Hệ răng của trẻ muốn phát triển tối ưu cần phải có sự phối hợp chặt chẽ của các yếu tố dinh dưỡng và các yếu tố ngoài dinh dưỡng. Khi một trong các yếu tố ấy bị khiếm khuyết, đều có thể dẫn đến tình trạng răng hư, xấu, mất răng.
Trước tiên, phụ huynh cần biết với một trẻ được cung cấp dinh dưỡng bình thường và phát triển tốt, răng sẽ mọc theo trình tự khi trẻ tròn 30 tháng trong miệng đã đầy đủ 20 răng sữa: Hàm trên có 10 răng. Hàm dưới có 10 răng. Bộ răng vĩnh viễn mọc bắt đầu từ 5 - 6 tuổi đến 12 tuổi. Riêng 4 răng số 8 mọc từ năm 18 đến 25 tuổi. Thông thường, đa số răng vĩnh viễn được hình thành bên dưới răng sữa.
Khi răng vĩnh viễn mọc lên sẽ đẩy vào các chân răng sữa làm cho các chân răng sữa bị tiêu dần dần, cuối cùng bị lung lay và rụng, nhường vị trí cho các răng vĩnh viễn mọc, thế chỗ vị trí răng sữa tương ứng. Thời gian mọc răng vĩnh viễn chính là thời gian rụng của răng sữa
Một chế độ ăn đầy đủ và cân đối rất cần thiết để bảo đảm cho răng trẻ phát triển với cấu trúc vững chắc, ngay từ thời kỳ còn là bào thai cho đến suốt cuộc đời về sau. Chế độ ăn uống của người mẹ ảnh hưởng đến răng con ngay khi trẻ còn trong bào thai.
Mầm răng sữa và mầm răng vĩnh viễn đã được hình thành trong thai nhi vào tuần lễ thứ 8. Do vậy chế độ ăn uống của người mẹ phải có nhiều chất canxi, chất khoáng… để tạo nên xương và răng của thai nhi.
Trong suốt 3 năm đầu đời, một chế độ dinh dưỡng tốt, cân bằng nói chung rất quan trọng đối với trẻ. Riêng đối với sự phát triển hệ răng, chế độ dinh dưỡng tốt sẽ cung cấp những dưỡng chất cần thiết cho quá trình cấu tạo nướu và răng của trẻ. Đây là giai đoạn căn bản, xảy ra quá trình khoáng hóa của lớp men răng và ảnh hưởng đến sự phát triển của răng trước khi mọc và trong quá trình mọc của hệ răng.
Ảnh minh họa
Trẻ cần ăn nhiều thực phẩm giàu canxi bởi canxi là thành phần quan trọng trong cấu trúc xương và răng (99%). Canxi được cơ thể hấp thụ rất tốt từ sữa, thức phẩm giàu canxi bao gồm sữa, phômai, cua ốc, tôm, tép, cá, cá nhỏ nguyên xương, các sản phẩm từ sữa, rau màu xanh đậm, sản phẩm từ đậu (đậu hũ)… Để canxi được hấp thu tốt hơn, hàng ngày nên cho trẻ chơi, sinh hoạt, nô đùa trong nắng liên tục ít nhất 30 phút mỗi ngày.
Đảm bảo nhu cầu Vitamin D
Vitamin D có tác dụng giúp cơ thể sử dụng tốt canxi và phospho để hình thành và duy trì hệ xương răng vững chắc. Muốn canxi được hấp thu và sử dụng tốt, cơ thể phải có đủ vitamin D, nếu không, có khi cho dù trẻ ăn uống đủ canxi nhưng vẫn bị thiếu canxi dẫn đến còi xương. Vì vậy, ta còn gọi những trẻ còi xương là “còi xương do thiếu vitamin D.
Trong tự nhiên, rất ít thực phẩm có lượng đáng kể vitamin D. Tuy nhiên, cũng có thể kể đến dầu gan cá (nhất là những loại cá béo: cá thu, cá hú…), trứng gà, những loại dầu ăn được bổ sung vitamin D. Nguồn cung cấp chủ yếu vitamin D cho cơ thể là do cơ thể tổng hợp vitamin D từ các tiền vitamin D ở dưới da, dưới tác động quang hóa của tia cực tím trong ánh sáng mặt trời.
Như vậy khi trẻ được nuôi dưỡng không đầy đủ hoặc không đúng, cũng như thiếu ánh sáng mặt trời do nhà ở chật chội, tối tăm, do mặc quần áo quá nhiều hoặc trẻ bị “nhốt” trong nhà suốt ngày… trẻ sẽ dễ bị còi xương.
Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi, đặc biệt là trẻ từ 3 tháng đến 18 tháng. Triệu chứng thần kinh biểu hiện sớm nhất là trẻ ngủ không yên giấc, hay giật mình, ra nhiều mồ hôi, rụng tóc sau gáy, có thể mềm xương sọ, trán dồ, chậm mọc răng, tay chân cong, đi vòng kiềng…
Ăn nhiều thực phẩm giàu phospho
Đây là chất khoáng có nhiều thứ 2 trong cơ thể sau canxi. Có chức năng hình thành và duy trì hệ xương răng vững chắc và duy trì các chức phận khác của cơ thể. Phospho trong thức ăn động vật có giá trị sinh học cao hơn so với thức ăn thực vật.
Cho đến nay, chưa phát hiện tình trạng thiếu phospho do nguồn thực phẩm động vật và thực vật chứa phospho có mặt khắp mọi nơi
Cung cấp thực phẩm giàu Vitamin C
Vitamin C tham dự vào quá trình tổng hợp chất collagen (phân tử cơ bản của các mô liên kết). Việc thiếu hụt trầm trọng vitamin C sẽ dẫn đến bệnh scorbut, tế bào ontoplast bị thoái hóa, tủy răng, nướu răng trở nên xốp làm nướu răng bị viêm loét, dễ chảy máu chân răng và dẫn đến rụng răng.
Ngoài ra, vitamin C còn giúp tăng cường hệ miễn nhiễm, chống nhiễm khuẩn chân răng.Các vết thương sẽ mau lành nếu các mô được bão hòa lượng vitamin C.
Rau xanh, quả tươi như cam, chanh,quýt, bưởi, nước ép cà chua, bông cải xanh, xoài… là nguồn dinh dưỡng cung cấp nhiều vitamin C.
Nguyên nhân thiếu vitamin C có thể do trẻ thiếu sữa mẹ, ăn thiếu rau xanh, trái cây tươi, ăn thức ăn nấu quá chín hoặc trẻ bị bệnh nhiễm khuẩn, rối loạn tiêu hóa…
Bệnh thiếu sinh tố C thường xảy ra ở trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi, bệnh biểu hiện qua xuất huyết dưới da và niêm mạc như chảy máu nướu răng, sưng nướu, men răng kém chất lượng hay bị sún răng.
Ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin A
Vitamin A có tác dụng bảo vệ mắt, chống quáng gà và các bệnh khô mắt, đảm bảo sự phát triển bình thường của bộ xương, răng, bảo vệ niêm mạc và da, tăng cường sức đề kháng cơ thể chống lại các bệnh nhiễm khuẩn.
Thực phẩm giàu vitamin A chủ yếu có trong thực phẩm nguồn gốc động vật: gan, thịt, trứng, chế phẩm từ sữa (sữa, kem, bơ…). Thức ăn nguồn gốc thực vật có thể kể đến những loại củ quả màu vàng/đỏ đậm (cà chua, carrot, đu đủ…), rau xanh đậm (rau ngót, rau muống, rau dền…), các loại dầu thực vật được bổ sung vitamin A.
Ăn nhiều rau quả
Rau, hoa quả, ngũ cốc, khoai củ, mía cây… cung cấp nhiều vitamin, khoáng chất (nâng cao sức đề kháng), bổ sung chất xơ giúp trẻ nhuận tràng, chống táo bón. Chất xơ còn có tác dụng chà răng, đồng thời thoa nắn cho nướu răng thêm mạnh và bền chắc.
Nhu cầu xơ khoảng 18 - 20g / ngày (nên khuyến khích trẻ ngày ăn 2 lần các loại quả, nên ăn ≥ 3 lần các loại rau - những loại rau quả quen thuộc trẻ thích ăn).
Vai trò Fluor
Fluor là một vi chất dinh dưỡng tham gia vào các quá trình phát triển răng, tạo ngà răng và men răng. Fluor còn giữ vai trò quan trọng trong quá trình tạo xương và có ảnh hưởng đến sự điều hóa, chuyển hóa canxi phospho.Trong cơ thể, lượng fluor tập trung cao nhất ở xương và răng.Tuổi càng cao, lượng fluor trong cơ thể (chủ yếu ở xương) càng tăng. Quá trình tích chứa fluor ở răng xảy ra lúc còn bé, trong thời kỳ hình thành và phát triển các răng vĩnh viễn.
