Thể lực, trí não, tương lai của trẻ phụ thuộc vào nguồn dinh dưỡng hấp thụ trong giai đoạn 1.000 ngày đầu đời, nếu khiếm khuyết sẽ khó bù đắp về sau.
Tại hội thảo về dinh dưỡng cho trẻ em, ngày 10/7 tại TP HCM, Giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Gia Khánh, Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam, cho biết 1.000 ngày đầu đời của trẻ là "vàng", là thời kỳ thể chất và trí não tăng trưởng mạnh nhất, quan trọng nhất trong vòng đời con người. Do đó, suy dinh dưỡng đầu đời có thể dẫn đến những tổn thương không thể bù đắp.
1.000 ngày này được tính kể từ thụ thai, mang thai, đến khi trẻ tròn hai tuổi. Nếu tác động dinh dưỡng sớm, tích cực thông qua chăm sóc sức khỏe mẹ và bé, trẻ sẽ có hệ miễn dịch tốt, phát huy hết tiềm năng trí lực. Khi trưởng thành, trẻ cao lớn, khỏe mạnh, thông minh. Đây còn là cơ hội có một không hai phòng ngừa sớm các bệnh mạn tính không lây, để cơ thể khỏe mạnh suốt đời.
Bác sĩ Khánh nhấn mạnh, ngay từ khi mang thai, người mẹ cần bổ sung vi chất dinh dưỡng, để bào thai đủ cân, khỏe mạnh, hoàn thiện đầy đủ các chức năng. Nếu không có chỉ định mổ đẻ, nên ưu tiên sinh thường qua ngả âm đạo. Cho trẻ bú sữa mẹ sớm trong một giờ sau sinh, bú hoàn toàn trong 6 tháng sơ sinh, kéo dài đến hai tuổi càng tốt.
Cho trẻ bú mẹ rất quan trọng, nhằm củng cố hệ tiêu hóa khỏe mạnh, thiết lập chức năng miễn dịch cơ thể chống lại bệnh tật.
"Thiệt thòi nhất của trẻ là buộc phải sinh mổ, phải sử dụng kháng sinh và không được bú mẹ. Trẻ dễ mắc các bệnh dị ứng, miễn dịch như hen, suyễn sau 10-15 năm, nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, tăng huyết áp, tâm thần, ung thư... cao hơn hẳn trẻ được bú mẹ", bác sĩ Khánh nói.
Đặc biệt, hai năm đầu đời là giai đoạn phát triển tột đỉnh của não bộ về khối lượng và chất lượng. Thời kỳ bào thai sẽ hình thành các phần não bộ. Sau sinh, não tiếp tục được hoàn thiện cấu trúc, chức năng. Lúc một tuổi, não trẻ phát triển thể tích gấp ba lần so với khi vừa chào đời. Đến hai tuổi, não trẻ hoàn thiện 80% cấu trúc chức năng so với người trưởng thành. Các giác quan, khả năng nhận thức, ngôn ngữ, giao tiếp, cảm xúc của trẻ được kích thích tối đa.
Người mẹ chăm sóc, đầu tư tốt dinh dưỡng cho con, quá trình này diễn ra thuận lợi, trẻ phát triển bình thường. Ngược lại, dinh dưỡng không đủ, dư thừa hoặc thiếu hụt khiến trẻ bị béo phì, thấp còi, trí não chậm phát triển, thậm chí tàn tật trí tuệ. Năng suất lao động, chất lượng cuộc sống, sức khỏe, tuổi thọ trong tương lai của trẻ bị ảnh hưởng.
Cũng theo bác sĩ Khánh, yếu tố di truyền - gene chỉ ảnh hưởng tối đa 20%, còn dinh dưỡng và các yếu tố môi trường chiếm 80% mới là điều quyết định tình trạng sức khỏe suốt đời của một người.
Bác sĩ khuyên, bà mẹ và người chăm sóc trẻ cần chủ động đi khám tư vấn dinh dưỡng, được nhận các thông tin đúng, để nuôi con một cách tốt nhất. Kết hợp chăm sóc khoa học, tiêm chủng đầy đủ, giáo dục sớm giúp trẻ phát triển tiềm năng tối đa.
Thống kê của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, chỉ 60% trẻ được bú sớm trong vòng một giờ đầu sau sinh; 24% trẻ được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu; 22% trẻ được bú mẹ đến 24 tháng tuổi; 73% trẻ 6-24 tháng tuổi được nuôi đúng đủ. Tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia phát triển.
Cuối năm 2019, Thủ tướng ban hành Quyết định về chương trình "Chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời nhằm phòng chống suy dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em, nâng cao tầm vóc người Việt Nam". Theo đó, mục tiêu là đến năm 2025, 80% bà mẹ thực hành cho trẻ bú sớm; 25% bà mẹ cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu; 60% bà mẹ tiếp tục cho trẻ bú mẹ đến khi trẻ được 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn; 70% bà mẹ cho trẻ 6-24 tháng tuổi ăn bổ sung đúng cách.
Đến năm 2030, mục tiêu 85% bà mẹ cho trẻ bú sớm, 30% bà mẹ cho trẻ mẹ bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu; 70% bà mẹ tiếp tục cho trẻ bú mẹ đến khi trẻ được 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn; 80% bà mẹ cho trẻ 6-24 tháng tuổi ăn bổ sung đúng cách.
Nguồn https://vnexpress.net