Tâm lý
   Người bố, người mẹ thật sự trong mắt con sẽ như thế nào?
 

Khi những đứa trẻ được sinh ra, chúng ta nghĩ rất nhiều về việc chúng sẽ như thế nào. Đó là những suy nghĩ đúng đắn và tự nhiên.

Thế nhưng, sẽ không tệ nếu các bạn thử nghĩ xem chính chúng ta – các bậc cha mẹ nên thay đổi như thế nào để phù hợp với sự ra đời và lớn lên của đứa trẻ. Và chúng ta sẽ làm gì để trở thành một người bố, người mẹ thật sự trong mắt con.

Một người mẹ thật sự là luôn biết nói “Xin lỗi con”

Người ta cho rằng bố mẹ cần phải có uy quyền. Thế nên người ta cũng cho rằng bố mẹ không cần phải xin lỗi con cái.

Thế nhưng, tôi nghĩ rằng đại đa số những người nghĩ như thế đều không làm rõ được nội dung của uy quyền. Tôi luôn phân biệt uy quyền và quyền lực.

Quyền lực là kẻ mạnh trên nhiều phương diện ra lệnh, tỏ ra ngạo mạn với kẻ yếu hơn. Việc bố mẹ quát con: “Ăn nói với bố mẹ kiểu gì thế hả!” chính là sự thể hiện với con rằng “Bố mẹ luôn vĩ đại”, thể hiện sự thị uy với con.

Đứa trẻ bị buộc phải có cảm giác tự ti, nghĩ rằng bản thân mình được bố mẹ nuôi dưỡng nên dẫu lời bố mẹ nói có vô lý đi nữa mình cũng phải nghe theo.

Thực sự, trẻ không cần phải có cảm giác tự ti nghĩ rằng bản thân đang được người ta nuôi dưỡng. Nhưng hễ có cơ hội là bố mẹ lại kể công nên dần dần, trẻ sẽ mang cảm giác tự ti ấy từ lúc nào không biết.

Có thể nói, những ông bố, bà mẹ khiến con có cảm giác như vậy là những ông bố, bà mẹ quyền lực.


Các bậc cha mẹ hãy gần gũi, quan tâm con trẻ.

Quyền uy thật sự là khi bản thân người ấy không nhận ra nhưng lại tỏa sáng vì luôn được những người xung quanh yêu kính. Những người như vậy rất khiêm nhường. Họ không bao giờ thị uy với ai. Và họ thường lắng nghe những gì người khác nói, tôn trọng đối phương.

Tôi mong rằng bố mẹ hãy cư xử khiêm nhường đối với các con của mình. Tuyệt đối không nên thị uy với con. Và những ông bố, bà mẹ có uy quyền thật sự thường rất hay xin lỗi con. Câu xin lỗi được thốt ra không chút đắn đo.

Tất nhiên, lời xin lỗi ấy thốt ra cũng không phải với sự dễ dãi, không phải với ý nghĩ rằng cứ xin lỗi là xong. Đó là những người bố, người mẹ có nhân cách lớn, luôn có ý thức trách nhiệm đối với mọi hành vi của mình.

Hình ảnh người bố, người mẹ thật sự được phản ánh rõ nét trong mắt trẻ con

Khi tôi đề xướng không cần huấn luyện và ngừng la mắng con cái, có những người bố, người mẹ đã hỏi tôi rằng nếu thế thì cần phải rèn trẻ như thế nào. Đó là những người theo chủ nghĩa huấn luyện.

Có hai loại huấn luyện. Loại thứ nhất là huấn luyện bằng cách gây áp lực bằng mệnh lệnh. Đó là khi bố mẹ huấn luyện con bằng những câu mệnh lệnh như “Con hãy…”, “Con không được…”.

Vì răm rắp nghe theo những mệnh lệnh như thế mà sự phát triển tính tự giác ở con bị chèn ép, dần dần con sẽ trở thành một đứa trẻ không biết phát hiện đề tài cho bản thân, không biết tự phán đoán và cũng không biết tự thực hiện. Nếu không có chỉ thị của bố mẹ, trẻ sẽ không biết làm điều gì cả.

Những đứa trẻ như thế, khi đi mẫu giáo, nếu giáo viên không bảo “Con có thể…” thì trẻ sẽ chẳng làm được gì. Mẹ của những đứa trẻ như thế thường hay bảo con: “Con phải hỏi cô giáo rồi mới được làm nhé”.

Vì thế, trẻ không thể tự mình suy nghĩ tìm ra trò chơi để chơi với bạn, cũng không biết triển khai trò chơi để tự chơi một mình. Nếu giáo viên bảo: “Các con hãy tự suy nghĩ nhé”, trẻ sẽ ngồi thẫn thờ, đi lại quanh quẩn vì không biết mình phải làm cái gì.

Có thể nói, sự huấn luyện bằng áp lực mệnh lệnh sẽ tạo cho trẻ một tâm hồn cực kỳ đáng thương. Tôi mong rằng đừng ai áp dụng kiểu huấn luyện này nữa.

Thêm một kiểu huấn luyện nữa đó là nhắc đến một người nào khác. Đây là cách huấn luyện mà mẹ thường hay bảo với trẻ, như “Làm thế sẽ bị… (ai đó) mắng đấy”, “Làm thế sẽ bị… (ai đó) cười cho”, “Mẹ sẽ mách bố đấy”.

Kiểu huấn luyện này không có ở phương Tây, đây là kiểu huấn luyện đặc trưng ở đất nước Nhật Bản. Những đứa trẻ bị huấn luyện theo kiểu này lớn lên sẽ trở thành những người rất khách khí.

Tức là kiểu huấn luyện thứ hai này sẽ tạo ra những đứa trẻ lúc nào cũng nơm nớp lo sợ không biết người ta đánh giá về mình như thế nào.

