Da là lớp “lá chắn” tự nhiên của cơ thể, bất cứ tác động của ngoại vật như tổn thương, thay đổi thời tiết, ô nhiễm, khói bụi... đều ảnh hưởng trực tiếp đến da.
Thời tiết luôn có sự chuyển biến bất thường, làm phát sinh nguy cơ gây tổn hại đến sức khỏe của làn da, đặc biệt là ở trẻ em. Phóng viên đã có buổi trò chuyện cùng BS. CKII Võ Thị Đoan Phượng, Trưởng khoa lâm sàng 1 BV Da liễu TP. HCM xung quanh việc chăm sóc và bảo vệ làn da một cách khoa học và hiệu quả.
BS. CKII Võ Thị Đoan Phượng, Trưởng khoa lâm sàng 1 BV Da liễu TP. HCM
Bệnh da liễu thường gặp mùa mưa
Thưa bác sĩ, hiện nay TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam đang bước vào mùa mưa. Trong mùa này, người dân đặc biệt là trẻ em cần lưu ý những bệnh lý gì về da liễu?
BS.CKII Võ Thị Đoan Phượng: Thời tiết nóng ẩm vào mùa mưa là điều kiện thuận lợi cho các vi sinh vật trên da phát triển, làn da cũng trở nên nhạy cảm hơn, từ đó xuất hiện nhiều bệnh da, gây lo lắng và khó chịu cho trẻ. Trong thời gian gần đây, bệnh viện đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp trẻ em bị viêm da mủ với những triệu chứng như mụn nước, mụn mủ trên da, tập trung ở mặt, mũi, tay chân, khi dập vỡ tạo vết trợt loét nông, trên có mài màu vàng. Trẻ bị đau, ngứa, quấy khóc… Một bệnh lý khác cũng hay gặp là nấm vùng bẹn do mặc đồ chật, vùng da bị ẩm ướt kéo dài, hoặc do ba mẹ tự ý sử dụng thuốc không có chỉ định của bác sĩ.
Vào mùa mưa, các bệnh về da mà trẻ thường gặp bao gồm:
Viêm da mủ: Thường gặp ở trẻ em có điều kiện vệ sinh kém, ăn uống thiếu chất, sức đề kháng yếu, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Triệu chứng thường là những mụn nước, mụn mủ trên da, tập trung ở vùng hở, tay chân, khi dập vỡ tạo vết trợt loét nông, trên có vảy màu vàng hoặc màu hơi nâu, xung quanh có viền vảy hoặc quầng đỏ.
Bệnh mày đay: Có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do khí hậu lạnh, xuất hiện nhiều khi thời tiết thay đổi, khi ra gió hay lúc trời mưa, khí hậu lạnh và nước mưa thấm vào người, cũng khiến bé dễ bị nổi mày đay. Khi đó, trên da người bệnh sẽ nổi sẩn, mảng cứng có màu hơi hồng, kích thước thay đổi từ một đến vài centimet và nổi ở bất kỳ vị trí nào trong người, nhất là ở những nơi hở ra ngoài như: tay, chân, mặt, kèm theo ngứa dữ dội.
Viêm da tiếp xúc: Đây là bệnh da không lây, đặc trưng với tình trạng da viêm đỏ, có thể xuất hiện các mụn nước, ngứa nhiều. Bệnh gây ra do da tiếp xúc với nước mưa có chứa một số hóa chất, khí độc, vi sinh… gây kích ứng da.
Nấm da: Tình trạng da hay bị ẩm ướt vào mùa mưa là điều kiện thuận lợi để vi nấm phát triển. Các vị trí thường hay bị nhiễm nấm trong mùa mưa nấm bẹn, nấm thân mình…
Nấm bẹn: Là tình trạng nhiễm nấm ở da vùng bẹn, làm xuất hiện các mảng da đỏ, ngứa, tróc vảy, diễn tiến lan rộng từ từ. Bệnh thường xảy ra vào mùa mưa vì quần áo dễ ẩm ướt, khiến vùng bẹn vốn kém thông thoáng trở nên nóng ẩm hơn, là môi trường thuận lợi cho vi nấm phát triển.
