Sức khoẻ
   Chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết tại nhà đúng cách
 

Sốt xuất huyết ở trẻ em là bệnh vô cùng nguy hiểm, có thể gây nhiều biến chứng đe dọa tới tính mạng.Vì vậy, cách nhận biết sớm trẻ bị sốt xuất huyết, cách chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết tại nhà đúng cách là vô cùng quan trọng.

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi rút dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Bệnh xảy ra ở tất cả các nước nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới. Ở Việt Nam, bệnh lưu hành rất phổ biến, ở cả 4 miền Bắc, Trung, Nam và Tây Nguyên, kể cả ở thành thị và vùng nông thôn, bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, nhất là vào các tháng 7, 8, 9, 10.

Sự nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết:

Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh.

Thường gây ra dịch lớn với nhiều người mắc cùng lúc làm cho công tác điều trị hết sức khó khăn, có thể gây tử vong nhất là với trẻ em, gây thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội.

Dấu hiệu trẻ bị sốt xuất huyết

Bệnh nhi thường khởi phát bệnh với sốt cao đột ngột, trước đó trẻ hoàn toàn khỏe mạnh, thời gian sốt từ 2 – 7 ngày, kèm theo những biểu hiện sau đỏ bừng mặt, da xung huyết, đau nhức cơ, đau khớp, đau đầu.

Trong một số trường hợp, trẻ có thể kèm theo đau họng, viêm kết mạc mắt, mệt mỏi, buồn nôn và nôn. Trẻ nhũ nhi có thể kèm triệu chứng ho sổ mũi hay tiêu chảy. Vào thời điểm này, những triệu chứng của bệnh thường không đặc hiệu, không thể phân biệt với nhiễm các loại vi rút khác.

Tiếp sau đó, bệnh nhi có thể biểu hiện xuất huyết như: xuất hiện chấm xuất huyết (những chấm đỏ không biến mất khi căng da) thường ở cẳng tay, cẳng chân, nách, ngực, thắt lưng; xuất huyết niêm mạc như chảy máu mũi, chảy máu răng, đi cầu ra máu. Ở nữ tuổi dậy thì có thể xuất huyết âm đạo. Những triệu chứng xuất huyết này ít xảy ra vào những ngày đầu. Gan có thể to sau một vài ngày. Khi xét nghiệm công thức máu vào thời gian này, kết quả cho thấy giảm bạch cầu, đó là dấu hiệu cảnh báo khả năng sốt xuất huyết Dengue.

Từ ngày thứ 3 – 7 của bệnh, trẻ bắt đầu hạ sốt khoảng 37,5 – 38 độ C hoặc thấp hơn, một số bệnh nhi xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo như lừ đừ, mệt mỏi, ói nhiều, đau bụng, xuất huyết niêm mạc, gan to, hoặc một số trường hợp diễn tiến đến sốc sốt xuất huyết với biểu hiện tay chân lạnh, mạch nhanh nhẹ, huyết áp kẹt hoặc không đo được. Tất cả những trường hợp trên cần phải được nhập viện ngay và tuân theo sự chỉ định của bác sĩ. Nếu để tình trạng sốc kéo dài, bệnh nhi có thể tổn thương nhiều cơ quan, có thể dẫn đến tử vong.

Có những bệnh nhi vào thời điểm ngày 6,7 của bệnh, hết sốt và bệnh hồi phục, ăn uống tốt, đặc biệt xuất hiện mẫn đỏ ngứa ở tay chân, làm phụ huynh lo lắng đưa trẻ đến bệnh viện nhưng được các bác sĩ giải thích đây là đang phục hồi.

Ảnh minh họa

Cần chăm sóc trẻ đúng cách tại nhà

Những trường hợp sốt xuất huyết được bác sĩ khám và cho điều trị ngoại trú hay tại nhà, phụ huynh cần biết cách chăm sóc trẻ.

Khi trẻ sốt cao hơn 38 độ C, cho trẻ uống thuốc hạ sốt Paracetamol đơn chất với liều 10-15mg/kg cân nặng, uống lặp lại 4-6 giờ một lần nếu trẻ sốt, lau mát bằng nước ấm để tránh biến chứng sốt cao, gây co giật.

Chú ý đến chế độ dinh dưỡng

Cho trẻ ăn những thứ ăn lỏng, giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa như cháo, súp, sữa và nên cho nhiều bữa nhỏ.

Cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường: nước điện giải Oresol, nước lọc, nước sôi nguội, nước trái cây, nước cam, nước chanh.

Cung cấp thêm vitamin các nhóm A, B, C để tăng cường hoạt động chuyển hóa cho cơ thể và tăng cường miễn dịch, sức đề kháng cho cơ thể chống lại bệnh tật.

Tái khám cho trẻ

Nếu có một trong các dấu hiệu sau cần phải đưa trẻ ngay vào bệnh viện:

Tay chân lạnh, nằm một chỗ không chơi, bỏ bú, bỏ ăn uống

Đau bụng, nôn nhiều, nôn khan

Quấy khóc, bứt rứt, trăn trở khó chịu hoặc li bì

Chảy máu cam, máu răng hoặc ói ra máu, tiêu phân đen

Cần tránh

Không tự ý cho trẻ uống thuốc.

Không cạo gió, vì sẽ làm đau và có thể gây chảy máu, nhiễm trùng cho trẻ.

Không cho trẻ uống những loại  nước có màu đen hoặc đỏ như Coca, Pepsi, Xá xị… vì có thể gây nhầm lẫn với tình trạng xuất huyết tiêu hóa ở trẻ.

Không dùng hạ sốt bằng Aspirin, Ibuprofen (vì dễ gây xuất huyết nặng).

Không cho trẻ sốt xuất huyết truyền dịch tại các phòng khám tư hoặc cơ sở y tế không đủ điều kiện

BS Nguyễn Văn Hà

Nguồn https://suckhoedoisong.vn

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Cảnh báo tình trạng tiêu chảy do kháng sinh ở trẻ và cách xử lý (26/6)
 6 lời khuyên của chuyên gia tâm lý giúp trẻ ngủ độc lập một mạch tới sáng (25/6)
 Cách chăm sóc trẻ mắc viêm phổi trong mùa hè (22/6)
 Nguyên nhân, điều trị và cách phòng ngừa sâu răng ở trẻ nhỏ (16/6)
 3 lưu ý mẹ nên biết khi sử dụng kem chống muỗi cho bé (15/6)
 Đeo khẩu trang đúng cách: Biện pháp tránh tổn thương phổi (9/6)
 Trẻ hay ốm vặt có nên học bơi? (4/6)
 Đánh giá tình trạng suy dinh dưỡng cho trẻ em DTTS (3/6)
 Thuốc sinh học trị viêm da dị ứng ở trẻ em từ trung bình đến nặng (1/6)
 Phòng ngừa viêm họng “hỏi thăm” trẻ ngày hè (27/5)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i