Cha mẹ ngồi cùng con học bài là hình ảnh quen thuộc. Thế nhưng bà Tôn Nữ Thị Ninh cho rằng, đó là dấu hiệu không thành công của nhà trường và gia đình.
Môn nào mẹ cũng phải giỏi?
Đề cập tới hình ảnh từng thấy trên tivi, cảnh các bà mẹ tối nào cũng vội vàng nấu cơm, dọn dẹp xong lại vào ngồi học với con, bà Tôn Nữ Thị Ninh cho rằng, đó là một dấu hiệu của sự không thành công của nhà trường và gia đình.
H1
Nắm bắt thói quen của con để có phương pháp hỗ trợ phù hợp
Bà Ninh phân tích: “Trên thực tế, đáng lẽ đứa trẻ phải biết tự học, chứ việc cha mẹ dành 1, 2 tiếng buổi tối để ngồi canh con học, tôi thấy đã là một vấn đề rồi. Phải làm thế nào để tạo được sự hứng thú cho con, chứ nếu con học theo một cách bất đắc dĩ thì đó đã là một thất bại”, bà Ninh nói. Vì thế, Việt Nam nên tránh kiểu học của Hàn Quốc và Đài Loan, học gạo, học đến mức có những em thiếu niên mất thăng bằng tâm lý, thần kinh, hoặc cha mẹ thì cứ chăm chăm sau lưng con hằng ngày như vậy.
Theo quan điểm của bà Ninh, cần tiếp cận phương pháp giáo dục mới, để cha mẹ có thể bước lùi lại vài bước, để con cái mình có thể phát triển tự do, nhưng trong một không gian, một khuôn khổ mà cha mẹ có thể yên tâm. Phương pháp giáo dục đó phải tạo ra sự hứng thú và khát vọng, nếu như sau một số năm học tập, mà không thấy được khát vọng của con hay không thấy con có một sự thích thú gì đặc biệt, thì đó một vấn đề. “Tôi nghĩ cha mẹ không nên can thiệp quá nhiều, bắt con em phải học ngành này ngành khác. Vấn đề quan trọng nhất là phải vươn lên đỉnh cao”, bà Ninh chia sẻ.
Đồng tình với quan điểm trên, chị Nguyễn Thu Linh, phụ huynh có 2 con học lớp 3 và lớp 8 (Hà Nội) cho rằng: Chỉ cần giúp trẻ yêu thích học hỏi từ khi còn nhỏ thì đã thành công rồi. Ở các nước phát triển, học sinh cấp một hầu như không bị dồn ép học hành gì. Giáo viên cấp một được đào tạo để truyền cảm hứng giúp học sinh làm quen với cộng đồng, biết học cách thích nghi, biến lắng nghe tiếp thu cái hay, biết thể hiện tư duy riêng, hòa nhập với xã hội. Vì vậy, mà học sinh cấp một ở những nước phát triển rất thích đến trường. Nghịch lý với nước Việt Nam ta là đa số học sinh nghe tới trường là thấy ngán.
Thế nhưng, không ít mẹ than thở rằng, họ cũng để con tự học một thời gian nhưng rồi bị cô giáo gọi điện “mắng” là tại sao ở nhà không kèm sát con, để con học trước quên sau, không thuộc nguyên văn bài... Chị Thu Hiền, phụ huynh có con học cấp II (Hà Nội) cho biết: “Ngày nào, đi làm về cơm nước xong lại phải ngồi làm “gia sư” cho con cả tối. Không những thế, mẹ phải giỏi đủ các môn, trên phải thông thiên văn, dưới phải tường địa lý. Nhiều khi gặp bài khó phải gặp thầy “gu gồ” xem cách giải rồi giảng lại cho con”. Còn anh Hà Thái, một phụ huynh cũng nêu thực tế, thường bố mẹ không được học về phương pháp nên chỉ tìm được cách giải ra đáp số (đúng) nhưng cách tiếp cận và bước giải thì không rõ ràng rành mạch khiến trẻ thấy rối hơn.
Lựa chọn cách học cùng con ra sao?
Khác với quy chuẩn dạy con của hầu hết các bà mẹ, chị Trần Thu Hà - bà mẹ từng “gây bão” với tuyên bố “không biết con học đến bài nào”. Là tác giả của cuốn sách với tựa đề thú vị “Con nghĩ đi, mẹ không biết!”, câu nói này của chị chính là mong muốn khơi gợi cho con tính tự lập trong tìm hiểu kiến thức.
Từng là giáo viên và có gần 20 năm làm phóng viên theo dõi mảng giáo dục, chị Thu Hà cho biết: Ở Israel, trong những tiết học tôi được dự giờ thì giáo viên hay dùng câu hỏi này nhất: “Why?” “Why? I don’t know!” (Tại sao? Cô không biết?). Và tôi thấy rằng, nhiệm vụ của giáo viên và của bố mẹ không phải là truyền thụ tri thức. Từ xa xưa, nhà triết học Socrates đã nói “Giáo dục không phải là đổ nước cho đầy bình, mà là châm một ngọn lửa!”. Bây giờ càng hơn thế, tri thức có ở khắp nơi, và rất dễ tải xuống, mua về, hoặc hỏi bất cứ người nào, thậm chí cả những người mình không biết mặt, không biết tên. Chỉ cần quăng câu hỏi lên mạng, mình sẽ được trả lời. Vậy thì việc nào quan trọng hơn? Liên tục giải đáp cho con, nhồi thật nhiều kiến thức vào đầu con, hay tập cho con một tâm thế đi tìm tòi tri thức?
“Tôi quan niệm về sự học của trẻ con rất rộng. Trẻ con đang lớn là thời điểm học rất nhiều, rất mạnh. Chúng ta không học tốt bằng trẻ con đâu. Với 2 cô con gái của tôi, tôi không thúc ép học bài, chỉ tìm cách làm sao cho bài học trở nên hấp dẫn hơn mà thôi... Hình như tôi chưa phạt bao giờ về việc học. Học vui lắm, học là món quà, học không phải là nghĩa vụ nặng nề” - chị Thu Hà chia sẻ
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, việc học vốn dĩ đã rất căng thẳng nên về nhà cha mẹ cũng không cần phải tạo thêm áp lực khi dạy con học. Hãy tạo không khí thoải mái, giữ thái độ ôn hòa, nhẹ nhàng khi giảng bài để con không có cảm giác sợ học. Tìm hiểu những cách thức dạy học linh hoạt, có thể thông qua những trò chơi để con có thể tiếp thu bài nhanh hơn. Không nên tạo áp lực bắt buộc con phải ngồi vào bàn học bằng mọi cách. Tránh tỏ thái độ bực bội, cáu gắt hay dùng những câu nói nặng lời để quát mắng con. Bởi tất cả những điều này sẽ càng khiến con khó tiếp thu bài và chán ghét việc học hơn. Bạn cần phải nắm được thói quen học của con, biết con thích học một mình hay cần có người ngồi bên cạnh, con thích học môn tự nhiên, khoa học hay xã hội. Từ đó, bạn có thể chọn cho mình phương pháp phù hợp nhất hỗ trợ việc học của con sao cho hiệu quả./.
Nguồn https://vov.vn