Dinh dưỡng tốt mang lại sức khỏe trẻ sơ sinh, trẻ em và sức khỏe bà mẹ tốt hơn, hệ thống miễn dịch khỏe hơn.
Dinh dưỡng có ý nghĩa quan trọng đối với sức khỏe và phát triển. Dinh dưỡng tốt mang lại sức khỏe trẻ sơ sinh, trẻ em và sức khỏe bà mẹ tốt hơn, hệ thống miễn dịch khỏe hơn, đảm bảo mang thai và sinh con an toàn hơn, nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm như bệnh tiểu đường và tim mạch, thấp hơn và sống lâu hơn.
Tác hại của suy dinh dưỡng
Thách thức về suy dinh dưỡng
Suy dinh dưỡng, dưới bất kỳ hình thức nào đều đe dọa nghiêm trọng sức khỏe con người và là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh tật và tử vong sớm cho phụ nữ và trẻ em. Thiếu dinh dưỡng là nguyên nhân của 11% gánh nặng bệnh tật toàn cầu, dẫn đến ốm đau lâu dài và tàn tật, cũng như những hậu quả về giáo dục và phát triển. Thiếu dinh dưỡng, trong đó có thiếu vitamin, góp phần gây ra 1/3 số ca tử vong trẻ em và ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển lành mạnh và năng suất lao động trong suốt cuộc đời.
Cần thực hành đúng chế độ dinh dưỡng cho trẻ
Thấp còi (chiều cao thấp so với tuổi theo chuẩn tăng trưởng ở trẻ em của Tổ chức Y tế Thế giới - WHO) là chỉ số chính về thiếu dinh dưỡng kéo dài ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Trên toàn thế giới có 186 triệu trẻ em bị thấp còi do thiếu dinh dưỡng. Châu Phi và châu Á có tỷ lệ trẻ bị thấp còi cao nhất thế giới. Năm 2010 có 36% trẻ ở Nam và Trung Á bị thiếu dinh dưỡng.
Gầy mòn (cân nặng thấp so với chiều cao, theo chuẩn tăng trưởng ở trẻ em của WHO) là triệu chứng suy dinh dưỡng cấp tính, hậu quả của thiếu ăn, bị làm phức tạp thêm bởi tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là tiêu chảy. Hằng năm có khoảng 1,5 triệu trẻ chết vì gầy mòn. Tình trạng gầy mòn đòi hỏi áp dụng các can thiệp bổ sung dinh dưỡng để cứu tính mạng trẻ. Thế giới đang phải đối mặt với gánh nặng kép của suy dinh dưỡng, tức là cả thiếu dinh dưỡng và béo phì.
Thừa cân và béo phì dẫn đến hậu quả mắc những bệnh không lây truyền như đái tháo đường, bệnh tim mạch, tăng huyết áp và đột quỵ, một số bệnh ung thư và các bệnh lý khác. Theo thống kê toàn cầu năm 2010, có khoảng 43 triệu trẻ dưới 5 tuổi bị thừa cân.
Đồ thị trẻ 5-19 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thừa cân, thấp còi, gầy còm năm 2010.
Chế độ ăn phòng tránh thiếu dinh dưỡng
Nguyên nhân thiếu dinh dưỡng và cách phòng tránh
Nguyên nhân chính của tình trạng thiếu dinh dưỡng là chế độ ăn thiếu vitamin và khoáng chất, dẫn đễn thiếu hụt vi chất dinh dưỡng, suy dinh dưỡng mẹ cùng với chăm sóc trẻ chưa đầy đủ và bệnh tật. Giá cả thực phẩm tăng, thiếu hụt thực phẩm ở những khu vực có xung đột và thiên tai cũng có thể khiến nhiều gia đình không đủ thực phẩm và thực phẩm phù hợp, dẫn đến suy dinh dưỡng.
Khoảng 20% trường hợp tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi trên thế giới có thể phòng tránh được bằng cách nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời, cho trẻ ăn dặm thức ăn phù hợp, an toàn khi được 6 tháng tuổi và tiếp tục cho con bú tới khi trẻ được 2 tuổi hoặc hơn. Thực hành cho trẻ ăn đúng cách giúp giảm tỷ lệ thấp còi, béo phì và thúc đẩy phát triển trí tuệ ở trẻ nhỏ. Và, cách tốt nhất để phòng chống suy dinh dưỡng là cải thiện chế độ dinh dưỡng trong suốt cuộc đời.
Nguồn https://suckhoedoisong.vn