Phòng bệnh
Ở nơi có nhiều fluor phải hạn chế sử dụng nguồn nước nhiều fluor, thực hiện biện pháp bảo vệ không khí ở những vùng công nghiệp phát triển. Lượng fluor trong thực phẩm hấp thu kém hơn Fluor trong nước nhưng chế độ ăn vẫn cần cân đối về canxi - phospho cũng như phối hợp thêm vitamin D.
Thực phẩm cần hạn chế
Nên giới hạn trước tiên là các bánh, kẹo ngọt, nước ngọt có đường, nước ngọt có gas và kem. Hạn chế dùng những thức ăn dễ dính răng chẳng hạn như kẹo dừa, mè xửng, nước ngọt, chè… là một trong những yếu tố góp phần làm cho răng dễ bị sâu hơn.
Nếu ăn những thực phẩm nêu trên, phải uống nước, súc miệng ngay, để chậm sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn và chất đạm sẵn có trong nước miếng kết hợp với bột, đường thành mảng bám răng, nôm na gọi là “bựa răng”: vi khuẩn trong miệng tác động lên bột, đường biến ngọt thành chua ăn mòn men răng, xâm nhập tới ngà răng, tiến vào tủy răng (sâu răng).
Trẻ buồn ngủ trong khi bú hãy lấy ngay chai sữa trong miệng trẻ. Việc này sẽ ngăn không cho sữa từ bình chảy ra và giữ quanh răng suốt lúc trẻ ngủ và gây ra sâu răng. Khi trẻ ngủ, nước bọt có tính bảo vệ thông thường ngừng tiết ra và điều này làm tăng nguy cơ sâu răng.
Tránh cho trẻ uống nước trái cây trong bình sữa vì như thế sẽ kéo dài thời gian răng tiếp xúc với đường và axit trái cây. Khi trẻ được 6 tháng tuổi, hãy khuyến khích trẻ uống trong ly.
Những thói quen xấu
Không cho trẻ ngậm núm vú giả:
Không nên có suy nghĩ răng sữa không quan trọng vì nó sẽ rụng, và được thay thế nên lơ là, hoặc không chăm sóc. Đây là một suy nghĩ không đúng vì dưới răng sữa có mầm răng vĩnh viễn phát triển liên tục và mọc ra khi răng sữa rụng. Nếu răng sữa không được chú ý chăm sóc sẽ dẫn đến các răng vĩnh viễn bị ảnh hưởng, có thể mọc không đúng chỗ, chen lấn nhau.
Tạo cho trẻ thói quen đi khám răng từ nhỏ. Điều này giúp nha sĩ phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh sâu răng, đưa ra các biện pháp ngăn ngừa cũng như những lời khuyên cho sức khỏe răng miệng.
Nếu răng sữa bị sâu, cần đưa trẻ đến cơ sở nha khoa để khám và điều trị sớm. Có một hàm răng chắc, khỏe trẻ sẽ ăn uống và phát triển toàn thân tốt.
Mút ngón tay
Lý do thói quen này được xếp vào thói quen không tốt do có thể đẩy các răng phía trước ra ngoài, gây ra hiện tượng “răng vẩu”. Trường hợp mút vú cao su hay bú bình cũng có thể gây ra hiện tượng “răng vẩu” nhưng không đáng kể.
Muốn tránh cho trẻ khỏi thói quen mút tay, ngay từ khi còn rất nhỏ, các bậc phụ huynh cần kiên nhẫn loại bỏ thói quen này ở trẻ, không để trẻ bị đói và bất an.
Ngậm bình sữa bú khi ngủ
Bú bình dễ gây ra hiện tượng sâu răng, thường gọi đó là “sâu răng do bú bình”. Đây là do trẻ bú bình sữa, nước trái cây hay dùng các dung dịch ngọt trong suốt ngày ngay cả khi ngủ. Trong khi ngủ chỉ có rất ít nước bọt được tiết ra để làm giảm acid trong miệng và bảo vệ răng, do đó những răng phía trước sâu rất nhanh.
Tật cắn móng tay và gặm bút ở trẻ
Các thói quen cắn móng tay, gặm bút , cắn các vật cứng rất có hại vì sẽ làm cho răng trẻ bị mòn, dễ rạn nứt, mẻ, ê, đau răng và giảm độ ngon miệng khi ăn uống lâu ngày còn có thể làm chết tủy răng và dễ có nguy cơ bị sưng tấy hay nhiễm trùng phần da xung quanh móng gây mất vệ sinh hay dễ nhiễm các bệnh giun sán.
