Cảm xúc mầm non
   Người mẹ hiền của trẻ khuyết tật
 

Nỗ lực vượt qua những khó khăn, tự mở cơ sở giáo dục dạy trẻ khuyết tật bằng tất cả tình yêu thương để các em vươn lên hòa nhập với cuộc sống như bao trẻ bình thường khác, cô giáo Nguyễn Thị Việt Hà, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Khai Trí (Vĩnh Phúc) được ví như người mẹ hiền thứ hai của trẻ khuyết tật.

Cô giáo Nguyễn Thị Việt Hà với học sinh trong giờ học.

Sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo thuần nông, Nguyễn Thị Việt Hà sớm nhận thấy có những em nhỏ đã đến tuổi học mẫu giáo hoặc tiểu học, nhưng không đến trường mà lại thu mình chơi ở nhà, không giao tiếp, nói chuyện với người thân. Thậm chí có em vì không có người trông nom mà bỏ nhà đi lang thang không ý thức được sự nguy hiểm chung quanh mình. Khi tìm hiểu Hà biết được đó là biểu hiện của hội chứng tự kỷ, rối loạn tâm thần, chậm phát triển trí tuệ...

Trăn trở về những hoàn cảnh đó, ngay sau khi tốt nghiệp THPT, Hà quyết định thi vào chuyên ngành giáo dục đặc biệt, Trường cao đẳng Sư phạm Trung ương. Khi biết Hà quyết định thi vào chuyên ngành này, nhiều người trong gia đình đã can ngăn nhưng cô vẫn kiên định với quyết định của mình. Hà tâm sự: "Càng học tập, tìm hiểu và nghiên cứu tôi càng nhận ra giáo dục đặc biệt là một lĩnh vực mới mẻ mang đầy tính nhân văn. Chúng tôi được đào tạo để tiếp xúc, tìm hiểu và can thiệp cho những trẻ có nhu cầu đặc biệt như: trẻ mắc hội chứng tự kỷ, khuyết tật trí tuệ, trẻ khiếm thính, khiếm thị, khuyết tật vận động... Từ đó tôi thấu hiểu rằng những em bé này rất cần được yêu thương, quan tâm và hơn hết là cần có môi trường chăm sóc". Tốt nghiệp cao đẳng rồi học tiếp đại học chuyên ngành giáo dục đặc biệt, ra trường, cô giáo Hà quyết định ở lại Hà Nội làm việc với nhiều hoài bão về công việc và cuộc sống.

Tuy nhiên, đến năm 2010, cô giáo Hà nhận thấy ở Vĩnh Phúc chưa có trường lớp nào dạy trẻ đặc biệt. Những gia đình có con mắc chứng tự kỷ hằng ngày phải rất vất vả vượt quãng đường mấy chục cây số đưa các em từ Vĩnh Phúc về Hà Nội học. Chứng kiến quá trình can thiệp và chăm sóc các em, những phụ huynh này đã thuyết phục cô trở về quê hương, vừa để giúp các em không phải đi lại vất vả, vừa là cơ hội để những trẻ khuyết tật khác ở Vĩnh Phúc được hưởng sự chăm sóc, giáo dục đặc biệt. Cảm động trước tình cảm của phụ huynh và tâm nguyện giúp cho trẻ khuyết tật của quê nhà, cô Hà đã trở về Vĩnh Phúc, mở lớp dạy học can thiệp sớm Khai Trí với số học sinh ban đầu là bốn em mắc hội chứng tự kỷ và khuyết tật trí tuệ. Chỉ sau vài tháng hoạt động, có nhiều phụ huynh biết và tìm đến đăng ký cho con em mình theo học tại cơ sở của cô. Tháng 8-2016, cơ sở can thiệp sớm Khai Trí được UBND tỉnh Vĩnh Phúc ra quyết định cho phép nâng cấp thành Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Khai Trí. Hiện nay, trung tâm có 16 giáo viên và một bác sĩ phục hồi chức năng chăm sóc và giáo dục cho hơn 80 trẻ khuyết tật. Với những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như hộ nghèo, trẻ mồ côi, gia đình có hai con đều khuyết tật, bố mẹ là người tâm thần... thì trung tâm nhận nuôi trẻ miễn phí hoặc giảm 50% học phí.