Bệnh ghẻ: Là một bệnh da gây ra bởi một loại ký sinh trùng Sarcoptes scabie (hay còn gọi là ghẻ). Bệnh ghẻ biểu hiện trên da với các nốt đỏ, mụn nước ở các vùng da non và ngứa rất nhiều về ban đêm. Sự dao động thất thường của nhiệt độ và độ ẩm trong mùa mưa chính là điều kiện thuận lợi cho cái ghẻ sinh sôi và phát triển. Bệnh ghẻ có tính lây nhiễm cao, nên nhiều người trong cùng gia đình có thể bị bệnh. Bệnh gây ngứa rất nhiều, nên ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, vui chơi, học tập hằng ngày của các bé.
Dùng kem chống nắng cho trẻ em
Thời tiết miền Nam có sự chuyển biến khá nhanh chóng, mùa mưa nhưng vẫn có nắng gắt vào thời điểm sáng và buổi trưa. Với điều kiện này thì trẻ em có cần sử dụng kem chống năng? Và sử dụng như thế nào cho đúng cách?
BS.CKII Võ Thị Đoan Phượng: Kem chống nắng là một chất dùng để bôi trên da nhằm giảm cường độ tia cực tím đi vào và gây hại cho những tế bào da mỏng. Kem chống nắng được xem như là 1 làn da thứ 2 - “tấm lá chắn” hữu hiệu giúp bảo vệ da tránh khỏi các tác hại của ánh nắng mặt trời.
Đối với trẻ em dưới 6 tháng tuổi, nên tránh sử dụng kem chống nắng vì làn da của bé rất mỏng và dễ hấp thu các hoạt chất chống nắng. Tốt nhất, hãy tránh tiếp xúc trực tiếp ánh nắng mặt trời, giữ trẻ ở trong bóng râm càng nhiều càng tốt và che chắn cẩn thận với quần áo rộng rãi, thoáng mát; nhất là trong khoảng thời gian từ 9 giờ sáng đến 16 giờ chiều. Trong trường hợp không thể cho trẻ tránh tiếp xúc ánh nắng trực tiếp, hãy sử dụng một lượng nhỏ kem chống nắng vật lý chứa các thành phần như kẽm oxide hay titanium dioxide bôi lên một số vùng da diện tích nhỏ như má, mu bàn tay.
Đối với trẻ trên 6 tháng tuổi, có thể sử dụng kem chống nắng vật lý kèm theo mặc quần áo chống nắng, tìm kiếm bóng râm vì không có kem chống nắng nào có khả năng bảo vệ 100%. Chú ý lựa chọn kem không có thành phần các chất gây kích ứng và dị ứng như nước hoa, chất bảo quản và thuốc nhuộm tổng hợp. Thoa kem trước khi ra nắng 30 phút và thoa lại sau mỗi 2 tiếng hoặc sau khi bé đi bơi, đổ mồ hôi nhiều.
Chăm sóc da của trẻ trước sự thay đổi thời tiết
Trong điều kiện thời tiết liên tục thất thường như hiện nay, xin bác sĩ cho lời khuyên về các bước chăm sóc da đúng cách để bảo vệ làn da của trẻ.
BS.CKII Võ Thị Đoan Phượng: Để bảo vệ và phòng chống các bệnh về da ở trẻ vào mùa mưa, cha mẹ cần đặc biệt chú ý: Bảo vệ da của trẻ dưới ánh nắng gay gắt của mùa hè bằng việc sử dụng kem chống nắng đúng cách. Không nên quên kết hợp các biện pháp cơ học như cho trẻ mặc quần áo chống nắng, đội nón, mang mắt kính và ở những nơi râm mát. Quần áo của trẻ phải được phơi khô sau đó mới cho bé mặc, không cho bé mặc quần áo ẩm. Nếu trẻ bị dính nước mưa nên tắm lại bằng nước sạch, lau khô người cho trẻ và thay quần áo khác. Vệ sinh sạch tay chân và cơ thể sạch sẽ cho trẻ, không cho trẻ tiếp xúc với nước mưa hay nước bẩn. Khi có bất kỳ vấn đề bất thường trên da của trẻ, lập tức cho bé đến khám tại các cơ sở da liễu uy tín. Chú ý không sử dụng các loại thuốc bôi da cho bé mà không có sự chỉ định từ bác sĩ.
Nguồn https://suckhoedoisong.vn