Hơn 70 năm trước, lớp mẫu giáo đầu tiên theo phương pháp giáo dục hiện đại coi học trò là trung tâm đã hình thành tại Hà Nội.
Ngày hoạt động của học sinh trường Bách Thảo (Hà Nội) - Ảnh: Gia đình GS Vĩnh Bang
Đó là nội dung gây chú ý tại buổi tọa đàm và triển lãm dự án khảo cứu Giáo dục Mới và những nhà tiên phong diễn ra sáng 18-11 tại TP.HCM. Sự kiện do tổ chức phi lợi nhuận The Caterpies thực hiện trong hai năm trong và ngoài nước.
Theo dự án, từ năm 1942 – 1943, lớp mẫu giáo thực nghiệm đầu tiên tại Hà Nội ra đời ứng dụng phương pháp Montessori với thành phần giáo viên ban đầu xuất thân từ Hội hướng đạo sinh. Lớp học do vợ chồng họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc và Nguyễn Thị Khang thành lập và thương gia Nguyễn Sơn Hà hỗ trợ tài chính.
Theo phương pháp giáo dục Montessori, mỗi đứa trẻ là cá thể riêng biệt cần được tôn trọng để phát triển tùy theo khả năng của mình, được tự do, tự lập lựa chọn hoạt động học tập.
GS Vĩnh Bang (bìa phải) theo học ngành tâm lý giáo dục ở Thụy Sĩ - Ảnh: Gia đình GS. Vĩnh Bang
Tiếp đó là Bách Thảo là trường mẫu giáo tư thục đầu tiên dành cho người Việt được vợ chồng Lê Thị Tuất và Nguyễn Phước Vĩnh Bang thành lập vào năm 1946, áp dụng phương pháp của Montessori, Decroly và Froebel.
Khi chiến tranh nổ ra, trường học ngừng hoạt động, GS Vĩnh Bang sau đó đến Thụy Sĩ vào năm 1948 để học tâm lý giáo dục, trở thành "cánh tay phải" của Jean Piaget tên tuổi quen thuộc đối với sinh viên ngành sư phạm, tâm lý trên thế giới.
GS Vĩnh Bang là một học giả Việt hiếm hoi trong lĩnh vực tâm lý học sư phạm được công nhận và kính trọng bởi cộng đồng học thuật quốc tế. Học trò của GS tại Thụy Sĩ bày tỏ ngạc nhiên khi nhóm nghiên cứu từ Việt Nam chưa biết đến ông.
Khảo cứu cho thấy ở Việt Nam đã rất sớm từng tồn tại một giai đoạn dù ngắn đã thể nghiệm phương pháp giáo dục mới mà hiện nay nhiều trường học đang áp dụng để xây dựng nền giáo dục khai phóng, tự do trong thời buổi thuộc địa.
Vali giáo cụ do GS Vĩnh Bang thiết kế để chuẩn hóa các bài kiểm tra tâm lý được dùng tại Thụy Sĩ những năm 1960 - Ảnh: TƯỜNG HÂN
Tọa đàm thu hút nhiều chuyên gia giáo dục, giáo viên, sinh viên ngành sư phạm mầm non đến tham dự - Ảnh: TƯỜNG HÂN
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia giáo dục trong nước, nhà thực hành giáo dục, giáo viên mầm non và giáo sư từ ĐH Geneva (Thụy Sĩ) đã thảo luận về tư tưởng cốt lõi của Giáo dục Mới khi vận dụng vào học đường, rào cản khi thực hành Giáo dục Mới ở Việt Nam, nhìn nhận đúng vai trò của giáo viên mầm non ngang hàng với các bậc đào tạo đại học, phổ thông.
"Từ dự án lịch sử giáo dục này, chúng tôi hi vọng ngành giáo dục mầm non của Việt Nam có nền tảng chắc chắn để người thực hành giáo dục đi sau không phải chạy theo phong cách chỉ dẫn dạy con kiểu Nhật, Mỹ, Do Thái. Từ nền móng đầu tiên, chúng ta tìm về để có nghiên cứu riêng, chúng ta đưa ra cách làm phù hợp cho công việc riêng mỗi người" - bà Nguyễn Thúy Uyên Phương, đồng chủ trì dự án, chia sẻ.
Nguồn https://tuoitre.vn/