Khách khí, hay ý thức quan tâm đến những gì người khác nghĩ về mình, không hề thấy ở phương Tây. Đó là ý thức đặc trưng của người lớn ở Nhật Bản.

Ở phương Tây, bố mẹ luôn có ý thức nuôi dạy nên những đứa trẻ có thể trả lời rành rọt “Có” hoặc “Không” theo đúng suy nghĩ của chúng, và họ mong muốn con của họ trở thành như vậy. Vì thế, ngay cả khi trẻ nói “Không”, họ vẫn tôn trọng điều đó.

Đừng biến trẻ thành người không có chính kiến

Khoảng mười năm trước, tôi từng có thời gian hai tháng sống giữa cộng đồng nói tiếng Đức, tôi đã rất vui khi có thêm nhiều người bạn mới. Một hôm nọ, bốn gia đình cùng nhau đi ăn nhà hàng. Tại một nhà hàng của Mỹ, mỗi người đều được phát một cuốn thực đơn.

Điều này có nghĩa là họ tôn trọng việc mỗi người tự suy nghĩ và chọn món cho riêng mình, tức là tôn trọng quyết định của mỗi cá nhân. Thế nên lựa chọn của mọi người thường không giống nhau.


Các bậc cha mẹ đừng biến trẻ thành người không có chính kiến.

Hôm đó có một bé gái bảy tuổi. Đứa bé đã chọn một món rau hạng sang với suất lớn nhất. Bố mẹ đứa bé đã tôn trọng quyết định đó của con. Mẹ của bé ngồi cạnh tôi, đã rỉ tai tôi rằng con bé ghét ăn thịt, nhưng người mẹ vẫn tôn trọng món mà con đã chọn. Và người mẹ đã cắt một phần món thịt trên đĩa của mình và để lên trên phần rau của con.

Sau khi trở về Nhật Bản, cũng có một lần gia đình tôi cùng ba gia đình khác đi ăn tại một nhà hàng món Hoa. Chỉ có duy nhất một bản thực đơn, mọi người bảo: “Mời thầy chọn” nên tôi được nhân viên trao thực đơn cho mình.

Tôi đã chọn món dựa trên sở thích, tình trạng bụng mình và khả năng kinh tế. Các bạn có biết điều gì diễn ra tiếp không? Tất cả những người lớn có mặt đều bảo: “Tôi cũng thế”, bắt chước y như tôi. Tôi đã nghĩ sao lại thiếu cá tính đến thế!

Thế nhưng, có một đứa bé bảy tuổi cùng đi đã bảo rằng: “Con muốn ăn mì ramen”. Tôi luôn cho rằng một đứa bé biết trình bày rõ ràng chính kiến của mình là một đứa trẻ ngoan, nhưng người bố ngồi bên cạnh lại mắng con mình vì người bố cho rằng việc chọn món khác với những người còn lại là bướng bỉnh.

Tôi đã hiểu được rõ ràng thực trạng người ta tạo ra quy chuẩn cho hành động của con người, đứa trẻ nào làm theo thì được đánh giá là trẻ ngoan, những đứa trẻ nào không làm theo thì bị cho là có vấn đề.

Ở đây, cá tính của trẻ đã bị đè bẹp. Ngày nay, trong giáo dục ở trường, cá tính không được ngó ngàng, và thường được xem là điều không tốt. Đó là bởi vì ngành giáo dục vẫn có rất ít giáo viên biết trân trọng cá tính của trẻ. Ý thức này không thể cải thiện một sớm một chiều. Dù thế nào thì cũng sẽ mất rất nhiều thời gian.

Nhưng dẫu có tốn nhiều thời gian, chúng ta cũng cần phải nỗ lực để có được một xã hội dân chủ, phải lên tiếng kêu gọi mọi người hướng tới một nền giáo dục dân chủ từ trong gia đình và từ chính những người mẹ.

Trích sách Giáo dục không la mắng – do First News phát hành.

Giáo dục không la mắng được Giáo sư Nobuyoshi Hirai viết nên từ chính những trải nghiệm mà ông đã quan sát tìm hiểu và nghiên cứu về trẻ em trong suốt nhiều năm qua.

Giáo sư Nobuyoshi Hirai (1919-2006) tốt nghiệp khoa Văn, Đại học Tokyo và khoa Y, Đại học Tohoku.

Ông là thành viên Phòng nghiên cứu Aiiku thuộc Hội Bà mẹ Trẻ em Aiiku và là giáo sư trường Đại học nữ Ochanomizu.

Năm 1970 ông là giáo sư trường Đại học nữ Otsuma, từ 1990 là giáo sư danh dự của trường Đại học nữ Otsuma.

Ngoài ra ông còn là một tiến sĩ y khoa, hội trưởng Hội Nghiên cứu Nhi đồng học.

Nguồn: https://giaoduc.net.vn

 

 

 

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Hãy cẩn thận trong cách hành xử trước mặt các con (29/11)
 Chính cha mẹ phải đổi thay! (23/11)
 Có nên học cùng con? (22/11)
 Cách nuôi dạy con khác biệt của bà mẹ Anh (19/11)
 Rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ (16/11)
 9 lý do cha mẹ đừng nên áp dụng các biện pháp trừng phạt với con cái (8/11)
 8 hậu quả nghiêm trọng với con cái khi cha mẹ giả vờ sống hạnh phúc (11/10)
 Giáo dục trẻ tự kỷ: Bắt đầu từ lối nhỏ yêu thương (8/10)
 Ba kiểu người mẹ khiến trẻ gặp khó khăn trong tương lai (4/10)
 9 câu nói bố mẹ nên dành cho con hàng ngày để trẻ tự tin, hạnh phúc (2/10)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i