệt
Ngộ độc thực phẩm (đặc biệt là có mất nước) có thể trở nên rất nghiêm trọng ở những em bé bị suy giảm miễn dịch hoặc đang có sẵn bệnh lý trong cơ thể. Nếu em bé của mẹ có sẵn bệnh như suy thận hay thiếu máu hồng cầu hình liềm, hãy đưa bé đi khám bác sĩ ngay mẹ nhé!
Nguồn beyeu