Dạy trẻ tự kỷ được xem là hành trình đầy gian nan và thử thách nhưng hơn 7 năm qua, thầy giáo Trần Cao Quanh, giáo viên tại Trung tâm hỗ trợ Can Thiệp Sớm Huế (TP.Huế) đã vượt qua mọi khó khăn, vất vả để dành trọn tâm huyết với nghề...
Tốt nghiệp chuyên ngành Tâm Lý Giáo Dục, Trường Đại học Sư phạm Huế, nhưng khi ra trường, nhận thấy xung quanh mình có nhiều trẻ tự kỷ không đủ điều kiện hỗ trợ can thiệp sớm nên thầy giáo Trần Cao Quanh (SN 1989) bắt đầu hành trình dạy cho các cháu chậm phát triển và tự kỷ từ tháng 7/2011 bằng cả tình thương, lòng yêu nghề. Gắn bó với nghề được hơn 7 năm, nhiều lúc cảm thấy mệt mỏi và stress vì công việc đầy áp lực.
Thầy Trần Cao Quanh đang hướng dẫn học sinh học.
Tuy nhiên, mỗi ngày qua đi thấy học sinh tiến bộ lại có động lực để gắn bó với nghề. “Đó là niềm vui pha lẫn giọt nước mắt khi học sinh của mình làm được những điều đơn giản như ngồi yên vào ghế 5 - 10 phút, bật ra những ngôn ngữ nói đầu tiên hay tự cầm muỗm xúc cơm tự ăn.... Làm giáo viên dạy trẻ tự kỷ thì đó là niềm vui tuy giản đơn nhưng mang lại rất nhiều ý nghĩa” – thầy Trần Cao Quanh cho biết.
Hiện nay, Trung tâm Can Thiệp Sớm Huế của thầy Trần Cao Quanh đang dạy có 8 giáo viên (7 cô, 1 thầy) đang hỗ trợ cho 14 cháu đặc biệt (đa số mắc hội chứng tự kỷ). Trong đó 11 cháu học theo hình thức bán trú, 2 cháu học theo giờ cá nhân và 1 cháu học hòa nhập tại trường mầm non (giáo viên đến can thiệp tại trường). Trung tâm Can Thiệp Sớm Huế có sự hỗ trợ của Chuyên viên giáo dục đặc biệt Trần Minh Khánh - Trưởng dự án Eurasia – Thụy Sĩ. Trung tâm đảm nhận vai trò chính là tư vấn, đánh giá và can thiệp cho các cháu có nhu cầu đặc biệt.
Một tiết học của các trẻ tại Trung tâm hỗ trợ Can Thiệp Sớm Huế.
Theo đó, tại Trung tâm Can Thiệp Sớm Huế hiện nay các cháu được chia làm 2 lớp, 1 lớp hỗ trợ các kỹ năng để tự phục vụ bản thân, hòa nhập cuộc sống, các cháu sẽ được học theo giờ cá nhân (1 cô – 1 trò) cùng các giờ hoạt động chung của nhóm và 1 lớp tiền tiểu học (các cháu học chung theo từng tiết để chuẩn bị ra trường đi học hòa nhập).
Thầy Trần Cao Quanh tâm sự, đối với trẻ bình thường có thể hướng dẫn vài lần là các em có thể nhận biết, nhưng đa số trẻ tự kỷ đều gặp nhiều khó khăn trong phát triển ngôn ngữ, nhận thức và giao tiếp xã hội nên phải hướng dẫn nhiều lần trẻ mới làm được những cử chỉ cơ bản.
Vì vậy, muốn dạy trẻ tự kỷ thành công, giáo viên không chỉ cần kiến thức chuyên môn mà còn phải kiên nhẫn, thường xuyên quan sát để hiểu ngôn ngữ và những biểu hiện của trẻ, có thể là tức giận, đói hay vui mừng, từ đó khuyến khích trẻ nói ra những gì mình mong muốn. “Nếu thực sự không có lòng kiên nhẫn và tình thương yêu thật sự thì rất khó để làm công việc dạy trẻ tự kỷ bởi mỗi khi các cháu xuất hiện các hành vi như la hét, cắn, khóc, tự hủy hoại bản thân... thì giáo viên phải bình tĩnh xử lý và uốn nắn hành vi cho trẻ, chỉ cần một phút nóng giận, mất bình tĩnh thôi là phương pháp dạy và trị liệu sẽ không đưa lại kết quả” - thầy Trần Cao Quanh nói.
Cô Lê Thị Kim Anh - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ Can Thiệp Sớm Huế khẳng định, đội ngũ giáo viên của trung tâm luôn luôn nỗ lực, tận tâm đồng hành cùng các cháu và mong nhận được sự phối hợp, đồng hành từ phía gia đình. Như vậy, trẻ sẽ nhanh tiến bộ hơn.
Thông thường một giáo viên phải kèm một trẻ tại Trung tâm hỗ trợ Can Thiệp Sớm Huế.
"Là giáo viên dạy trẻ tự kỷ, chúng tôi cũng hy vọng mọi người không còn cái nhìn kỳ thị trẻ tự kỷ bởi điều đó sẽ giết chết tương lai của các con. Đối với giáo viên dạy trẻ tự kỷ như chúng tôi, dù có áp lực, khó khăn, vất vả… nhưng chỉ một sự tiến bộ nho nhỏ của trẻ cũng khiến tất cả tan biến” - cô Lê Thị Kim Anh nói.
Nguồn https://infonet.vn