Nguyên nhân trẻ bị nấc cụt
Trước khi đi vào tìm hiểu biện pháp, ba mẹ hãy cùng xem qua một vài nguyên nhân dẫn đến việc nấc cụt ở trẻ nhé!
Trào ngược dạ dày thực quản
Trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng mà thức ăn đi ngược từ dạ dày lên thực quản (thay vì đi xuôi như bình thường). Hiện tượng trào ngược xảy ra vì trẻ nhỏ có cơ vòng thực quản dưới chưa phát triển toàn diện. Sự trào ngược thức ăn và axit trong dạ dày tác động lên các tế bào thần kinh, làm rung cơ hoành và dẫn đến việc bé bị nấc.
Bé ăn quá nhiều
Việc bé ăn quá nhiều hoặc ti mẹ quá no có thể làm cho dạ dày to và giãn ra. Sự giãn nở đột ngột này của khoang bụng cũng làm co thắt cơ hoành khiến bé nấc cụt.
Dị ứng
Có thể các bé bị dị ứng với thành phần của sữa công thức (đối với trẻ sơ sinh thì có thể là do sữa mẹ), từ đó gây ra tình trạng viêm thực quản và nấc cụt là một trong những biểu hiện nổi bật.
Nhiệt độ cơ thể giảm
Sự giảm nhiệt độ cơ thể có thể làm các cơ của bé co lại, trong đó có cơ hoành; đây là lý do khiến bé nấc cụt.
Một số mẹo chữa nấc cụt nhanh cho trẻ
Bịt tai
Đây là một mẹo khá hữu ích trong việc xử lý nấc cụt cho trẻ. Các mẹ bỉm sữa hãy chủ động dùng hai đầu ngón tay nhẹ nhàng bịt chặt hai lỗ tai của trẻ trong vòng 20 – 30 giây. Điều này sẽ là tín hiệu “thư giãn” thông qua dây thần kinh lên não, kích thích dây thần kinh phế vị, sớm giúp đẩy lùi cơn nấc cụt của trẻ.
ảnh minh họa. (Nguồn: internet)
Uống nước
Uống nước là phương pháp được rất nhiều người áp dụng để chữa những cơn nấc. Đây là cách thức tương đối tốt để áp dụng với trẻ nhỏ, uống chậm từng ngụm nhỏ một và giữ nước trong miệng từ 10 đến 20 giây sẽ giúp cho lượng carbon dioxide trong máu tăng lên, giúp đẩy lùi cơn nấc cụt.
ảnh minh họa. (Nguồn: internet)
Thè lưỡi
Đây là một mẹo dễ thực hiện đối với trẻ nhỏ. Khi trẻ bị nấc cụt, mẹ hãy hướng dẫn trẻ thè lưỡi ra ngoài hết cỡ và giữ nguyên tư thế đó trong vòng 30 giây. Nghe thì có vẻ hơi kì lạ nhưng thực tế đã chứng minh đây là phương pháp tốt, việc thè lưỡi ra ngoài có tác dụng kích thích các dây thần kinh phế vị, làm giảm sự co thắt của cơ hoành, giúp trẻ nhanh chóng hết nấc cụt.
Hít thở đều đặn
Đối với trẻ lớn hơn một chút thì cách hướng dẫn hít thở đều sẽ là phù hợp. Các bà mẹ có thể dạy trẻ phương pháp hít thở từ từ, hít một hơi thật sâu, sau đó lại tiếp tục hít vào và giữ trong 5 giây. Để rồi sau đó từ từ thở ra thật chậm, khoảng chừng 30 giây. Đây cũng chính là phương pháp hiệu quả giúp căng cơ hoành, ngăn không cho cơ co lại và cơn nấc cụt sẽ sớm giảm bớt.
Mong rằng với những mẹo nhỏ chữa nấc cụt phía trên, ba mẹ có thể áp dụng tốt không chỉ cho các bé mà còn cho cả những người lớn chúng ta nữa.
Nguồn Giaoducmamnon