Việc cắn móng tay có thể là do tâm lý hay do thói quen và trẻ làm việc này một cách không ý thức. Cha mẹ tránh la mắng, phạt trẻ vì có thể làm cho tật xấu càng phát triển hơn. Cha mẹ cần giải thích cho trẻ một cách nhẹ nhàng, xây dựng ý thức từ bỏ thói xấu này ở trẻ và nhắc nhở khi trẻ quên cho vào miệng, cha mẹ tìm cách lôi cuốn con trẻ vào những chú ý mới như những trò chơi khác cần sử dụng tay để trẻ không có cơ hội cắn móng tay.
Dùng tăm xỉa răng sau bữa ăn
Tránh dùng tăm xỉa răng với động tác “xỉa”quá mạnh, đặc biệt là chọc xuyên tăm qua kẽ răng vì nếu dùng các vật nhọn xỉa răng thường xuyên ,có thể làm trẻ bị mòn răng, tổn thương ,nhiễm trùng nướu và sẽ làm hở kẽ răng ngày càng rộng ra thêm tạo cơ hội mắc thức ăn nhiều và dễ dàng hơn.
Để loại sạch mảng bám trẻ nên chải răng bằng bàn chải, làm sạch kẽ răng bằng chỉ tơ nha khoa. Chỉ cho trẻ xỉa răng khi thật cần thiết như khi bị thịt, thức ăn mắc vào răng. Nên cho trẻ dùng tăm xỉa răng đầu nhỏ vừa với kẽ răng và tương đối mềm để không gây tổn thương nướu.
Khen thưởng và quở phạt
Không bao giờ sử dụng các thức ăn có chất ngọt như kẹo, chocolate, kem làm phần thưởng cho trẻ khi chúng làm tốt một việc gì. Đừng hăm dọa sẽ đưa trẻ đi bác sĩ răng hàm mặt vì trẻ không ngoan.
Vấn đề thường gặp ảnh hưởng đến hệ răng:
Trẻ biếng ăn, suy dinh dưỡng:
Điều trị biếng ăn, suy dinh dưỡng sớm sẽ giúp trẻ bắt kịp sự tăng trưởng của các bạn cùng lứa tuổi. Nhằm tránh thiếu đa vi chất ảnh hưởng sự phát triển hệ răng
Trẻ không thích uống sữa: Cần khuyến khích trẻ ăn thêm những thực phẩm được làm từ sữa (sữa chua, phô mai…), thường xuyên cho trẻ ăn những thực phẩm có nhiều canxi như: Cua đồng, tôm, tép, ốc, cá con ăn luôn cả xương. Không có điều kiện để tiếp xúc nhiều ánh nắng:
Cần tham khảo ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn sử dụng một chế phẩm vitamin D phù hợp cho cơ thể trẻ.
|
Lời khuyên của thầy thuốc
Bệnh nha chu phát từ nướu răng, gây chảy máu nướu, viêm tấy ửng đỏ làm đau nhức khó chịu. Dần dần, răng sẽ lung lay ngã theo nhiều hướng, xáo trộn khớp cắn. Trường hợp nặng hơn kèm theo xuất hiện mủ quanh cổ răng (abces dentaire), lấy tay ấn nhẹ mủ sẽ tràn ra, miệng có mùi hôi. Cuối cùng là răng rụng hàng loạt.
Trong miệng trẻ sơ sinh không có vi khuẩn gây sâu răng. Khi răng bắt đầu mọc, vi khuẩn sẽ được truyền từ mẹ (hoặc người nuôi dưỡng) cho trẻ qua việc hôn hít, nếm thức ăn hay làm sạch núm vú giả bằng cách mút trong miệng trước khi cho trẻ bú. Do không thường xuyên làm vệ sinh răng miệng, sau khi ăn không chải răng ngay. Khi răng miệng giữ không sạch, độc tố do vi khuẩn trong cao răng tiết ra gây kích thích nướu và vi khuẩn “phục kích” ở kẽ răng, ở nướu làm nướu sưng đỏ, gây cảm giác khó chịu. Cao răng bám sâu xuống nướu gây viêm nướu dẫn đến tiêu xương, tạo ra túi mủ, làm nướu bị tách ra không bám dính vào răng nữa, dây chằng và xương ổ răng bị tiêu hủy, tạo thành hệ thống túi mủ, răng lung lay ở nhiều mức độ nặng nhẹ, sau đó phải nhổ bỏ.
|
Ths.BS. DƯƠNG CÔNG MINH
Nguồn https://suckhoedoisong.vn