Chia sẻ về những khó khăn, cô giáo Nguyễn Thị Việt Hà tâm sự, sau tám năm hình thành và duy trì, Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Khai Trí đã trải qua rất nhiều khó khăn, phải chuyển địa điểm bốn lần vì không thuê được địa điểm lâu dài, thiếu đồ chơi, đồ dạy học chuyên biệt phù hợp với trẻ chậm phát triển. Hiện nay trung tâm đang gặp khó khăn trong việc nuôi dạy không thu phí cho chín trẻ em khuyết tật có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đặc biệt, có học sinh Phùng Thị Én ở huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc mắc chứng khuyết tật trí tuệ, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bố là người mắc chứng tâm thần, mẹ mắc chứng trầm cảm. Cả nhà em sống dựa vào mấy trăm nghìn đồng tiền phụ cấp người khuyết tật của bố. Hay em Lê Thị Thảo ở xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc) mồ côi bố, mẹ không biết chữ và không có công việc ổn định. Bản thân em mắc nhiều bệnh trong người như tim bẩm sinh, rối loạn chuyển hóa, suy dinh dưỡng, chậm phát triển trí tuệ... Tuy nhiên, các cô giáo của trung tâm đã bớt một phần thu nhập để có kinh phí nuôi dạy miễn phí các em. Phần lớn học sinh của trung tâm sau một năm can thiệp, đều đã biết đọc và viết, hoàn thành nhận biết tốt chương trình lớp 1. Bản thân cô Hà vừa làm công tác quản lý vừa trực tiếp dạy trong những tiết học đặc biệt đối với những trường hợp khó cần sự nghiên cứu, tìm tòi cách tiếp cận phù hợp. Chuyện bị học sinh cắn, đánh, ném đồ vật, phá phách, chạy nhảy... từ lâu đã trở thành hết sức bình thường ở trung tâm. Đã có lúc mệt mỏi và chán nản, song khi nhìn những ánh mắt ngây thơ, non nớt của các em, cô giáo Hà lại thấy mình cần cố gắng nỗ lực hơn nữa, bởi cô không chỉ là cô giáo mà còn là người mẹ, người bạn của các em.

Theo đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc, trong tám năm xây dựng và hình thành, Trung tâm Khai Trí đã giúp cho 200 lượt trẻ khuyết tật được can thiệp, trị liệu và đã có hơn 100 trẻ tiến bộ được đi học hòa nhập với trẻ bình thường. Nhiều em có học lực khá, giỏi tương đương trẻ bình thường. Với những nỗ lực của bản thân, trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2018, cô giáo Nguyễn Thị Việt Hà được tôn vinh, nhận Bằng khen của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam. Tuy nhiên, theo cô giáo Hà, địa điểm mà Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Khai Trí đang thuê không đáp ứng được nhu cầu học tập của trẻ khuyết tật trên địa bàn toàn tỉnh. Vì vậy, rất mong muốn chính quyền địa phương tạo điều kiện để trung tâm được mượn một địa điểm làm cơ sở học tập và đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học, máy tập vận động phục hồi chức năng... để các em có môi trường học tập rộng rãi, thoáng mát, đầy đủ trang thiết bị dạy và học, từ đó nhanh chóng phục hồi chức năng, tiến bộ và sớm hòa nhập cộng đồng.

Nguồn http://nhandan.com.vn

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Người mẹ viết những lời yêu thương lên 21 chiếc bút chì của con (14/2)
 Cô giáo Nam, người mẹ thứ 2 của trẻ thơ (21/1)
 Chuyện của cô Hương trong lớp mầm non học nhờ (2/1)
 Cô giáo tâm huyết với nghề (18/12)
 Nỗi lòng của thầy giáo dạy trẻ tự kỷ (20/11)
 Những câu danh ngôn ý nghĩa nhất về ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 (20/11)
 Lớp mẫu giáo canh tân đầu tiên ở Hà Nội cách đây hơn 70 năm (19/11)
 Hình ảnh trường mẫu giáo theo hướng canh tân đầu tiên ở Việt Nam (19/11)
 Cô giáo mầm non chiến thắng bệnh ung thư bằng niềm yêu thương con trẻ (14/11)
 Cô giáo Hiền, một đóa hoa ngát hương của ngành giáo dục tỉnh Thái Bình (12/11)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i